Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật Thường niên II - năm A

Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật Thường niên II - năm A

Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật Thường niên II - năm A

CHÚA NHẬT II THƯỜNG NIÊN – A

(Is 49,3.5-6; 1 Cr 1,1-3; Ga 1,29-34)

Chủ đề: ĐỨC GIÊSU KITÔ, ĐẤNG CỨU ĐỘ TRẦN GIAN

 “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa bỏ tội trần gian” (Ga 1,29)

Đức Giêsu là Đấng mà Thiên Chúa đã hứa ban cho dân Ngài. Người đến để giải thoát con người khỏi tội lỗi và giải chiếu trên họ ánh sáng vĩnh cữu của ơn cứu độ. Gioan Tẩy Giả đã nhận ra căn tính đích thực của Đức Giêsu. Ông tin và giới thiệu Đức Giêsu cho những người khác.

I. CÁC BÀI ĐỌC

1. Bài đọc I (Is 49,3.5-6)

Dân Do Thái đang sống lưu đày tại Babilon vào khoảng thế kỷ thứ VI trước CN. Giữa hoàn cảnh u buồn và thất vọng đó, Thiên Chúa đã cho xuất hiện vị ngôn sứ để loan báo những lời đầy hi vọng. Người tôi trung trong đoạn sách Isaia hôm nay là một hình ảnh bí nhiệm, có thể là biểu tượng của một số người Do Thái trung thành với Lề Luật hay một nhân vật nào đó. Truyền thống Kitô giáo nhìn thấy người tôi trung này là chính Đức Kitô. Qua người tôi trung này, Thiên Chúa sẽ biểu lộ vinh quang của mình: “Hỡi Israel, ngươi là tôi trung của Ta. Ta sẽ dùng ngươi để biểu lộ vinh quang”. Vinh quang của Thiên Chúa không chỉ chiếu tỏa trên dân Israel, mà còn trên mọi dân tộc. Quả thật, ơn cứu độ của Thiên Chúa được dành cho hết thảy mọi dân tộc, chứ không dành riêng cho Israel: “Nếu ngươi chỉ là tôi trung của Ta để tái lập các chi tộc Giacóp, để dẫn đưa các người Israel sống sót trở về, thì vẫn còn quá ít. Vì vậy, này Ta đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân, để ngươi đem ơn cứu độ của Ta đến tận cùng cõi đất”. Để thực hiện sứ mệnh cao cả này, chính Thiên Chúa trở nên nguồn nâng đỡ và sức mạnh của người tôi trung: “Thiên Chúa tôi thờ là sức mạnh của tôi”. Tất cả những lời tiên báo này đã được hoàn tất nơi Đức Giêsu Kitô, Đấng đến đem ơn cứu độ cho mọi người.

2. Bài đọc II (1 Cr 1,1-3)

Trong lá thư thứ nhất gởi cho các tín hữu ở Côrintô, Phaolô xác định về ơn gọi Tông đồ của mình. Ơn gọi làm Tông đồ của Đức Giêsu Kitô là do ý định của Thiên Chúa, chứ không do ý muốn của con người. Phaolô được kêu gọi để loan báo Tin Mừng Đức Giêsu cho mọi dân để họ trở nên “những người được thánh hiến trong Đức Giêsu, được kêu gọi làm dân thánh” cùng với tất cả mọi người khắp nơi kêu cầu danh Đức Giêsu. Các tín hữu là những người tin vào Đức Giêsu Kitô. Họ được kêu gọi hiệp nhất trong Hội Thánh của Thiên Chúa cùng với những người tin vào Đức Giêsu và trở nên thánh thiện. Người Kitô hữu là người thuộc về Thiên Chúa và là chứng nhân của Thiên Chúa giữa thế gian như “muối cho đời, ánh sáng cho thế gian, men trong bột”. Họ có trách nhiệm làm cho người khác nhận biết Đức Giêsu Kitô và Tin Mừng của Người bằng chính đời sống của mình.

3. Tin Mừng (Ga 1,29-34)

 Gioan Tẩy Giả rao giảng và kêu gọi mọi người chuẩn bị tâm hồn để dọn đường cho Thiên Chúa ngự đến. Trong khi Gioan đang ở sông Giođan để làm phép rửa thống hối cho dân chúng, Đức Giêsu tiến về phía của Gioan. Vừa thấy Đức Giêsu, Gioan liền nói về Đức Giêsu với những lời thật ý nghĩa: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa bỏ tội trần gian. Chính Người là Đấng tôi đã nói tới khi bảo rằng: Có người đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi”. Đức Giêsu là Đấng đến để xóa bỏ tội lỗi của con người qua hiến tế trên thập giá. Trong Cựu Ước, con chiên là vật dùng để dâng tiến lên Thiên Chúa để đền bù tội lỗi của con người. Nhưng máu của các con vật không thể nào tẩy xóa hết tội lỗi con người được, như thư gởi tín hữu Do Thái đã khẳng định: “Thật thế, máu các con bò, con dê không thể nào xóa được tội lỗi” (Hr 10,4). Vâng, chỉ có hiến tế của Đức Giêsu, là Chiên Thiên Chúa, mới tẩy sạch tội lỗi của con người mà thôi. Gioan đã nhận ra căn tính đích thực của Đức Giêsu là nhờ quyền năng của Thiên Chúa mặc khải cho ông: “Tôi không biết Người. Nhưng chính Đấng sai tôi đi làm phép rửa trong nước đã bảo tôi: Ngươi thấy Thần Khí xuống và ngự trên ai, thì người đó chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần”. Gioan đã nhận ra dấu chỉ mà Thiên Chúa đã nói về Đức Giêsu trong biến cố Đức Giêsu đến lãnh nhận phép rửa tại sông Giođan: “Tôi đã thấy, nên xin chứng thật rằng Người là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn”. Thánh Thần Chúa, tựa hình chim bồ câu, ngự xuống trên Đức Giêsu ngay lúc Người lên khỏi nước (x. Mt 3,16; Mc 1,10; Lc 3,22).

II. GỢI Ý MỤC VỤ

1. “Vì vậy, này Ta đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân, để ngươi đem ơn cứu độ của Ta đến tận cùng cõi đất”. Thiên Chúa đã chọn, đặt người tôi trung làm ánh sáng và trở nên dụng cụ truyền ban ơn cứu độ cho muôn dân. Tôi cũng được Thiên Chúa mời gọi trở nên những chứng nhân của tình yêu và ơn cứu độ cho người khác. Tôi có ý thức và sống trọn bổn phận này trong đời sống? Cuộc sống tôi có trở nên ánh sáng và dụng cụ truyền giảng ơn cứu độ của Thiên Chúa?

2. “Những người được thánh hiến trong Đức Giêsu, được kêu gọi làm dân thánh”. Tôi được mời gọi trở nên thánh khi lãnh nhận bí tích Thanh Tẩy để trở nên những thụ tạo mới trong Đức Giêsu Kitô. Mỗi ngày sống tôi có nỗ lực để sống lời mời gọi này? Tôi có sống thuộc về Thiên Chúa và bước theo lời chỉ dạy của Ngài?

3. “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa bỏ tội trần gian”. Đức Giêsu đã đổ máu mình ra như của lễ đền thay tội lỗi của con người khỏi sự chết đời đời do tội lỗi gây nên. Tôi có sống và ý thức được tình yêu thương cao cả này của Đức Giêsu trong cuộc sống của mình? Tôi có can đảm chia sẻ cảm nghiệm của ơn tha thứ của Đức Giêsu và giới thiệu Người cho những ai mà tôi gặp gỡ?

III. LỜI NGUYỆN CHUNG

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Thiên Chúa đã sai Con Một của Người là Đức Giêsu Kitô đến trần gian để cứu độ nhân loại. Chính Thánh Gioan Tẩy Giả đã làm chứng và chỉ cho mọi người nhận biết khi Chúa đến. Chúng ta cùng cảm tạ Chúa và hiệp ý cầu nguyện:

1. Thánh Gioan nói: “Ðây Chiên Thiên Chúa, đây Ðấng xoá bỏ tội trần gian.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi thành phần Hội Thánh luôn nỗ lực trong sứ mạng Phúc Âm hóa, biết dùng mọi khả năng và phương tiện để giới thiệu Chúa Cứu Thế cho mọi người.

2. Công cuộc loan báo Tin Mừng tại nhiều nơi trên thế giới còn gặp khó khăn cấm cách. Chúng ta cùng cầu nguyện cho các nhà lãnh đạo ở những nơi đó biết mở lòng trước tình thương của Thiên Chúa, để người dân của họ được nghe loan báo Tin Mừng cứu độ.

3. “Tôi đã thấy và tôi làm chứng: chính Ngài là Con Thiên Chúa.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi Kitô hữu biết dùng lời nói, việc làm và cách sống của mình để làm chứng và giới thiệu cho người khác về Đức Giêsu Kitô, là hiện thân tình yêu cứu độ của Thiên Chúa.

4. Thánh Phaolô nói: “Nguyện chúc cho anh em được ân sủng và bình an của Thiên Chúa Cha.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi gia đình và mọi người trong cộng đoàn chúng ta biết ý thức ơn gọi và tích cực sống sứ vụ của mình, để luôn được Thiên Chúa chúc phúc.

Chủ tế: Lạy Chúa là Cha và là Đấng cứu độ chúng con. Xin nhận lời chúng con thành tâm cầu nguyện và ban ơn trợ giúp, để chúng con biết loan báo và làm chứng cho tình thương cứu độ của Chúa giữa mọi người. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. 

Top