Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật XIII Thường Niên - năm A (29/06: Lễ Thánh Phêrô và Phaolô, tông đồ)
CHÚA NHẬT XIII THƯỜNG NIÊN – NĂM A
LỄ THÁNH PHÊRÔ VÀ PHAOLÔ TÔNG ĐỒ
Cv 12,1-11 -- 2Tm 4,6-8.16b.17-18
Mt 16,13-19
ĐỨC TIN: NỀN TẢNG GIÚP TRUNG TÍN TRONG CƠN BÁCH HẠI
“Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”
(Mt 16,16)
I. CÁC BÀI ĐỌC
1. Bài đọc I – Cv 12,1-11
Đoạn sách Công vụ Tông đồ được đặt trong bối cảnh mà Hội Thánh đang phải đối diện với một cuộc bách hại đầy khốc liệt. Đoạn sách nêu bật bốn yếu tố chính:
1/ Hành động bách hại được thực hiện bởi vua Hêrôđê Agripa I, đang cai trị miền Giuđê và Samari năm 41-44 và là cháu nội của vua Hêrôđê đại đế: Ngược đãi... cho chém đầu... ra lệnh bắt giam.
2/ Nhiều thành phần của Giáo hội sơ khai đã phải gánh chịu hậu quả nghiêm trọng: nhiều người bị ngược đãi, Giacôbê chịu tử đạo, Phêrô bị bắt giam trong ngục.
3/ Mọi người trong Hội thánh đều dâng lên Thiên Chúa lời cầu nguyện cho Phêrô.
4/ Hai hình ảnh tương phản của cuộc giải thoát lạ lùng:
+ Sức mạnh của thế gian: Phêrô bị canh giữ bởi bốn tốp lính canh, mỗi tốp bốn người; bị khóa vào hai cái xiềng; ông còn phải nằm ngủ giữa hai người lính; trước cửa ngục còn có lính canh.
+ Quyền năng của Thiên Chúa: ngay khi được đánh thức trỗi dậy, xiềng xích liền tuột khỏi tay Phêrô, thiên thần dẫn ông đi qua các vọng canh và cửa sắt thông ra thành.
2. Bài đọc II - 2Tm 4,6-8.16b.17-18
Linh cảm báo cho biết cuộc tử đạo đã gần kề, Thánh Phaolô nhìn lại hành trình ơn gọi của mình và chia sẻ những trải nghiệm đức tin của ông cho Timôthê. Những bước chân truyền giáo trên mọi nẻo đường đầy gian khổ đã giúp Phaolô vào cuối đời đi đến ba xác tín: đã thi đấu trong một cuộc thi đấu cao đẹp, đã chạy hết chặng đường, đã giữ vững đức tin. Bây giờ Ngài chỉ còn đợi một điều là “vòng hoa dành cho người công chính.”
“Bị mọi người bỏ rơi”: một kinh nghiệm đầy chua chát của đời truyền giáo? Không, đây chính là điều cần thiết để giúp Thánh Phaolô biết phó thác hoàn toàn vào quyền năng của Thiên Chúa. Chính nhờ quyền năng ấy mà Thánh Phaolô đã “thoát mọi nanh vuốt sư tử... mọi hành vi hiểm độc”, cũng chính nhờ quyền năng ấy mà “việc rao giảng được hoàn thành” và “các dân ngoại được nghe biết Tin mừng.”
Vượt trên tất cả mọi thăng trầm của đời truyền giáo, tâm tình cuối cùng còn đọng lại nơi thánh Phaolô là lời “chúc tụng Thiên Chúa đến muôn thuở muôn đời.”
3. Bài Tin Mừng – Mt 16,13-19
Lời tuyên tín của thánh Phêrô tại Cêsarêa Philipphê, đối với Tin Mừng thánh Matthêu, là lời tuyên tín nền tảng cho đức tin của toàn thể Hội thánh: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống.” Lời tuyên tín này minh định hai điều căn bản của đức tin: Chúa Giêsu chính là Đấng mà toàn thể dân Israel hằng trông đợi, Ngài là Đấng Thiên Sai. Nhưng Đấng ấy không đến để giải thoát dân Do Thái ra khỏi ách thống trị của ngoại bang như lòng họ hằng mơ ước. Sứ mạng của Ngài hoàn toàn lệ thuộc vào căn tính “Con Thiên Chúa hằng sống.” Ngài đến trần gian trong tư cách của một người Con để thi hành thánh ý của Chúa Cha: đó là mang lại ơn cứu độ cho toàn thể nhân loại qua cái chết và sự phục sinh.
Lời tuyên tín này chính mà một mạc khải được tỏ ra cho Phêrô và khi chấp nhập để biến nó thành niềm xác tín cho mình, Thánh Phêrô xứng đáng được Chúa Giêsu trao cho trọng trách cai quản Hội thánh mà chính Ngài đã thiết lập.
Lời tuyên tín này cũng thật cần thiết vì chỉ sau lời tuyên tín ấy của thánh Phêrô, Chúa Giêsu mới tiên báo về cuộc thương khó của Ngài và về những điều kiện phải có của người môn đệ để theo Chúa Giêsu: từ bỏ mình, vác thập giá, đi theo.
II. GỢI Ý MỤC VỤ
1. Ngay từ thời Giáo hội sơ khai cho đến mãi hôm nay, mặt trái của đức tin Kitô giáo vẫn luôn là bách hại và tử đạo. Chính Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhận định: “Bây giờ, việc đàn áp các Kitô hữu còn mạnh mẽ hơn vào các thế kỷ đầu tiên của Giáo Hội, và có nhiều vị tử đạo hơn thời đó. Điều này xẩy ra 1700 năm sau sắc lệnh của Đại Đế Constantine, cho phép các Kitô hữu được tự do tuyên xưng đức tin trước công chúng” (trích bài nói chuyền về “Tự do tôn giáo theo Quốc Tế Công Pháp và những tranh chấp về giá trị trên toàn cầu”). Như thế, những khó khăn, những thử thách dưới nhiều hình thức khác nhau là điều không thể tránh khỏi cho việc sống đức tin của Kitô hữu ở mọi thời đại. Những khó khăn mà thời đại hôm nay gây ra cho việc sống đức tin là gì và đâu là cách thế thích hợp để ứng phó?
2. Nếu mặt trái của việc sống đức tin là bách hại thì mặt phải của việc sống đức tin là lòng tín thác vào quyền năng của Thiên Chúa. Thánh Phêrô đã có kinh nghiệm thật sống động về điều này: giữa những xích xiềng của gông cùm và vòng vây canh giữ của lính gác thì Thiên Chúa đã ra tay hành động để giải thoát ông. Khi người ta không còn gì để cậy dựa và hy vọng, thì lòng tín thác vẫn còn nguyên giá trị hầu giúp người môn đệ nhận ra sức mạnh vô song của chính Thiên Chúa, Đấng vẫn đang đồng hành để nâng đỡ đời sống và giúp họ vượt qua những cuộc khủng hoảng đức tin.
3. Đối với Thánh Phaolô, “vòng hoa dành cho người công chính” là phần thưởng chỉ dành cho những người môn đệ sau khi đã xác tín và sống xác tín rằng: đời truyền giáo là “một cuộc thi đấu cao đẹp.” Điều đó đòi người môn đệ phải luôn chiến đấu và trung tín chiến đấu đến cùng. Hành động “tân Phúc Âm hóa đời sống gia đình” cũng có thể được coi như là một nét khác của cuộc chiến đấu cao đẹp. Trung tín mỗi ngày để tân Phúc Âm hóa đời sống gia đình mình chắc chắn cũng sẽ dẫn chúng ta đến phần thưởng là “vòng hoa dành cho người công chính.”
III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Thiên Chúa đã tuyển chọn hai thánh Phêrô và Phaolô cách đặc biệt, biến đổi các ngài nên những trụ cột của tòa nhà Hội Thánh. Với tâm tình cảm mến tri ân, chúng ta cùng hiệp với hai thánh Tông Đồ dâng lên Thiên Chúa lời nguyện xin.
1. Chúa Giêsu nói với Phêrô: “Con là Đá, trên Đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô và hàng giáo phẩm trong Hội Thánh, luôn hăng say với sứ vụ chăm sóc và củng cố niềm tin cho dân Chúa bằng một đức tin duy nhất và tông tuyền.
2. Thánh Phêrô thưa: “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho các dân tộc và tất cả những ai còn xa lạ với đức tin Kitô giáo biết mở lòng đón nhận Tin Mừng cứu độ mà Hội Thánh không ngừng loan báo, và mạnh dạn tuyên xưng niềm tin vào Đức Giêsu Kitô.
3. Thánh Phaolô tuyên bố: “Cha đã chạy đến cùng đường và đã giữ vững đức tin.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho các Kitô hữu đang bị bách hại hay gặp thử thách trong đời sống đức tin biết noi gương các thánh Tông đồ luôn trọn niềm tin tưởng vào sức mạnh của Lời Chúa và kiên cường giữ vững đức tin.
4. “Nguyện cho Thiên Chúa được vinh quang muôn đời.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta, cách riêng những anh chị em đang dấn thân trong các hoạt động chung được thêm lòng nhiệt thành như các Tông đồ, tích cực cộng tác với nhau để phục vụ mọi người và làm sáng danh Chúa.
Chủ tế: Lạy Chúa là Cha và là Đấng Cứu Độ chúng con, xin nhận lời chúng con cầu nguyện trong ngày mừng kính hai thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô hôm nay, xin biến đổi chúng con thành những chứng nhân sống động của Tin Mừng theo gương các ngài. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.
bài liên quan mới nhất
- Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật Lễ Chúa Giêsu chịu phép Rửa năm A
-
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật Lễ Lá năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 5 mùa Chay năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 4 mùa Chay năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 3 mùa Chay năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 2 mùa Chay năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 1 mùa Chay năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 8 Thường niên năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 7 Thường niên năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 6 Thường niên năm C
bài liên quan đọc nhiều
- Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật IV Mùa Chay - năm A
-
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 1 mùa Vọng năm B -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật 6 Thường niên - năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật III Mùa Chay - năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật V Phục Sinh - năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật 5 Thường niên - năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 3 Phục sinh năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 30 Thường niên năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 3 mùa Vọng năm B -
Phụng vụ Lời Chúa: Lễ Mình Máu Thánh Chúa năm B