Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật XV Thường Niên - Năm C
CHÚA NHẬT XV
MÙA THƯỜNG NIÊN NĂM C
Đnl 30,10-14; Cl 1,15-20
Lc 10,25-37
CHỦ ĐỀ:
KÍNH CHÚA YÊU NGƯỜI
“Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực và hết trí khôn ngươi, và yêu mến người thân cận như chính mình”
(Lc 10, 27, x. Đnl 6,5; Lv 19,18)
I. CÁC BÀI ĐỌC
1. BÀI ĐỌC 1: Đnl 30,10-14
Trong bài diễn từ thứ ba nói với dân Israel trên đất Moab (x. Đnl 29,1 - 30,29), trước khi họ tiến vào Đất Hứa, ông Môsê khích lệ họ tuân giữ các mệnh lệnh và thánh chỉ của Thiên Chúa, như Người đã ký kết với họ tại đất Moab, theo đó, dân Israel hãy sống trung tín với Thiên Chúa, yêu mến Người hết lòng hết dạ, luôn biết trở về với Người, chứ đừng có ai trở lòng với Thiên Chúa, mà đi phụng thờ, sụp lạy các thần ngoại của lương dân trong Đất Hứa.
Như thế, nội dung của Giao Ước mà Thiên Chúa thiết lập với dân Israel trên đất Moab, như được trình bày trong diễn từ thứ ba của Môsê, có thể được hiểu như phần khai triển điều răn thứ nhất trong 10 ĐIỀU RĂN mà Thiên Chúa đã truyền cho họ tuân giữ, khi Người ban Luật cho họ trên núi Sinai (x. Xh 20,3-6). Những mệnh lệnh này, thực sự không vượt quá khả năng tuân giữ của dân.
Nội dung lệnh truyền rất cụ thể, không phải quá cao siêu không với tới được, như thể phải lên trời mấy lấy xuống được; cũng không phải quá trừu tượng xa xăm, như thể phải vượt biển để “thỉnh kinh” về. Điều răn thứ nhất đã được ban cho dân cách nay 40 năm rồi, và nay được lập lại, được khai triển thêm, trước bối cảnh họ sắp tiến vào Đất Hứa, phải đối diện với một thực tế: đây là vùng đất của dân ngoại, của những người thờ các thần ngoại. Đấy là một thách đố, nhưng cũng là một lời mời gọi để họ sống trung tín với điều răn thứ nhất – hết lòng thờ phượng Thiên Chúa duy nhất, chứ không chạy theo các ngẫu tượng của dân ngoại.
Vì nội dung lệnh truyền rất cụ thể và nằm trong khả năng của họ, dân Israel không có lý do gì biện minh cho việc không tuân giữ. Một khi tuân giữ lệnh truyền của Thiên Chúa, dân Israel sẽ chọn cho mình con đường sự sống và các mối phúc lành. Ngược lại, họ sẽ chọn cho mình con đường bị nguyền rủa, vốn sẽ dẫn đến chỗ diệt vong.
2. BÀI ĐỌC 2: Cl 1,15-20
Đây được kể là bài thánh thi ngợi khen Chúa Kitô: Người là Con Thiên Chúa, có tương quan mật thiết với thế giới tạo thành; Người là Đầu của Hội Thánh, và là Trưởng Tử của những người từ cõi chết sống lại; nơi Người, thế giới tạo thành được Thiên Chúa sáng tạo, duy trì, hòa giải, và ban ơn bình an.
Bài thánh thi trước hết tuyên xưng Đức Kitô là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình. Nơi Người, bản tính thần linh của Thiên Chúa được mặc khải cách trọn vẹn nhất. Thánh Gioan viết: “Thiên Chúa, chưa bao giờ có ai thấy cả; nhưng Con Một vốn là Thiên Chúa, và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Người đã tỏ cho chúng ta biết” (Ga 1,18). Còn Chúa Giêsu, trước mong ước của môn đệ Philipphê: “Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện”, Người đã trả lời rõ ràng: “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (x. Ga 14,8-9).
Trong tương quan với thế giới tạo thành, Đức Kitô là trưởng tử sinh ra trước mọi loài thọ tạo. “Trưởng tử” không theo nghĩa Người cũng là loài thọ tạo được Thiên Chúa “sáng tạo” như các loài thọ tạo khác, chỉ hơn các loài thọ tạo khác về thời điểm được sinh ra mà thôi. Nhưng “trưởng tử” ở đây được hiểu theo hai nghĩa gắn liền với nhau: (1) Người được Thiên Chúa “sinh ra” từ trước muôn đời [Kinh Tin Kính còn định tín thêm: Người là Thiên Chúa bởi Thiên Chúa, Ánh Sáng bởi Ánh Sáng, Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa Thật]; (2) nhờ Người mà muôn loài thọ tạo hữu hình lẫn vô hình được Thiên Chúa tạo thành; muôn loài muôn vật qui hướng về Người và tìm được ở nơi Người nguồn sống của mình.
Còn trong tương quan với Hội Thánh, Đức Kitô là Đầu. Điều này hàm ý Người có tương quan cá vị và sống động đối với từng thành viên trong Hội Thánh, như Đầu giữ vai trò trung tâm và liên kết với các cơ phận khác. Chúa Kitô làm Đầu cũng hàm ý mọi thành viên trong nhiệm thể Hội Thánh chỉ có thể tìm được nguồn sống và sức mạnh nhờ liên kết với Người và với nhau.
Qua mầu nhiệm Thương Khó và Phục Sinh, Chúa Kitô là khởi nguyên, là trưởng tử trong số những người từ cõi chết sống lại. Điều này không chỉ có nghĩa Chúa Kitô là người đầu tiên được phục sinh, mà còn hàm ý những ai đã bước vào cõi chết chỉ có thể được sống lại nhờ quyền năng cứu độ của Người. Về điểm thứ hai này, thánh Phaolô đã khai triển trong thư gửi tín hữu Corintô như sau: “Chúa Kitô đã trỗi dậy từ cõi chết, mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu. Vì nếu tại một người [Ađam] mà nhân loại phải chết, thì cũng nhờ một người [Chúa Kitô] mà kẻ chết được sống lại” (2 Cr 15,20-21; x. cc22-23).
Nhờ Chúa Kitô, muôn loài muôn vật, hữu hình lẫn vô hình được Thiên Chúa sáng tạo và duy trì sức sống. Khi nhân loại sa ngã và phạm tội, Chúa Kitô qua mầu nhiệm Thương Khó và Phục Sinh của Người đã giao hòa nhân loại với Thiên Chúa. Nhờ máu Chúa Kitô đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa ban ơn bình an cho muôn loài muôn vật trên trời lẫn dưới đất.
3. BÀI TIN MỪNG: Lc 10,25-37
Ngoài việc chúng ta phải “yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, hết trí khôn”, chúng ta cũng phải “yêu mến người thân cận như chính mình”. Chúa Giêsu liền dùng một dụ ngôn để trả lời câu hỏi của người thông luật, “nhưng ai là người thân cận của tôi?”
Qua dụ ngôn này, Chúa Giêsu muốn chính chúng ta tự nhận ra: (1) Ai đang là người thân cận của chúng ta; (2) chúng ta đã, đang, và sẽ là người thân cận của ai; (3) làm thế nào để trở nên một người thân cận “đúng nghĩa”.
Đối với người hành khách từ Giêrusalem xuống Giêricho, người thân cận của anh không phải là thầy tư tế, thầy Lêvi, và hiển nhiên không phải là những kẻ cướp dọc đường. Hiển nhiên, kẻ gây hại cho người khác về thể xác, vật chất, tinh thần, v.v., thì không thể gọi là người thân cận của người ấy được. Kẻ bàng quang, thấy chết mà không cứu, thấy cần phải giúp mà thờ ơ, lảng tránh, bỏ mặc, v.v., cũng không thể là người thân cận được. Nhưng người thân cận là người biết yêu thương, được thể hiện qua những hành động cụ thể. Yêu thương là thực hiện những điều tốt đẹp cho người mình thương mến. “Không có tình yêu nào cao quí hơn sự hiến mình cho người mình yêu”. Chúa Giêsu đã yêu thương chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những tội nhân.
Thầy tư tế và thầy Lêvi khác nhau về phẩm trật trong Do thái giáo, khác nhau về thời điểm đối diện với nạn nhân của vụ cướp, nhưng họ không khác nhau trong cung cách hành xử với người bị nạn. Họ là người cùng dân tộc với kẻ bị hại, nhưng như dụ ngôn cho thấy “dân tộc tính”, hay “tôn giáo tính” chưa hẳn dễ dàng khiến ai đó thành người thân cận của mình. Kinh nghiệm cuộc đời cho chúng ta biết không phải những người trong gia đình, thân tộc, trong nhóm bạn, v.v., lúc nào cũng là những bảo chứng tình yêu cho chúng ta.
Mặc kệ nó, chẳng phải chuyện của tôi, tôi còn có nhiều chuyện quan trọng hơn cần phải làm, hơi đâu mà “xía” vào chuyện của người khác, nên tránh xa, giữ an toàn cho mình, “tránh qua bên kia mà đi”, v.v., có phải chỉ là thái độ của vị tư tế và thầy Lêvi, hay đó cũng là thái độ mà mỗi người chúng ta đã và đang có?
Nhiều người cũng dựa trên thái độ sống “sòng phẳng”, hay “có qua có lại”. Anh đã không giúp tôi trước đó, thì chẳng có lý do gì tôi giúp anh lúc này. Nhưng thử hỏi đây có phải là lối sống mà Chúa Giêsu dạy các môn đệ của Người? Nhìn vào cuộc đời của Người, chúng ta thấy Chúa luôn là người đi bước trước. Nơi Người chúng ta học được bài học: Yêu thương thúc đẩy người ta bước đi những bước trước tiên đến với tha nhân.
Người Samaritano có những khác biệt căn bản với những người trên đây (kẻ cướp, tư tế, Lêvi, và người hành khách bị trọng thương). Nơi anh có “tình người”, có lòng nhân ái. Anh cũng giống như thầy tư tế, và thầy Lêvi, là chứng kiến cảnh tượng đau lòng trước mắt, nhưng anh khác với họ ở chỗ anh biết “chạnh lòng thương”. Chạnh lòng thương tạo nên sự khác biệt. Nhưng liệu chạnh lòng thương chỉ là một phút thoáng nghĩ đến, một cảm xúc xót thương chợt trào dâng trong tâm hồn mình? Có lẽ chạnh lòng thương phải đi xa hơn điều này. Không ai trong chúng ta có thể tự động yêu thương người khác được. Đây là cả một quá trình sống. Không ai tự sinh ra đã biết yêu thương người “xa lạ”, nhưng phải được huấn luyện, phải trải qua thử thách, để học biết cách thương cảm, và nâng đỡ người khác.
Chạnh lòng thương không dừng lại ở thái độ xót xa, không dừng lại ở những tiếng thở dài, v.v. Chạnh lòng thương đích thực nhất thiết phải dẫn tới việc thực hiện những nghĩa cử cao đẹp cho người khác. Hãy ngắm xem người Samaritano đã làm gì: “Ông ấy lại gần, lấy dầu lấy rượu đổ lên vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc”.
Yêu thương thì có sáng kiến. Khi mình không thể trực tiếp giúp người bị nạn, người yêu thương vẫn biết cách phải làm sao cho vẹn đôi đường: “Hôm sau, người ấy lấy ra hai quan tiền, trao cho chủ quán và nói: ‘Nhờ bác săn sóc cho người này, có tốn kém thêm bao nhiêu, thì khi trở về, chính tôi sẽ hoàn lại bác’”.
Theo một cách nhìn nào đó, hành động yêu thương đa phần là rước lấy phiền toái vào mình. Nhưng người có lòng yêu thương đích thực không xem đó là điều phiền phức, mà kể chúng như không, đến độ xem chúng là niềm vui. Người có lòng yêu thương đích thực chẳng cần đến câu cám ơn, thậm chí chẳng muốn nghe câu nói ấy. Người ấy xem sự an toàn, sự triển nở của kẻ được yêu thương là niềm vui, là hạnh phúc của chính mình.
Nhưng khi ngọn lửa tình yêu đã tắt, người ta bắt đầu toan tính thiệt hơn. Khi yêu thương thì lo lắng, quan tâm, biết mở hầu bao, biết cách hành xử sao cho đẹp. Khi không còn yêu nữa, thì mỗi người là một thế giới đóng kín, kẻ khác không vào được, mỗi người tự lo trả các hóa đơn cho mình. Cho mình mà thôi!
Cuộc sống của chúng ta thường là sự pha trộn của 4 loại người trong dụ ngôn: kẻ bị cướp nằm thoi thóp chờ chết, mong có ai đó dủ tình thương? Hay là những kẻ trộm cướp, xem tài sản của người khác ngẫu nhiên là của mình, mình có quyền chiếm đoạt, bằng đủ mọi cách, kể cả những cách tàn bạo nhất? Hay là thái độ của thầy tư tế và thầy Lêvi, chắc có đủ lý do để không muốn vướng bận vào chuyện đời? Hay là người Samaritano dám cho đi chính mình?
Chúa Giêsu cần nơi chúng ta lòng thương xót. Chúa không cần câu trả lời đúng. Chúa cần hành động tiếp theo câu trả lời chính xác ấy. “Hãy đi và làm như vậy”, là điều Chúa đang nói với tôi. Thử hỏi tôi đã là người thân cận của những ai? Những ai cần tôi quan tâm vào lúc này, trong thời gian này, cụ thể tôi sẽ làm gì đây? Hay đâu là điều tôi cũng muốn được nâng đỡ vào lúc này, khi tôi thấy mình cũng đang thoi thóp như người bị cướp đánh dọc đường?
II. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Thờ kính Chúa trên hết mọi sự và yêu thương người như chính mình là giới răn căn bản của đạo Chúa và là đường đưa chúng ta đến sự sống đời đời. Với quyết tâm chu toàn lề luật, chúng ta cùng tha thiết cầu xin Chúa giúp mỗi người chúng ta biết sống yêu thương như Chúa truyền dạy.
1. Hội Thánh được mời gọi tiếp nối sứ mạng cứu thế của Đức Giêsu. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi thành phần trong Hội Thánh luôn lắng nghe và nhận ra sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần qua những dấu chỉ thời đại, để tích cực dấn thân phục vụ những nhu cầu chính đáng của con người.
2. Nhờ máu Đức Kitô đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa ban hoà bình cho mọi thụ tạo trên trời dưới đất. Chúng ta cùng cầu nguyện cho các nhà lãnh đạo quốc gia biết tôn trọng sự thật và luôn hành động theo công lý, để chung xây một thế giới hòa bình và đảm bảo cuộc sống hạnh phúc cho mọi người.
3. Người thông luật hỏi Chúa Giêsu: “Tôi phải làm gì để được sống đời đời.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi Kitô hữu luôn khao khát cuộc sống vĩnh cửu, biết gắn bó mật thiết với Chúa Kitô, sống theo lời Người truyền dạy, và ngày càng thêm xác tín Người chính “là đường, là sự thật và là sự sống.”
4. Chúa Giêsu nói với người thông luật “Ông cũng hãy đi và làm như vậy.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta biết tích cực dấn thân trong các hoạt động tông đồ bác ái, luôn nhạy bén trước nhu cầu của người chung quanh và có nhiều sáng kiến để chia sẻ giúp đỡ họ.
Chủ tế: Lạy Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót, xin nhận lời chúng con cầu nguyện và xin ban Thánh Thần, để Ngài khơi lên ngọn lửa kính Chúa yêu người trong lòng chúng con, giúp chúng con luôn trung thành tuân giữ mọi điều răn của Chúa. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.
bài liên quan mới nhất
- Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật Lễ Chúa Giêsu chịu phép Rửa năm A
-
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật Lễ Lá năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 5 mùa Chay năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 4 mùa Chay năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 3 mùa Chay năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 2 mùa Chay năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 1 mùa Chay năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 8 Thường niên năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 7 Thường niên năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 6 Thường niên năm C
bài liên quan đọc nhiều
- Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật IV Mùa Chay - năm A
-
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 1 mùa Vọng năm B -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật 6 Thường niên - năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật III Mùa Chay - năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật V Phục Sinh - năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật 5 Thường niên - năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 3 Phục sinh năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 30 Thường niên năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 3 mùa Vọng năm B -
Phụng vụ Lời Chúa: Lễ Mình Máu Thánh Chúa năm B