Phụng Vụ Lời Chúa: Chúa nhật Phục sinh năm C
(Cv 10,34a.37-43; Cl 3,1-4; Ga 20,1-9)
TIN VÀ LÀM CHỨNG CHO ĐỨC TIN
“Bấy giờ người môn đệ kia, kẻ đã tới mộ trước, cũng đi vào.
Ông đã thấy và đã tin” (Ga 20,8)
Đức Kitô Phục Sinh làm đảo lộn cuộc sống của các môn đệ, đem lại sự sống mới cho các Kitô hữu và thay đổi trật tự thế giới này. Thật phúc cho những ai tin vào Người là Đấng đã chết, đã sống lại và đang ngự bên hữu Thiên Chúa. Thật cao cả cho những ai sẵn sàng dùng chính đời sống của mình để làm chứng cho Đức Kitô Phục Sinh.
I. CÁC BÀI ĐỌC:
1. Bài đọc 1:
Diễn từ của thánh Phêrô tại nhà của ông Conêliô có thể được xem như một bảng tóm tắt cuộc đời và sứ vụ của Chúa Giêsu, bắt đầu từ Galilê cho đến cái chết tại Giêrusalem và đỉnh cao là cuộc phục sinh của Người. Người chính là đối tượng rao giảng của các môn đệ.
Trước hết, thánh Phêrô nói về Đức Giêsu như là một con người thật sự, xuất thân từ Nadarét, miền Galilê. Sau khi chịu phép rửa bởi ông Gioan (x. Lc 3,21-22; Mt 3,13-17), Đức Giêsu được Thiên Chúa xức dầu tấn phong, với quyền năng và Thánh Thần (x. Lc 3,22; 4,1.14) để “thi ân giáng phúc” và “chữa lành mọi kẻ bị ma quỷ kiềm chế” (Cv 10,38). Dẫu không làm gì nên tội nhưng Người lại bị kết án và giết chết, nhưng rồi ngày thứ ba lại được Thiên Chúa cho sống lại. Như vậy, lời chứng của thánh Phêrô xác quyết về mầu nhiệm nhập thể, sứ vụ rao giảng, cái chết và sự sống lại của Đức Giêsu.
Sau nữa, Đức Kitô Phục Sinh hiện ra với các môn đệ, ăn uống với họ (x. Lc 24,30.36-43) và sai họ đi rao giảng và làm chứng về Người (x. Lc 24,46-48), rằng “Người là Đấng Thiên Chúa đặt làm thẩm phán, để xét xử kẻ sống và kẻ chết” và những ai tin vào Người thì sẽ được ơn tha tội (x. Cv 10,42-43). Như vậy, Đức Kitô Phục Sinh chính là đối tượng mà các môn đệ phải rao giảng và làm chứng, để tất cả những ai tin vào Đức Giêsu, Đấng đã chết và đã phục sinh, thì sẽ được cứu độ, được giải thoát khỏi tội lỗi (x. Lc 1,77).
2. Bài đọc 2:
Tác giả thư Côlôsê nói về tác động của Đức Kitô Phục Sinh nơi đời sống của các Kitô hữu trong hiện tại trong khi chờ đợi Đức Kitô lại đến trong ngày quang lâm.
Qua bí tích Rửa Tội, các Kitô hữu “được trỗi dậy cùng với Đức Kitô” (Cl 3,1a), nghĩa là được giải thoát khỏi ách nô lệ của tội nguyên tổ, tội dẫn đến cái chết, mà mặc lấy sự sống mới của Đức Kitô Phục Sinh. Vì thế, các Kitô hữu được khích lệ hãy “hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới”, nghĩa là những gì cao đẹp, thánh thiện và công chính.
Hơn nữa, dù đã được “trỗi dậy cùng với Đức Kitô” nhưng các Kitô hữu vẫn chưa cảm nếm được trọn vẹn sự sống mới vì sự sống đó vẫn đang tiềm tàng bao lâu họ còn sống ở đời này. Chỉ khi nào Đức Kitô, nguồn sống đích thực, xuất hiện trong ngày quang lâm, các Kitô hữu mới được hiệp thông trọn vẹn với sự sống viên mãn và được chia sẻ vinh quang phục sinh của Người cách tròn đầy.
3. Bài Tin Mừng:
Tin tức về ngôi mộ trống gây chấn động, hoang mang, nghi ngờ cho cả những môn đệ thân tín nhất của Đức Giêsu. Nhưng cũng chỉ với những dấu chỉ ban đầu ấy, người môn đệ với lòng mến lớn hơn đã tin.
Đối với bà Maria Mácđala, “tảng đá đã lăn ra khỏi mộ” để lại một ngôi mộ trống là dấu chỉ của việc “người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ” (Ga 20,2). Đó là một phán đoán tức thời và hợp lý. Việc bà tức khắc chạy đi báo cho ông Phêrô, vị tông đồ trưởng, cũng là một chọn lựa phù hợp trong hoàn cảnh mà mọi người vẫn chưa hết bàng hoàng sau cái chết của Đức Giêsu. Vì lòng yêu mến, bà đã sốt sắng đi thăm mộ từ sáng sớm, nhưng những gì bà thấy chỉ làm bà hoang mang thêm vì “chẳng biết người ta để Người ở đâu”.
Đối với ông Phêrô, cái chết của Thầy là một cú sốc quá lớn đối với ông, nhất là khi ông đã không đủ can đảm để nhận mình là môn đệ của Thầy trong giây phút Thầy bị bắt. Vì thế, tin tức về ngôi mộ trống thôi thúc ông tức khắc chạy ra mộ nhanh nhất có thể. Dù ông là người “vào thẳng trong mộ”, “thấy những băng vải” và “khăn che đầu Đức Giêsu”, nhưng chừng đó là chưa đủ để ông có thể tin vào Đức Kitô Phục Sinh. Là người đứng đầu, có lẽ ông thận trọng. Là người lý trí, chắc ông đang tìm câu trả lời hợp lý nhất có thể, nhưng chưa thể xác tín vào Đức Kitô Phục Sinh lúc này.
Còn đối với “người môn đệ Đức Giêsu thương mến”, tin tức về “tảng đá đã lăn ra khỏi mộ” chưa thể giúp ông hiểu được ngay rằng “theo Kinh Thánh, Đức Giêsu phải trỗi dậy từ cõi chết” (Ga 20,9; 1 Cr 15,4; x. Tv 16,10; Hs 6,2), nhưng những gì mà ông thấy trong ngôi mồ trống, với băng vải và khăn che đầu không để lẫn nhưng được cuộn lại và xếp riêng ra một nơi (x. Ga 20,6-7), đã là những dấu chỉ để ông “tin” (Ga 20,8). Ông tin không phải vì có đầy đủ bằng chứng chắc chắn mà tin vì xác tín rằng Đấng mà ông yêu mến không thể chết, nhất là không thể chết trong lòng ông. Ông tin vì lòng yêu mến.
Người môn đệ Đức Giêsu thương mến tin mà không đòi hỏi bằng chứng chắc chắn và rõ ràng như ông Tôma (x. Ga 20,24-28). Ông là hiện thân cho những người được phúc vì “không thấy mà tin” (Ga 20,29).
II. GỢI Ý ÁP DỤNG:
1/ Thánh Phêrô làm chứng cách hùng hồn rằng Đức Giêsu là một con người lịch sử xuất thân từ Nadarét, nhưng đồng thời cũng là Đấng được Thiên Chúa xức dầu tấn phong để thi ân giáng phúc và loại trừ ma quỷ. Người đã bị kết án, giết chết nhưng sau ba ngày đã sống lại. Người chính là đối tượng của lời rao giảng và chứng tá của các môn đệ, để những ai tin vào Người thì được sự sống đời đời (x. Ga 3,16.36). Đức Kitô Phục Sinh chính là nền tảng đức tin của người Kitô hữu, một đức tin cần được thể hiện qua đời sống chứng tá.
2/ Đức Kitô Phục Sinh mở ra một chân trời mới cho đời sống các Kitô hữu. Tuy vậy, họ vẫn chưa được hưởng trọn vẹn những hiệu quả của sự sống mới nơi Đức Kitô Phục Sinh bao lâu còn sống trong kiếp người. Sự sống đang tiềm tàng nơi các Kitô hữu nhờ bí tích Rửa Tội sẽ đạt đến sự sống viên mãn khi Đức Kitô trở lại vào ngày quang lâm. Trong khi chờ ngày đó, các Kitô hữu được mời gọi sống trung tín với Đức Kitô, Đấng đã chết và sống lại cho họ.
3/ Ngôi mộ trống, đối với bà Maria Mácđala, là dấu chỉ của sự buồn bã vì người ta đã lấy mất xác Chúa; đó là dấu chỉ gây ra sự hoang mang đối với ông Phêrô, nhưng đối với người môn đệ Chúa yêu mến thì đó lại là dấu chỉ chắc chắn sự hiện diện của Thầy, vì trong lòng ông, hình ảnh của Thầy chưa bao giờ nhạt phai. Thầy vẫn tiếp tục sống, trong lòng ông và qua những dấu chỉ bình thường nhất. Nếu được nhìn trong lăng kính của lòng yêu mến thì mỗi dấu chỉ, dù đơn sơ và bình thường, cũng đều có thể là chỉ dấu cho thấy sự hiện diện sống động của Đức Kitô Phục Sinh trong cuộc sống của mỗi Kitô hữu hôm nay.
III. LỜI NGUYỆN CHUNG:
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Thiên Chúa Cha đã cho Đức Giêsu Kitô chỗi dậy từ trong cõi chết nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần; nơi Người, chúng ta được tái sinh và đón nhận sức sống mới. Trong niềm hân hoan mừng Chúa sống lại, cộng đoàn chúng ta cùng tôn vinh chúc tụng Chúa và dâng lời cầu nguyện.
1. Người môn đệ được Chúa yêu “đã thấy và đã tin.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi thành phần trong Hội Thánh luôn vững tin vào mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô, và nhiệt tâm loan báo tin mừng Phục Sinh cho con người hôm nay bằng lời rao giảng, đời sống cầu nguyện và gương sáng đức tin của mình.
2. “Tất cả những ai tin vào Đức Kitô, thì nhờ danh Người mà được tha tội.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi dân tộc trên thế giới được nghe loan báo về Đức Kitô phục sinh và tin nhận Người là “khởi nguyên và cùng đích”, để tất cả mọi người luôn sống trong tin yêu hy vọng hướng về hạnh phúc đời đời.
3. Đức Kitô phục sinh là niềm hy vọng và an ủi cho những ai u sầu thất vọng. Chúng ta cùng cầu nguyện cho những người đang đau khổ hồn xác được tham dự vào niềm vui của mầu nhiệm phục sinh, để họ có thêm can đảm đón nhận và vác thập giá trong đời sống hàng ngày mà bước theo Chúa.
4. “Anh em đã được trỗi dậy cùng với Đức Kitô.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người tham dự cử hành phụng vụ hôm nay được lãnh nhận dồi dào ân sủng của Chúa phục sinh, biết làm sống động đức tin của mình qua đời sống đạo nhiệt thành, trở nên men muối cho đời, và ánh sáng cho trần gian.
Chủ tế: Lạy Thiên Chúa là Đấng hằng sống, Con Chúa đã chịu chết và sống lại để cứu độ chúng con. Xin nhậm lời chúng con cầu nguyện, và cho ân sủng cùng niềm vui phục sinh biến đổi chúng con trở nên những con người mới. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.
bài liên quan mới nhất
- Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật Lễ Chúa Giêsu chịu phép Rửa năm A
-
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật Lễ Lá năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 5 mùa Chay năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 4 mùa Chay năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 3 mùa Chay năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 2 mùa Chay năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 1 mùa Chay năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 8 Thường niên năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 7 Thường niên năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 6 Thường niên năm C
bài liên quan đọc nhiều
- Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật IV Mùa Chay - năm A
-
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 1 mùa Vọng năm B -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật 6 Thường niên - năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật III Mùa Chay - năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật V Phục Sinh - năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật 5 Thường niên - năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 3 Phục sinh năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 30 Thường niên năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 3 mùa Vọng năm B -
Phụng vụ Lời Chúa: Lễ Mình Máu Thánh Chúa năm B