Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật XXV Thường Niên - năm A
CHÚA NHẬT XXV THƯỜNG NIÊN - A
Is 55,6-9 – Pl 1,20c-24.27a – Mt 20,1-16a
TƯƠNG ĐÁNG – CÁCH TÍNH CỦA THIÊN CHÚA
TƯƠNG HỢP – CÁCH TÍNH CỦA CON NGƯỜI
“Hay vì thấy tôi tốt bụng,
mà bạn đâm ra ghen tức?”
(Mt 20,15)
I. CÁC BÀI ĐỌC
1. Bài đọc I – Is 55,6-9
Những lời nói đầy khích lệ này là những câu cuối của sách Isaia II, cuốn sách như một lời động viên, an ủi, khích lệ dân Israel trong bối cảnh của những ngày Thiên Chúa sắp đến giải thoát họ ra khỏi cảnh lưu đày bên Babylon.
Trái ngược hoàn toàn với tâm trạng chán chường và thất vọng vì cuộc khủng hoảng đức tin của dân đang bị lưu đày, tác giả sách Isaia II cho thấy khuôn mặt của một Thiên Chúa đang sẵn lòng ‘tiếp dân’, đang ở thật gần dân để lắng nghe những lời kêu cầu của họ. Vì thế đây là thời gian thuận tiện nhất để tìm gặp Chúa và để thân thưa với Ngài. Cụ thể hơn, tác giả sách Isaia II đã đưa ra một lời kêu mời thật triệt để: ‘kẻ gian ác hãy bỏ đường lối mình, người bất lương hãy bỏ tư tưởng mình’ mà trở về với Đức Chúa, Đấng giàu lòng thương xót và tha thứ.
Nếu đặc tính giàu lòng thương xót và tha thứ làm cho khuôn mặt của Thiên Chúa gần gũi với con người bao nhiêu, thì Ngài lại trở nên xa vời và huyền bí bấy nhiêu khi con người không thể hiểu và nắm bắt được tư tưởng cũng như hành động của Ngài. Thậm chí tác giả còn lấy cả chiều cao vời vợi giữa trời và đất để ví von sự quá khác biệt trong lối suy nghĩ của con người với lối tư duy của Thiên Chúa: ‘trời cao hơn đất chừng nào’ thì đường lối và tư tưởng của Thiên Chúa cũng cao hơn đường lối và tư tưởng của con người như thế.
2. Bài đọc II – Pl 1,20c-24.27a
Một sự giằng co ‘tốt lành’ đang diễn ra nơi tâm hồn của thánh Phaolô và thánh nhân đã muốn chia sẻ sự giằng co này cho giáo đoàn Philiphê. Một sự giằng co giữa phần phúc của cá nhân Phaolô sẽ được hưởng là ‘ao ước chết để được ở với Đức Kitô thì tốt hơn bội phần’ hay là ích lợi cho cộng đoàn vì ‘ở lại trong xác thịt thì cần thiết cho anh em.’
Nguyên tắc sống mà thánh Phaolô đã chọn để quyết định mọi sự đó là: lấy Đức Kitô làm trung tâm cho mọi suy tư, lời nói và hành động của mình. Thánh nhân quan niệm rằng: ‘Dù sống hay chết chỉ miễn sao cho quyền năng của Đức Kitô được tỏ hiện.’
3. Bài Phúc Âm – Mt 20,1-16a
Dụ ngôn cho thấy hai cách tư duy hoàn toàn trái ngược nhau của Thiên Chúa và của con người qua cách suy nghĩ của người chủ vườn nho và những người làm thuê từ sáng sớm:
1/ Cách tính của chủ vườn nho với hai hạng người:
a. Đối với người làm thuê từ tảng sáng (có thể là từ giờ thứ nhất: 6-7giờ sáng) hai bên đã thỏa thuận tiền công nhật là một quan tiền. Cuối ngày chủ đã không ‘xử bất công’ khi thanh toán cho họ y như đã thỏa thuận.
b. Đối với những người làm thuê sau đó: vào giờ ba (9giờ sáng) – giờ sáu (12giờ trưa) – giờ chín (15 giờ) – giờ mười một (17giờ - người này chỉ lao động một tiếng). Mỗi người trong số này đều được trả một quan tiền (công phúc tương đáng). Dù không thỏa thuận trước như thế nhưng cách thanh toán này của chủ dường như là bị thiệt hại cho chủ, nhưng hoàn toàn có lợi cho những người làm thuê.
2/ Cách tư duy của những người làm thuê từ sáng sớm: Làm nhiều phải được trả nhiều, làm ít phải được trả ít. Khi nguyên tắc lý luận này của họ bị ‘vi phạm’ vì sự tốt lành của ông chủ (c.15) (công phúc tương hợp), lập tức nơi họ xuất hiện lòng ghen tỵ.
II. GỢI Ý SUY NIỆM
1. ‘Trời cao hơn đất thế nào, thì tư tưởng của Ta cũng vượt trên tư tưởng của các ngươi thế ấy.’ Có những lúc con người thật khó để có thể hiểu được tư tưởng cũng như đường lối của Thiên Chúa trên cuộc đời của mình. Biết bao nhiêu câu hỏi đã được con người đặt ra cho Thiên Chúa: Tại sao? Thế nào?... và dường như nhiều lần con người đã không nhận được câu trả lời. Đây chính là điều rất dễ làm cho con người bị rơi vào cuộc khủng hoảng đức tin, để rồi ngày càng làm cho họ xa dần Thiên Chúa.
2. ‘Đức Kitô sẽ tỏ bày quyền uy cao cả của Người nơi thân xác tôi, dù tôi sống hay tôi chết.’ Thánh Phaolô đã tìm ra nguyên tắc giúp Ngài có thể vượt qua những lần bị cám dỗ đi đến chỗ khủng hoảng đức tin. Đó là một cuộc sống ‘quy Kitô’, lấy Đức Kitô làm điểm tựa, làm chuẩn mực cho mọi suy nghĩ, lời nói và hành động của mình. ‘Quy ngã’ hay ‘quy Kitô’ vẫn luôn là một giằng co thật gay gắt nơi mỗi người dẫu vẫn biết rằng chỉ ‘quy Kitô’ mới là con đường duy nhất giúp vượt qua cơn khủng hoảng đức tin.
3. ‘Hay vì thấy tôi tốt bụng, mà bạn đâm ra ghen tức?’ Con người thật dễ dàng để chia buồn khi người anh chị em mình gặp đau khổ, khó khăn hay thử thách. Nhưng con người lại thật khó để chia vui khi anh chị em mình gặp may mắn, hạnh phúc hay sung sướng hơn mình. Chấp nhận người khác hơn mình đã là khó, nhưng sẽ càng khó hơn để có thể chung chia ‘cái hơn mình’ nơi người khác.
III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Thiên Chúa rất nhân từ muốn mời gọi và trao phó cho mỗi người chúng ta những phận vụ khác nhau trong vườn nho của Người là Hội Thánh. Chúng ta hãy chung lời cảm tạ Chúa, và tha thiết cầu xin:
1. Hội Thánh có sứ mạng loan báo và làm chứng cho tình thương cứu độ của Thiên Chúa. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi thành phần trong Hội Thánh trở nên những người thợ nhiệt thành chăm chỉ, để vườn nho Chúa ngày càng thêm tươi tốt và sinh nhiều hoa trái.
2. Việc làm và tiền lương chi phối cuộc sống của rất nhiều người trong xã hội hôm nay. Chúng ta cùng cầu nguyện cho các nhà lãnh đạo trên thế giới biết quan tâm hơn đến người nghèo và quyết tâm tạo ra nhiều việc làm cùng với tiền lương hợp lý cho người lao động.
3. Tại một số điểm nóng hiện nay, nhiều kitô hữu đang phải đối diện với bao nguy hiểm vì lý do đức tin. Chúng ta cùng cầu xin Chúa luôn che chở và tăng sức để họ thêm can đảm và vững tâm vượt qua những gian nan thử thách hiện tại với một thái độ bao dung và tôn trọng.
4. Tính ích kỷ và hay ganh tị là nguyên nhân gây ra bao xung đột chia rẽ. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta biết ý thức dẹp bỏ những tư tưởng cá nhân, để hết lòng vì lợi ích chung, tích cực xây dựng một cộng đoàn yêu thương hiệp nhất.
Chủ tế: Lạy Chúa là Đấng từ bi nhân hậu, Chúa đã mời gọi chúng con cộng tác trong vườn nho của Chúa. Xin đón nhận tâm tình tạ ơn của chúng con và giúp chúng con luôn dấn thân với hết khả năng Chúa ban để phục vụ anh chị em và làm sáng danh Chúa. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.
bài liên quan mới nhất
- Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật Lễ Chúa Giêsu chịu phép Rửa năm A
-
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật Lễ Lá năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 5 mùa Chay năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 4 mùa Chay năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 3 mùa Chay năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 2 mùa Chay năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 1 mùa Chay năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 8 Thường niên năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 7 Thường niên năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 6 Thường niên năm C
bài liên quan đọc nhiều
- Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật IV Mùa Chay - năm A
-
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 1 mùa Vọng năm B -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật 6 Thường niên - năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật III Mùa Chay - năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật V Phục Sinh - năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật 5 Thường niên - năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 3 Phục sinh năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 30 Thường niên năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 3 mùa Vọng năm B -
Phụng vụ Lời Chúa: Lễ Mình Máu Thánh Chúa năm B