Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật XIX Thường Niên - năm B
CHÚA NHẬT XIX THƯỜNG NIÊN B
1V 19,4-8; Ep 4,30-5,2; Ga 6,41-51
Chủ đề:
CHÚA NUÔI DÂN NGƯỜI
BẰNG BÁNH BỞI TRỜI
“Tôi là Bánh Trường Sinh từ trời xuống.
Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời”
(Ga 6,51)
I. CÁC BÀI ĐỌC
Lịch sử Dân Thiên Chúa và cuộc đời của mỗi người tín hữu được xem như là một cuộc hành trình hướng về phía trước, hướng về nơi gặp gỡ Thiên Chúa để được sống đời đời với Người. Để có thể đạt tới đích của cuộc hành trình này, các tín hữu cần phải có lương thực của Thiên Chúa dưỡng nuôi. Đối với người Công giáo, lương thực trường tồn mà Thiên Chúa ban đó chính là Mình và Máu Thánh Đức Giêsu Kitô.
1. Bài đọc 1 (1V 19,4-8):
Bối cảnh của Bài đọc 1 hôm nay là: do ngôn sứ Êlia lên tiếng chống đối dân chúng thờ ngẫu tượng mà hoàng hậu Ideven, người vợ ngoại giáo của vua Akháp, đưa vào đất Israel và sau khi ngôn sứ Êlia sát hại 400 thầy chiêm của thần Baal, ông bị bà Ideven truy nã gắt gao nên phải trốn chạy vào sa mạc để thoát thân (1V 19,1-3). Trong sa mạc, do đói khát và thất vọng, ông xin Thiên Chúa cho mình được chết. Trong hoàn cảnh như thế, Thiên Chúa sai thiên sứ đến đem cho ông một chiếc bánh và một hũ nước. Được Chúa ban cho bánh và nước làm lương thực bổ dưỡng, ngôn sứ Êlia lấy lại sức và tiếp tục cuộc hành trình suốt 40 ngày đến núi Khôrép để gặp gỡ Thiên Chúa.
Hành trình chạy trốn vào sa mạc của ngôn sứ Êlia là biểu tượng cho hành trình của những ai đang sống trong vô vọng, không có định hướng cho cuộc đời. Tuy nhiên, ngôn sứ Êlia lại là biểu tượng cho người tin, vì trong lúc thất vọng tột cùng không có gì bám víu thì vị ngôn sứ lại nhớ tới một Đấng duy nhất mà ông có thể kêu van, dù với những lời than oán. Thiên Chúa đã đoái nghe và cứu ông khỏi chết. Bánh Thiên Chúa ban để ngôn sứ Êlia bổ dưỡng và được sống để tiếp tục cuộc hành trình là hình ảnh tiên trưng về Bánh Ban sự sống là Thân Mình Đức Giêsu Kitô, thần lương bổ dưỡng cho các Kitô hữu trên hành trình tiến về gặp gỡ Thiên Chúa trong cõi sống đời đời.
2. Bài đọc 2 (Ep 4,30‒5,2):
Thánh Phaolô kêu gọi các tín hữu đừng làm phiền lòng Thánh Thần của Thiên Chúa, Đấng đã ghi “dấu ấn tình yêu” trên các tín hữu ngày họ chịu Phép Rửa. Nhờ được lãnh nhận cùng Phép Rửa duy nhất, các tín hữu được kết hợp nên một với Đức Kitô, nên được kêu gọi sống trong tình bác ái, như Đức Kitô đã yêu thương họ. Cụ thể là thánh Phaolô đòi hỏi người Kitô hữu tránh những nết xấu: đừng bao giờ chua cay gắt gỏng, nóng nảy giận hờn, hay la lối thóa mạ, và hãy loại trừ mọi hành vi gian ác; và thực hành các nhân đức: đối xử tốt với nhau, có lòng thương xót và biết tha thứ cho nhau. Động cơ thúc đẩy thực hành các điều trên là tình yêu Thiên Chúa dành cho các tín hữu qua Đức Giêsu Kitô: “hãy sống trong tình bác ái như Đức Kitô đã yêu thương chúng ta, và vì chúng ta, đã tự nộp mình làm hiến lễ dâng lên Thiên Chúa tựa hương thơm ngạt ngào” (Ep 5,2)
Vì đã được chịu một Phép Rửa duy nhất cùng một Thánh Thần, các Kitô hữu trở nên một trong Đức Giêsu Kitô, thì lúc này họ cũng phải sống cho nhau trong tình yêu thương bác ái vì được kết hợp trong một hiến lễ duy nhất là Mình và Máu Đức Giêsu Kitô trong thánh lễ mỗi ngày.
3. Bài Tin Mừng (Ga 6,41-51):
Bài Tin Mừng hôm nay nằm trong trình thuật dấu lạ hóa bánh ra nhiều và diễn từ Bánh Trường Sinh (Ga 6,1-59). Khi thấy Đức Giêsu hóa bánh ra nhiều, người Do-thái cho rằng Người “là vị ngôn sứ, Đấng phải đến thế gian” nên họ muốn “tôn Người làm vua”, nhưng Đức Giêsu “lại lánh mặt, đi lên núi một mình” (Ga 6,14-15) vì không muốn người Do-thái hiểu sai sứ vụ của Người. Ngày hôm sau, người Do-thái lại đi tìm Đức Giêsu để được có bánh vật chất để ăn, nhưng Đức Giêsu đã dạy họ hãy “làm” để có lương thực trường tồn (Ga 6,24-27). Việc họ cần phải “làm” đó là “tin vào Đấng đã sai Người đến” (Ga 6,29). Để có thể tin, họ đòi một dấu lạ như “dấu lạ mana-bánh bởi trời” mà Thiên Chúa đã ban cho tổ tiên họ ở sa mạc trong hành trình tiến về Đất Hứa.
Từ khởi điểm này Đức Giêsu đã mặc khải: “Tôi là Bánh từ trời xuống” (Ga 6,42). Đúng ra, đó là thứ bánh đích thật mà người Do-thái cần phải tìm kiếm để có sự sống đời đời. Lời này làm cho người Do-thái “xì xầm phản đối” vì họ biết quá rõ về gia thế của Người. “Xì xầm phản đối” là thái độ tương đồng với phản ứng của cha ông họ trong sa mạc khi không tin vào lời hứa của Thiên Chúa và sứ vụ của ông Môsê. Dù vậy, Đức Giêsu vẫn đưa họ đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác khi quả quyết: Người được Chúa Cha sai đến nên hễ ai tin và đón nhận Người thì được sự sống đời đời (Ga 6,44-47).
Xưa tổ tiên người Do-thái ăn “mana-bánh bởi trời” nhưng còn phải chết, còn lúc này họ lại được ban “Bánh Trường Sinh từ trời xuống”, nếu họ có niềm tin và sẵn sàng đón nhận Đức Giêsu chính là Bánh Trường Sinh từ trời xuống, thì không còn phải chết nữa, mà được sống muôn đời. Đối với chúng ta cũng vậy, Bánh Trường Sinh đó chính là Mình và Máu Đức Giêsu, để ai ăn Thịt và uống Máu này thì sẽ được kết hiệp với Đức Giêsu và sẽ được sống đời đời. Vấn đề là chúng ta có tin và đón nhận Người vào trong cuộc đời của chúng ta hay không?
II. GỢI Ý MỤC VỤ
1. “Dậy mà ăn, vì còn phải đi đường xa”. Con người cần cơm bánh để duy trì sự sống và để tiếp tục tiến về phía trước trong hành trình của cuộc đời. Trong hành trình đời sống đức tin, người Kitô hữu cũng cần một thứ bánh đích thực để bổ dưỡng, hầu có đủ sức tiến về Nước Trời. Bánh đó chính là Mình Đức Giêsu. Khi mặc khải “Tôi là Bánh Trường Sinh”, Đức Giêsu muốn so sánh rằng ngôn sứ Êlia cần bánh bổ sức để tiếp tục cuộc hành trình 40 ngày tiến về núi Khôrép và tổ tiên người Do-thái cần manna nuôi dưỡng để có thể tiếp tục hành trình 40 năm tiến về Đất Hứa thế nào, thì chúng ta cũng cần “Bánh Trường Sinh” là “Mình của Đức Giêsu” như vậy. Nếu chúng ta tìm kiếm thứ bánh vật chất để có thể duy trì sự sống, nhưng chỉ là sự sống tạm bợ ở trần gian mà thôi và cuối cùng cũng phải chết, thì chúng ta lại càng cần phải tìm cho được thứ Bánh đích thực đem lại sự sống đời đời là dường nào. Cần lưu ý lời của ĐGH Phanxicô trong Tông Huấn Niềm Vui của Tin Mừng: “Bí tích Thánh Thể, tuy là sự sung mãn của đời sống bí tích, nhưng không phải là một phần thưởng cho người hoàn thiện, mà là một phương thuốc và lương thực cho người yếu đuối” (số 47). Như thế, càng thấy mình yếu đuối, thiếu sức sống, thì càng phải siêng năng dọn lòng để rước Mình Máu Đức Giêsu Kitô. Chúng ta có ý thức rằng việc siêng năng tham dự Thánh lễ và dọn mình xứng đáng rước Mình Máu Thánh Đức Giêsu Kitô sẽ bảo đảm cho ta có đủ sức lực tiến bước trên hành trình đức tin tiến về Quê Trời?
2. “Hãy sống trong tình bác ái, như Đức Kitô đã yêu thương chúng ta”. Sợi dây đích thật liên kết chúng ta với Đức Kitô được thể hiện qua đời sống bác ái. Vì tự bản chất, Bí tích Thánh Thể là “Bí tích tình yêu” của Đấng đã hy sinh mạng sống mình vì người mình yêu là chúng ta. Khi đã rước lấy Mình và Máu Đức Giêsu Kitô, được nên một với Người, các Kitô hữu không thể sống mà không thực hành bác ái, không yêu thương anh chị em mình, nhất là những người đã cùng rước chung một Thân Mình Đức Giêsu Kitô. Chúng ta có biết rằng, sau mỗi thánh lễ, Đức Kitô đang ngự trong lòng thúc đẩy mỗi người hãy tha thứ cho nhau và sống yêu thương đùm bọc lẫn nhau hay không?
3. “Tôi là Bánh Hằng Sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ sống đời đời”. Lời mặc khải này làm cho người Do-thái sững sờ, khó chịu, và lại càng bị sốc khi nghe Đức Giêsu nói thêm: “bánh Tôi sẽ ban tặng, chính là thịt Tôi đây” (Ga 6,51). Nói lời này, Đức Giêsu mời họ tin vào Người, đón nhận giáo huấn của Người và ăn bánh trường sinh là Mình Người trong Bí tích Thánh Thể mà Người sẽ thiết lập. Theo thánh Gioan, tin vào Đức Giêsu (Ga 6,47) và ăn bánh Người ban tặng (Ga 6,51) có liên hệ mật thiết với nhau, vì đều đưa đến sự kết hợp mật thiết Đức Giêsu Kitô. Người Do-thái không thể nào tin những lời này khi cho rằng Đức Giêsu chỉ là một người Nadarét, gia cảnh rất bình thường nên cũng không thể đón nhận Bánh Trường Sinh Người ban tặng. Để đón nhận mặc khải này, họ phải có đức tin và đức tin này phải vượt qua những “thành kiến”. Với các Kitô hữu cũng thế, nếu không có đức tin, chúng ta không thể nào đón nhận được Bí tích Thánh Thể, vì đó “là mầu nhiệm đức tin”, như lời chủ tế cống bố sau phần truyền phép trong mỗi thánh lễ. Chúng ta có tin rằng việc rước lễ là rước Mình Máu Đức Giêsu, và qua việc rước lễ, chúng ta được trao ban sự sống đời đời, để sau mỗi thánh lễ, chúng ta cần có lối sống tương xứng với Đấng đang ngự trong lòng chúng ta hay không?
III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Thiên Chúa Cha đã ban tặng bánh hằng sống bởi trời cho thế gian là chính Con Một yêu dấu của Người để cho nhân loại được sống đời đời. Chúng ta hãy đồng thanh cảm tạ Chúa và tin tưởng dâng lời cầu xin.
1. Thánh Thể là Bí tích tình yêu và hiệp nhất. Chúng ta cùng cầu xin cho Hội Thánh luôn trung thành với lệnh truyền của Chúa khi cử hành Bí tích Thánh Thể, đồng thời cũng trở nên dấu chỉ tình yêu và mối dây hiệp nhất muôn người trên thế giới.
2. Chúa Giêsu là bánh hằng sống bởi trời mà xuống. Chúng ta cùng cầu xin cho các dân tộc và quốc gia trên thế giới biết đón nhận Tin Mừng cứu độ mà Chúa Giêsu loan báo, luôn liên đới cộng tác nhằm bảo vệ môi trường sống và thăng tiến phẩm giá con người.
3. Chúa Giêsu phán: “Ai tin vào Ta thì có sự sống đời đời.” Chúng ta cùng cầu xin cho mọi kitô hữu, nhất là những ai đang đau yếu hay thất vọng, tìm được nguồn ủi an nâng đỡ nơi Bí tích Thánh Thể, và có thêm sức mạnh để tiến bước trên hành trình về quê trời.
4. “Hãy sống trong tình thương, như Ðức Kitô đã yêu thương chúng ta.” Xin cho mỗi người trong cộng đoàn chúng ta khi tham dự cử hành Thánh Thể cũng được thấm nhuần tình yêu tự hiến của Chúa Giêsu, luôn biết quên mình để chia sẻ và dấn thân phục vụ mọi người.
Chủ tế: Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã cho chúng con được tham dự vào sự sống thần linh qua Con Một yêu dấu của Chúa. Xin nhận lời chúng con cầu nguyện và giúp chúng con luôn sống xứng đáng với ân huệ Chúa ban. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.
bài liên quan mới nhất
- Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật Lễ Chúa Giêsu chịu phép Rửa năm A
-
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật Lễ Lá năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 5 mùa Chay năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 4 mùa Chay năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 3 mùa Chay năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 2 mùa Chay năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 1 mùa Chay năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 8 Thường niên năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 7 Thường niên năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 6 Thường niên năm C
bài liên quan đọc nhiều
- Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật IV Mùa Chay - năm A
-
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 1 mùa Vọng năm B -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật 6 Thường niên - năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật III Mùa Chay - năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật V Phục Sinh - năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật 5 Thường niên - năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 3 Phục sinh năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 30 Thường niên năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 3 mùa Vọng năm B -
Phụng vụ Lời Chúa: Lễ Mình Máu Thánh Chúa năm B