Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật XIV Thường Niên - năm B
CHÚA NHẬT XIV THƯỜNG NIÊN B
Ed 2,2-5; 2Cr 12,7-10; Mc 6,1-6
NIỀM TIN VÀ ƠN CỨU ĐỘ
“Người đã không thể
làm được phép lạ nào tại đó;
Người chỉ đặt tay trên một vài bệnh nhân
và chữa lành cho họ.
Người lấy làm lạ vì họ không tin”
(Mc 6,5-6)
I. CÁC BÀI ĐỌC
1. Bài đọc 1: Ed 2,2-5
Ngoài Isaiah và Jeremiah, Ezekiel cũng được kể là một vị “ngôn sứ lớn” trong Cựu Ước. Ngài là vị “ngôn sứ lớn” vì sách ngài để lại cho chúng ta có đến 48 chương và bao trùm nhiều chủ đề thần học. Đoạn Kinh Thánh Ed 2,2-5 trong Phụng Vụ Chúa Nhật hôm nay thuộc về khối đơn vị văn chương 1,1-3,27, là đơn vị nói đến “thị kiến ban đầu của Ezekiel và sứ mạng được Thiên Chúa trao”. Ed 1,4-28 đề cập đến thị kiến của Ezekiel về xa giá của Đức Chúa. Còn Ed 2,1-3,15 thuật lại thị kiến về cuốn sách, trong đó Đức Chúa trao cho ngôn sứ Ezekiel sứ mạng đến với dân Israel đang nổi loạn chống lại Đức Chúa để nói cho họ nghe Lời Người.
Tưởng cũng nên nhắc lại, sau thời vua Salomon, nước Israel bị chia thành hai vương quốc: vương quốc Israel ở Phía Bắc và vương quốc Judah ở Phía Nam. Vương quốc Phía Bắc (Israel) bị đế quốc Assyria thôn tính vào năm 722 TCN. Khi đế quốc Assyria suy tàn vào năm 612 TCN và đế quốc Babylon nổi lên thế chỗ, vương quốc Judah nhỏ bé ở Phía Nam trở thành nước chư hầu của đế quốc Babylon. Trong thế chính trị giằng co giữa hai đế quốc Babylon và đế quốc Ai-cập thời ấy, vương quốc Judah đã muốn dựa vào đế quốc Ai-cập để thoát cảnh chư hầu của mình. Tưởng rằng đế quốc Ai-cập đủ sức đương đầu với đế quốc Babylon, nên vương quốc Judah đã nổi lên chống lại đế quốc Babylon. Kết quả không như vương quốc Judah mong đợi: quân Babylon đã tấn công Judah vào năm 605 TCN, kế đó vào những năm 598-597 TCN, và cuối cùng đã xóa sổ vương quốc này vào năm 586 TCN. Quân Babylon bắt hàng ngàn người Do-thái đi lưu đày qua mỗi lần chinh phạt. Trong số những người đi lưu đày lần thứ hai có ngôn sứ Ezekiel.
Trên vùng đất bị lưu đày ở đế quốc Babylon, Ezekiel đã nhận được ơn gọi làm ngôn sứ. Ed 2,2-5 nêu bật ba nhân tố quan trọng trong ơn gọi ngôn sứ của Ezekiel:
1/ Đức Chúa là Đấng trao sứ mạng, sai vị ngôn sứ ra đi
2/ Ezekiel là người tiếp nhận sứ mạng từ Đức Chúa
3/ Dân Israel, cụ thể hơn là những người Do-thái đang chịu cảnh lưu đày, là đối tượng lãnh nhận sứ điệp của Đức Chúa qua vị ngôn sứ
Dân Israel được mô tả qua các hình ảnh tiêu cực:
1/ Dân phản nghịch đang nổi loạn chống lại Đức Chúa (x. c3)
2/ Những đứa con mặt dày mặt dạn, lòng chai dạ đá (x. c4)
3/ Nòi phản loạn (x. c5)
Điều này cho thấy việc thi hành sứ mạng của ngôn sứ Ezekiel trong dân Israel sẽ không dễ dàng chút nào, nếu không muốn nói là sẽ gặp nhiều chống đối. Nhưng chính trong môi trường đầy thử thách đó mà ngôn sứ Ezekiel được Thiên Chúa tin tưởng trao phó sứ mạng nói Lời của Người cho họ. Điều quan trọng là Thiên Chúa muốn có một ngôn sứ hiện diện giữa họ để truyền đạt thánh ý của Thiên Chúa cho họ, dù họ có chịu nghe hay không. Sự có mặt của một vị ngôn sứ là bảo chứng tình thương và lòng thành tín của Thiên Chúa đối với dân Israel. Thiên Chúa không bỏ rơi họ, nhưng luôn lo liệu để có người hướng dẫn họ sống phù hợp với thánh ý Thiên Chúa trong bất cứ hoàn cảnh nào để dân Israel được hạnh phúc và sống trong mối thân tình với Thiên Chúa.
2. Bài đọc 2: 2Cr 12,7-10
Thư thứ hai của thánh Phaolô tông đồ gửi tín hữu Côrintô căn bản được chia làm 2 phần chính. Chương 1 đến chương 9 phản ánh một số vấn đề trong cộng đoàn Côrintô, nhưng nội dung lại mang cung điệu hi vọng và hòa giải. Trái lại, nội dung của 3 chương cuối thư (chương 10-13) lại chứa đựng giọng văn gay gắt, xen lẫn lo âu và có phần châm biếm.
12,7-10 là đoạn cuối trong phân đoạn 12,1-10. Trong phân đoạn này, tông đồ Phaolô thuật lại các thị kiến và các mặc khải mà ngài đã nhận được từ Chúa. Phaolô thuật lại những kinh nghiệm thần bí này không phải để tự cao tự đại, nhưng để phản bác lại những “tông đồ giả hiệu” [thánh Phao lô châm biếm gọi họ là “những tông đồ siêu đẳng”, x. 11,5], vốn thường hay tự phụ, lấy mình làm tiêu chuẩn để đánh giá người khác, thích khoe khoang về mình.
Trong đoạn kết này, vị tông đồ dân ngoại nhắc đến những điểm chính yếu sau đây:
1/ Thân xác ngài như đã bị một cái dằm đâm vào để ngài khỏi tự cao tự đại
2/ Ngài đã 3 lần xin Chúa giải thoát ngài khỏi nỗi khổ này
3/ Nhưng Chúa quả quyết: ơn Chúa đủ cho Phaolô, để nơi sự yếu đuối của Phaolô, sức mạnh của Chúa được biểu lộ cách trọn vẹn
4/ Ngài tự hào về những yếu đuối của mình. Chính lúc ngài yếu, là lúc ngài mạnh, vì sức mạnh của Chúa Kitô ở mãi trong ngài.
Chúng ta không được biết đích xác thánh Phaolô hàm ý điều gì khi ngài nói đến “cái dằm” nơi thân xác ngài. Có thể đó là nỗi đau thể lý hay nỗi đau tinh thần. Cũng có thể đó là một sự cám dỗ hay một khuynh hướng xấu mà ngài thường gặp phải. Dù là gì đi nữa, thì “cái dằm” này gây cho ngài không ít khó chịu và đau khổ, nên ngài đã ba lần xin Chúa cất đi nỗi khổ này.
Chúa không lấy ngay đi “cái dằm” đó như Phaolô mong muốn, nhưng Chúa hứa ban đủ ơn để Phaolô có thể sống được với “cái dằm” đó nơi thân xác mình. Khi có “cái dằm” luôn ở bên mình, Phaolô [sẽ] phải luôn ý thức về tình trạng giới hạn của mình; ngài không thể cậy dựa vào sức mạnh của chính mình, nhưng phải luôn biết khiêm tốn cậy dựa vào sức mạnh của Chúa [dunamis tou Christou], Đấng sẽ làm cho Phaolô luôn mạnh sức, ngay cả khi ông cảm thấy đuối sức nhất.
3. Bài Tin Mừng: Mc 6,1-6
Từ Capharnaum, Chúa Giêsu tiến về Nazareth theo hướng Tây Nam cách Capharnaum khoảng 20 dặm. Mặc dù bản văn không đề cập đến tên gọi Nazareth, nhưng từ Hi-lạp Patris (quê quán) hàm ý địa danh này, là nơi gia đình Ngài đã sinh sống và là nơi Chúa Giêsu đã lớn lên. Vào ngày Sabbath, Chúa Giêsu đã vào hội đường Do-thái và giảng dạy tại đây.
Nhiều người đồng hương với Chúa Giêsu rất đỗi ngạc nhiên trước sự khôn ngoan được thể hiện trong lời giảng dạy của Ngài và trước quyền năng được thể hiện qua những việc lạ thường (dynameis) Ngài thực hiện. Nhưng họ không hiểu được bởi đâu Chúa Giêsu lại có thể làm được những điều như vậy.
Trước đó, tại Capharnaum như Mc 1,1-28 cho biết, Đức Giêsu cũng đã vào hội đường mà giảng dạy. Tại đó, dân chúng đã thực sự sửng sốt về lời giảng dạy của Người, “vì Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư” (c22). Dân chúng lại càng ngạc nhiên hơn nữa, khi Chúa Giêsu đã dùng quyền mà chữa lành một người bị thần ô uế ám. Họ đã bàn tán với nhau: “Thế nghĩa là gì? Giáo lý thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền. Ông ấy ra lệnh cho cả thần ô uế và chúng phải tuân lệnh” (c27).
Những người đồng hương tại Nazareth cũng sửng sốt, nhưng thay vì để tâm tìm hiểu cho kỹ, họ lại vội nhìn về gia thế và xuất thân “bình thường” của Người: một người thợ mộc, con bà Maria và là anh em của những người đang sống bên cạnh họ (x. Mc 6,3). Họ vấp ngã vì Người (x. Mc 6,4). Họ vấp ngã vì không thể giải thích được vì sao một người có xuất thân “bình thường” như họ, lại có thể làm được những điều lạ thường và có thể giảng dạy khôn ngoan như vậy. Như thế, mấu chốt của vấn đề là ở chỗ những người đồng hương chỉ nhìn thấy một “con người” bình thường nơi Đức Giêsu, chứ họ không thể hay chưa thể nhận ra một “Đấng với quyền năng Thiên Chúa” nơi Đức Giêsu. Ngày hôm nay, trái lại, người Công giáo chúng ta tin nhận rằng Đức Giêsu chính là Ngôi Hai Thiên Chúa nhập thể; và vì thế, chúng ta hiểu được tại sao Chúa Giêsu lại có thể làm được những điều kỳ diệu và giảng dạy khôn ngoan như vậy.
Đứng trước thái độ kém tin của những người đồng hương Nazareth, Chúa Giêsu đã “không thể làm được phép lạ nào tại đó” [ouk edunato ekei poiēsai oudemian dunamin] (Mc 6,5). Người “không thể [ouk edunato] làm được” không có nghĩa là Người không đủ khả năng hay không có đủ thẩm quyền để làm phép lạ, nhưng đúng hơn, điều này hàm ý Người quyết định không làm phép lạ tại đó cho họ. Thực ra, Chúa Giêsu cũng đã làm phép lạ tại đó, khi “Người đặt tay trên một vài bệnh nhân và chữa lành cho họ” (Mc 6,5b). Nhưng Người đã quyết định không làm một phép lạ nào “lớn lao” hơn vì thái độ cứng tin của những người đồng hương.
Như Tin Mừng Marcô trình bày, Chúa Giêsu thường chỉ làm phép lạ khi người ta có niềm tin, và phép lạ của Người được thực hiện để củng cố niềm tin nơi con người và thúc đẩy họ thêm tin tưởng vào Thiên Chúa (x. Mc 1,40-45; 2,1-12; 5,21-43; 9,14-29; 10,46-52). Chúa Giêsu không làm phép lạ như một thứ ảo thuật để làm ai đó vui thích hay để thỏa trí tò mò của họ. Trong cuộc thương khó của Chúa Giêsu, tiểu vương Herode muốn Người làm một hai phép lạ “cho vui”, nhưng Người đã không làm (x. Lc 23,8-12). Chúa Giêsu cũng không làm phép lạ trước đòi hỏi hay áp lực của ai đó (x. Mc 8,11-13; Lc 23,35-38.39).
II. GỢI Ý SUY TƯ PHẢN TỈNH
1. Thiên Chúa luôn tỏ lòng xót thương Dân Người. Dù họ luôn tỏ thái độ nổi loạn và chống đối Người, Người vẫn sai ngôn sứ Ezekiel đến với họ để họ được nghe Lời Người mà cải hóa tự tâm và trở về cùng Người. Có khi nào tôi thấy nơi mình có thái độ nổi loạn như dân Do-thái xưa kia, nhưng đồng thời cũng nghiệm thấy lòng xót thương tha thứ của Thiên Chúa đối với mình?
2. Thánh Phaolô cảm thấy nơi thân xác mình như có một “cái dằm” đâm vào để ngài biết khiêm tốn cậy dựa vào sức mạnh (dumanis) của Chúa Kitô, chứ không tự cao tự đại cậy dựa vào sức mình. Tôi nghiệm thấy đâu là “cái dằm” mà Chúa Kitô cũng đang cho phép xuất hiện nơi tôi để tôi luôn biết trông chờ vào quyền năng cứu độ và giải thoát của Người?
3. Chúa Giêsu “lấy làm lạ” vì thái độ không tin của những người đồng hương. Làm thế nào để Chúa Giêsu “ngạc nhiên” vì đức tin mạnh mẽ của tôi, thay vì “lấy làm lạ” vì thái độ vô tín của tôi? Làm thế nào để quyền năng hay sức mạnh (dunamis) của Chúa Kitô Phục Sinh được thể hiện trọn vẹn nơi tôi? Làm thế nào Chúa Kitô “có thể” làm phép lạ nơi cuộc đời tôi để mưu ích cho nhiều người, cho Giáo Hội và xã hội hôm nay?
III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót đã sai Con Một Người đến thế gian, để những ai tin vào danh Đức Giêsu Kitô thì được cứu độ. Chúng ta cùng cảm tạ tình thương Chúa, và tha thiết dâng lời cầu xin.
1. Hội Thánh có sứ mạng loan báo tin mừng cứu độ của Thiên Chúa cho con người. Chúng ta cùng cầu nguyện cho các vị chủ chăn và mọi thành phần Hội Thánh luôn trung thành tuyên xưng một đức tin duy nhất, và diễn tả niềm tin ấy bằng một đời sống chứng tá.
2. Thế giới hôm nay còn nhiều người chối bỏ và xúc phạm Thiên Chúa. Chúng ta cùng cầu xin Chúa soi lòng mở trí cho họ vượt qua những thành kiến nghi ngại, và ban cho họ quả tim mới cùng một tinh thần mới để họ nhận biết và đặt trọn niềm tin tưởng vào Người.
3. Thiếu vắng niềm tin là một cản trở đối với ân sủng của Thiên Chúa. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi kitô hữu biết siêng năng học hỏi đào sâu giáo lý đức tin, thường xuyên đón nhận các Bí tích, hầu luôn đứng vững trước những thử thách trong cuộc sống.
4. Chúa đã phán cùng Phaolô: “Ơn Ta đủ cho ngươi.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta, luôn ý thức sự bất toàn và giới hạn của bản thân, hầu tích cực cộng tác với ơn Chúa trong việc sống đạo và thực thi công bình bác ái.
Chủ tế: Lạy Chúa là Cha rất nhân từ, Chúa luôn yêu thương và muốn mọi người được cứu độ. Xin nhận lời chúng con cầu nguyện và ban tặng Thánh Thần giúp chúng con biết nhiệt thành lắng nghe và thực thi Lời của Đức Giêsu Kitô, Con Chúa. Người hằng sống và hiển trị muôn đời. Amen.
bài liên quan mới nhất
- Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật Lễ Chúa Giêsu chịu phép Rửa năm A
-
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật Lễ Lá năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 5 mùa Chay năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 4 mùa Chay năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 3 mùa Chay năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 2 mùa Chay năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 1 mùa Chay năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 8 Thường niên năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 7 Thường niên năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 6 Thường niên năm C
bài liên quan đọc nhiều
- Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật IV Mùa Chay - năm A
-
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 1 mùa Vọng năm B -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật 6 Thường niên - năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật III Mùa Chay - năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật V Phục Sinh - năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật 5 Thường niên - năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 3 Phục sinh năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 30 Thường niên năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 3 mùa Vọng năm B -
Phụng vụ Lời Chúa: Lễ Mình Máu Thánh Chúa năm B