Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật XXX Thường niên
CHÚA NHẬT XXX THƯỜNG NIÊN B
Niềm vui của con người đến từ tình yêu của Thiên Chúa
“Lạy Thầy, xin cho tôi được thấy” (Mc 10,51)
I. CÁC BÀI ĐỌC
Cả ba bài đọc nhấn mạnh đến Thiên Chúa được diễn tả qua ba hình ảnh khác nhau: người cha trong bài đọc I, vị tư tế trong bài đọc II và Con vua Đavít trong bài Phúc Âm. Điểm chung nhất của cả ba hình ảnh này chính là sự ra tay của Thiên Chúa để nâng đỡ và giải thoát con người đang lâm cảnh cùng khổ. Hôm nay, Thiên Chúa cũng vẫn đang ra tay bênh đỡ tất cả những ai chạy đến và tin vào Người.
1. Bài đọc I – Gr 31,7-9
Trong nỗi tuyệt vọng vì sự cơ cực của cảnh lưu đày, Giêrêmia đã khơi lên trong lòng người Do thái một niềm hy vọng: Đức Chúa sẽ xuất hiện để cứu dân Ngài. Số sót mà Đức Chúa sẽ ra tay cứu vớt bao gồm một đoàn người thật đông đảo: có cả những kẻ đui mù, què quặt, mang thai và sinh con. Đoàn người ấy được chính Đức Chúa dẫn đi không phải trên những con đường sỏi đá, gập ghềnh để hướng tới sự chết, mà là trên những nẻo đường bằng phẳng để hướng tới những suối nước mát trong tràn đầy sự sống. Và trong viễn cảnh đầy tích cực ấy, Đức Chúa muốn nhắc cho dân Do thái nhớ rằng: nguyên nhân dẫn tới việc họ được giải phóng không gì khác hơn là: Đức Chúa chính là Cha của họ.
2. Bài đọc II – Dt 5,1-6
Hình ảnh vị thượng tế mà thư Do thái nêu lên mang hai nhiệm vụ: là người thay cho dân để dâng lên Thiên Chúa những lễ phẩm cũng như những tế vật đền tội. Tuy nhiên, vì cũng mang thân phận con người với những yếu đuối tư bề, nên vị thượng tế cũng phải dâng lễ vật đền tội cho chính mình nữa. Chức tư tế ấy, được tác giả thư Do thái xác định rõ, chỉ dành cho những người được Thiên Chúa tuyển chọn. Nét độc đáo nơi Đức Kitô Thượng tế là: không những vì Ngài được Thiên Chúa tuyển chọn, nhưng trên hết: Ngài là Con Thiên Chúa, được Chúa Cha sinh ra để trở nên tư tế muôn đời theo phẩm hàm Melkisêđê.
3. Bài Phúc âm – Mc 10,46-52
Bartimê được thánh sử Marcô giới thiệu với ba nét chính: là một người mù - đang ngồi ăn xin - ở bên vệ đường. Như thế, đối với Bartimê, cuộc đời chỉ còn là một mảng đen tối dầy đặc. Điều đó đã làm cho anh tự mình không xoay sở được điều gì, chỉ còn biết ngồi đó để trông chờ vào một chút bố thí của kẻ khác. Chỗ của con người đó trong xã hội không thể khác hơn ngoài cái lề đường vốn đã trở nên quá quen thuộc với anh ta.
Một con người như Bartimê vốn bị liệt vào số những người đang sống ‘bên lề xã hội’, và dường như ‘vận đen’ như thế vẫn là chưa đủ cho anh ta, thánh Marcô kể tiếp: khi cất tiếng kêu cứu, anh còn bị mọi người quát mắng và bảo phải ‘im đi’. Mặc cho thân phận bên lề xã hội, và mặc cho đang bị mọi người cố tình gạt phăng ra khỏi xã hội, Bartimê vẫn cứ kêu gào, và những cố gắng kêu gào của anh cuối cùng đã được trả công xứng đáng. Anh gặp được Chúa. Tuy nhiên điều làm cho anh được sáng mắt lại chính là niềm tin mang tính tiệm tiến: Giêsu Nagiarét – Giêsu con vua Đavít – Con vua Đavít.
Đức Giêsu, trong tư cách là Con vua Đavít, đã cứu chữa Bartimê. Sự xuất hiện của Con vua Đavít đã làm cho thân phận của Bartimê thay đổi hoàn toàn: từ một kẻ mù lòa sống bên lề xã hội – bị xã hội ruồng bỏ - trở thành một kẻ sáng mắt và hơn thế anh đã quyết định ‘đi theo Người’ trong tư cách của một người môn đệ.
II. GỢI Ý MỤC VỤ
1. Hình ảnh cả một cộng đoàn đông đảo được tiên tri Giêrêmia mô tả: bao gồm những kẻ đui mù, què quặt, mang thai và sinh con sẽ được Thiên Chúa giải thoát, muốn khẳng định rằng: mọi người không một bất kỳ phân biệt đều nằm trong ‘tầm phủ sóng’ của chương trình tình thương cứu độ của Thiên Chúa. Như thế, khái niệm bị loại trừ, bị bỏ rơi, bị cô lập…, là điều không thể trong thái độ ‘đối xử đại lượng’ của Thiên Chúa. Do vậy, niềm hy vọng trước những khó khăn thử thách trong cuộc sống chính là cửa ngõ dẫn con người đi vào niềm tin trong tương quan với Thiên Chúa.
2. Nếu như tiếng ‘quát mắng bảo im’ của đám đông lớn đến độ đã làm cho Chúa Giêsu không thể nghe được tiếng kêu cứu S.O.S của Bartimê, thì số phận của anh ta sẽ ra sao? Do vậy, nhiều khi cộng đoàn lại vô tình trở thành vật cản nhiều người trên hành trình kiếm tìm Thiên Chúa. Thái độ sống phản chứng, nhiệt tình có thừa nhưng thiếu khôn ngoan và thận trọng sẽ luôn là những vật cản to lớn che lấp tầm nhìn của những ai đang khao khát hướng lòng về Thiên Chúa.
3. Sau khi mô tả thái độ tranh giành quyền lực, ganh tị lẫn nhau của các môn đệ trong bài Tin Mừng Chúa nhật XXIX thường niên năm B (tuần trước), hôm nay Chúa Giêsu muốn đưa ra một mẫu ‘môn đệ’ mới mẻ với những hành động dứt khoát: sau khi nghe biết Chúa Giêsu gọi mình, ‘người liệng bỏ áo choàng của mình đã nhảy cẫng lên, anh đến với Chúa Giêsu’ (dịch sát bản văn Hy lạp). Tất cả những hành động này được dùng ở thì aorist (diễn tả hành động chỉ xảy ra một lần và đã chấm dứt trong quá khứ). Như thế, mẫu người ‘môn đệ mới’, qua lăng kính của Bartimê, chính là: dứt khoát liệng bỏ quá khứ, nhảy cẫng về phía trước để đến với Chúa Giêsu.
III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Đức Kitô là Ánh Sáng thế gian và là Ðấng cứu độ muôn dân. Người đến dẫn đưa con người ra khỏi bóng tối sự dữ và tội lỗi. Chúng ta hãy đặt hết lòng tin tưởng vào Chúa và thành tâm dâng lời cầu xin.
1. Hội Thánh được mời gọi tiếp bước Đức Kitô trở nên Ánh Sáng cho muôn người. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi thành phần trong Hội Thánh luôn ý thức chu toàn sứ mạng bằng lời rao giảng, đời sống cầu nguyện và gương sáng của mình.
2. Trên thế giới còn biết bao người đang sống trong tối tăm lầm lạc. Chúng ta cùng cầu nguyện cho những ai đang ngủ mê được ơn thức tỉnh để nhận biết Chúa Kitô là Ánh Sáng và là Ðường duy nhất dẫn đưa con người đến sự sống và hạnh phúc đích thực.
3. Chúa Giêsu nói với người mù: “Đức tin của con đã cứu chữa con.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho những người đang đau khổ phần hồn hay phần xác, được thêm đức tin mạnh mẽ, luôn sống trong bình an khi đặt hy vọng nơi Thiên Chúa.
4. Người mù được nhìn thấy, và đi theo Chúa. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta, biết nhận ra những ân huệ Chúa ban, nhất là giá trị cao trọng của ơn cứu độ, để luôn vững tin và trung thành theo Chúa tới cùng.
Chủ tế: Lạy Chúa Giêsu là Đấng cứu độ trần gian, Chúa đã đến để cho chúng con nhận biết ánh sáng. Xin Chúa nhận lời chúng con cầu nguyện và thương mở mắt tâm hồn giúp chúng con ngày càng thêm hiểu biết các mầu nhiệm đức tin. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời. Amen.
bài liên quan mới nhất
- Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật Lễ Chúa Giêsu chịu phép Rửa năm A
-
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật Lễ Lá năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 5 mùa Chay năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 4 mùa Chay năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 3 mùa Chay năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 2 mùa Chay năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 1 mùa Chay năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 8 Thường niên năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 7 Thường niên năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 6 Thường niên năm C
bài liên quan đọc nhiều
- Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật IV Mùa Chay - năm A
-
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 1 mùa Vọng năm B -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật 6 Thường niên - năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật III Mùa Chay - năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật V Phục Sinh - năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật 5 Thường niên - năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 3 Phục sinh năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 30 Thường niên năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 3 mùa Vọng năm B -
Phụng vụ Lời Chúa: Lễ Mình Máu Thánh Chúa năm B