Phụng vụ Lời Chúa Chúa Nhật XXI mùa Thường Niên năm C
CHÚA NHẬT XXI THƯỜNG NIÊN – NĂM C
Is 66,18-21 – Dt 12,5-7;11-13 – Lc 13,22-30
MỌI NGƯỜI SẼ ĐƯỢC CỨU ĐỘ NẾU…
“Hãy chiến đấu vào qua cửa hẹp” (Lc 13,24)
I. CÁC BÀI ĐỌC
1. Bài đọc I – Is 66,18-21
Đây là đoạn văn cuối cùng của sách Isaia và cũng là diễn từ cuối của sách Isaia III (chương 56-66) vốn được gọi là ‘diễn từ cánh chung’. Sống trong bối cảnh dân Israel đang nỗ lực thực hiện cuộc phục hưng đất nước và tôn giáo sau những ngày tháng lưu đày ở Babylon, tác giả sách Isaia III như muốn kết thúc tác phẩm của mình bằng việc mở ra một viễn tượng cứu độ cánh chung mang tính phổ quát. ‘Núi thánh của Chúa’ vẫn luôn là trung tâm của niềm tin tôn giáo, nhưng từ nay Giêrusalem không còn là điểm đến độc quyền dành riêng cho dân Israel mà cũng là điểm đến của mọi dân nước, như lời sấm của Chúa qua miệng Ngôn sứ Isaia: ‘Ta đến quy tụ mọi dân tộc và mọi ngôn ngữ’ để họ cũng có thể ‘dâng của lễ trong chén đĩa tinh sạch nơi nhà của Đức Chúa’ sau khi đã nhận biết vinh quang của Người.
2. Bài đọc II - Dt 12,5-7;11-13
Khi phải đối diện với những khó khăn và thử thách trong đời sống khiến nhiều Kitô hữu gốc Do Thái đang sống tại Palestin phải lâm vào tình trạng ‘những bàn tay bủn rủn và những đầu gối rụng rời’, tác giả thư Do Thái như muốn khơi lên nơi cộng đoàn này một thái độ sống đức tin can trường khi chỉ ra cho họ thấy rằng: những đau khổ mà họ đang phải gánh chịu từ cơn bách hại đến từ đế quốc Rôma cũng như Do thái giáo, chính là cách Thiên Chúa dùng để sửa dạy những kẻ Người yêu mến. Như thế, nỗi buồn khổ hiện tại của họ chỉ là nhất thời và chóng qua; bởi vì những ai kiên tâm bền chí để cho Chúa sửa dạy, họ ‘sẽ gặt hái được hoa trái là bình an và công chính.’
3. Bài Phúc Âm – Lc 13,22-30
Bản văn được đặt trong bối cảnh ‘Chúa Giêsu rảo qua các đô thị và làng mạc, vừa giảng dạy vừa đi về Giêrusalem.’ Hành động rao giảng nơi ‘các đô thị và làng mạc’ của Chúa Giêsu đã làm ứng nghiệm lời loan báo của Thiên Chúa qua miệng Ngôn sứ Isaia trong bài đọc I: ‘Ta đến quy tụ mọi dân tộc và mọi ngôn ngữ.’ Ơn cứu độ từ nay, qua Chúa Giêsu, đã thực sự mở ra cho mọi người và mọi dân tộc.
Đã có hai cái nhìn khác nhau khi đối diện với ơn cứu độ phổ quát mà Thiên Chúa muốn tặng ban qua Đức Giêsu: Con người thì phân vân tự hỏi: có bao nhiêu phần trăm nhân loại được hưởng ơn cứu độ? Và cụ thể hơn: tôi có tên trong danh sách được vào Nước Thiên Chúa hay không? Đang khi đó Chúa Giêsu lại nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc ‘chiến đấu vào qua cửa hẹp.’ Bởi vì theo Ngài, ‘có nhiều người sẽ tìm cách để vào và sẽ không thể.’ Tại sao? Bởi vì nếu chỉ dừng lại ở những ý niệm của việc tìm ra phương pháp hay kỹ thuật để vào Nươc Trời, nhưng lại ngần ngại thực hiện khi không nỗ lực hết mình để chiến đấu, thì mãi mãi người ta sẽ không bao giờ có thể đạt tới Nước Trời.
Chúa Giêsu còn chỉ ra cho thấy một khía cạnh khác cần phải lưu ý: Ơn cứu độ mà Chúa Giêsu rao giảng không căn cứ vào ‘sơ yếu lý lịch’ hay sự quen biết cá nhân, nhưng dựa trên nỗ lực ‘vào qua cửa hẹp’ của mỗi người.
II. GỢI Ý MỤC VỤ
1. Ơn Cứu độ qua miệng ngôn sứ Isaia được phác họa như một ân ban nhưng không đến từ Thiên Chúa. Chính Chúa sẽ sai những ‘người được giải thoát’ ra đi rao giảng cho các dân nước biết vinh quang của Người.
Như thế, tính phổ quát của Ơn Cứu độ chắc chắn sẽ không thể dung hợp với một não trạng mang tính cục bộ, đóng kín muốn độc quyền sở hữu ơn Cứu độ của một phe nhóm hay cá nhân khi đang tâm loại trừ người khác.
Sứ mạng của ‘người được giải thoát’ chính là người được sai đi rao giảng. Xác tín ‘được giải thoát’ chính là nền tảng thôi thúc hướng tới việc thực hiện sứ mạng ‘được sai đi’.
2. ‘Hãy chiến đấu vào qua cửa hẹp.’ Đây không phải là một lời mời gọi, nhưng là một lệnh truyền cần phải thực hiện: ‘Hãy chiến đấu.’ Vẫn biết rằng Ơn Cứu độ là một ân ban nhưng không; nhưng để lãnh nhận ân ban này, con người cũng cần một nỗ lực chiến đấu tối đa. Như thế, hành trình đức tin của người Kitô hữu không phải chỉ toàn là hoa thơm cỏ lạ, nhưng cũng đầy những chông gai và trắc trở đòi họ phải chiến đấu để vượt qua. Luôn sống trong tình trạng ‘chiến đấu vào qua cửa hẹp’ sẽ là một thái độ tích cực để sống đức tin của người Kitô hữu.
3. ‘Chớ khinh thường việc Chúa sửa dạy, đừng nản chí khi Người quở trách…’ Lời khuyến cáo của tác giả thư Do Thái giúp người tín hữu hiểu ra ý nghĩa cụ thể của hình ảnh ‘cửa hẹp.’ Những đau khổ, những thử thách, những lao nhọc, những thua thiệt vì đức tin chính là những ‘cửa hẹp’ để dẫn con người vào Nước Trời nơi chỉ có ‘bình an và công chính.’ Vì thế hai thái độ mà mỗi tín hữu cần có: - về phía bản thân: hạnh phúc vì được Chúa yêu mến khi Người sửa dạy; - về phía người khác: nâng đỡ mọi người khi họ phải đối diện với những đau khổ và thử thách.
III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Qua Đức Kitô, Thiên Chúa muốn tất cả mọi người và mọi dân tộc trên mặt đất được cứu độ và chung hưởng hạnh phúc Nước Trời. Chúng ta đồng thanh cảm tạ Chúa và tha thiết dâng lời cầu nguyện.
1. “Chúng sẽ rao giảng cho các dân biết vinh quang của Ta.” Chúng ta cùng cầu xin cho các thành phần Hội Thánh luôn nỗ lực trong những hoạt động truyền giáo để mọi dân tộc được lắng nghe và đón nhận Tin Mừng cứu độ.
2. “Người ta sẽ từ đông chí tây, từ bắc chí nam đến dự tiệc trong nước Thiên Chúa.” Chúng ta cùng cầu xin cho mọi Kitô hữu luôn ý thức và siêng năng đến lãnh nhận các bí tích, đặc biệt là bí tích Thánh Thể như bảo chứng cho hạnh phúc đời đời.
3. “Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào.” Chúng ta cùng cầu xin cho người trẻ hôm nay biết cảnh giác trước lối sống hưởng thụ dễ dãi, và luôn trung thành sống theo Lời Chúa dạy, can đảm chấp nhận hy sinh thua thiệt vì Nước Trời.
4. “Anh em hãy kiên trì để cho Thiên Chúa sửa dạy.” Chúng ta cùng cầu xin cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta luôn vững lòng trước mọi thử thách trong đời sống đức tin, biết bền tâm đi theo “cửa hẹp” dẫn con người vào cõi sống đời đời.
Chủ tế: Lạy Chúa là Cha rất nhân từ, xin lắng nghe lời chúng con khẩn nguyện và ban ơn trợ giúp, để chúng con thêm hăng say trong những nỗ lực loan truyền tin mừng cứu độ của Chúa cho mọi người. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.
bài liên quan mới nhất
- Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật Lễ Chúa Giêsu chịu phép Rửa năm A
-
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật Lễ Lá năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 5 mùa Chay năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 4 mùa Chay năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 3 mùa Chay năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 2 mùa Chay năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 1 mùa Chay năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 8 Thường niên năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 7 Thường niên năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 6 Thường niên năm C
bài liên quan đọc nhiều
- Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật IV Mùa Chay - năm A
-
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 1 mùa Vọng năm B -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật 6 Thường niên - năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật III Mùa Chay - năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật V Phục Sinh - năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật 5 Thường niên - năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 3 Phục sinh năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 30 Thường niên năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 3 mùa Vọng năm B -
Phụng vụ Lời Chúa: Lễ Mình Máu Thánh Chúa năm B