Phụng vụ Lời Chúa lễ Chúa nhật thứ II Mùa Chay - Năm C
CHÚA NHẬT II MÙA CHAY – NĂM C
St 15,5-12.17-18; Pl 3,17-4,1; Lc 9,28b-36
ĐƯỢC BIẾN ĐỔI NHỜ TIN
“Đang khi cầu nguyện,
diện mạo Người biến đổi khác thường”
(Lc 9,29)
I. CÁC BÀI ĐỌC
1. Bài đọc I – St 15,5-12.17-18
Abraham được sách Sáng thế trình bày như là ‘người thành Ur của dân Calđê’, ông được Thiên Chúa tuyển chọn khi đã bước vào tuổi bảy mươi lăm (x. St 12,4); và vợ ông, bà Sara cũng thuộc hạng ‘son sẻ hiếm muộn’ (x. St 16,1). Chính khi đang sống trong tâm trạng mang dáng vẻ bi quan ấy, Thiên Chúa lại phán bảo ông: dòng dõi ông sẽ đông đảo như sao trên trời. Lời nói này của Thiên Chúa liệu có thể tin được khi ông đã ‘cao tuổi’ và vợ ông lại son sẻ? Nhưng tác giả sách Sáng thể kể: ‘Ông tin Đức Chúa, và vì thế, Đức Chúa kể ông là người công chính.’ (St 15,6).
Và như một đảm bảo cho Abraham về mảnh đất hứa làm gia nghiệp, Thiên Chúa đã ký kết một giao ước với ông qua nghi thức sát tế các con vật - ‘một con bò cái ba tuổi, một con dê cái ba tuổi, một con cừu đực ba tuổi, một chim gáy và một bồ câu non’ - mà Ngài đã truyền cho ông thực hiện. Trong nghi lễ này, chỉ có mình Thiên Chúa (được tượng trưng bởi lò lửa nghi ngút khói và ngọn đuốc cháy rực) đi ngang qua giữa các con vật đã bị xẻ đôi như dấu chỉ xác nhận tính ràng buộc của Người đối với giao ước được ký kết.
2. Bài đọc II – Pl 3,17-4,1
Trước những thái độ sống sai lạc của cộng đoàn tín hữu tại Philipphê, Thánh Phaolô mạnh mẽ khuyến cáo đến độ ‘đau lòng ứa lệ’ khi chỉ ra cho họ thấy đâu là điều làm cho họ trở nên thù địch với thập giá Đức Kitô: ‘Họ lấy cái bụng làm chúa của mình, đặt vinh danh trong những điều ô nhục, chỉ ưa chuộng những cái trên cõi đời này.’ Như thế, một cuộc sống chỉ nghĩ tưởng và ước ao được thỏa mãn bởi thực tại trần thế bằng mọi giá sẽ làm đánh mất đi bản chất của người Kitô hữu.
Ngược lại với cách sống sai lạc đó, Thánh Phaolô xác định lại rằng: dù đang sống giữa trần thế nhưng người Kitô hữu lại luôn được mời gọi để vươn tới cùng đích của đời mình là trời cao, vì nơi đó chúng ta mong đợi Đấng Cứu Chuộc là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Nhưng tại sao chúng ta lại mong đợi Người? Chúng ta mong đợi Người chính là để Người ‘biến đổi thân xác hèn hạ của chúng ta nên giống như thân xác hiển vinh của Người.’ Do vậy, tin tưởng và mong đợi được biến đổi bởi Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, chính là thái độ sống đúng mực của người Kitô hữu.
3. Bài Phúc Âm – Lc 9,28-36
Nhiều chi tiết của bài phúc âm cần được lưu ý để sống bối cảnh của mùa chay:
- Sự kiện Chúa hiển dung được thuật lại đúng tám ngày sau khi loan báo lần thứ nhất về cuộc khổ nạn và đưa ra ba tiêu chuẩn gắt gao của người môn đệ: ‘Phải từ bỏ chính mình, vác thập giá hằng ngày và đi theo.’ (Lc 9,23)
- Chúa Giêsu đưa Phêrô, Giacôbê và Gioan lên núi để cầu nguyện. Đang lúc Người cầu nguyện thì diện mạo Người biến đổi. Như thế, việc Chúa hiển dung được đặt nền trên đời sống cầu nguyện.
- Hai nhân vật ‘rạng ngời vinh hiển’ hiện ra đàm đạo với Chúa Giêsu là Môsê, hình ảnh của Lề luật và Êlia, biểu tượng của phong trào các tiên tri. Kiểu nói ‘Lề luật và các tiên tri’ là kiểu nói gồm tóm toàn bộ Cựu ước (Mt 22,40). Như thế việc xuất hiện của Môsê và Êlia, đại diện cho cả Cựu Ước nhằm minh định tính xác thực về căn tính thần linh của Chúa Giêsu cũng như báo trước viễn cảnh vinh quang sau phục sinh của Người.
- Bên cạnh lời chứng thực của Môsê và Êlia, chính Chúa Cha cũng đã chứng thực tư cách người Con, Người được tuyển chọn của Chúa Giêsu. Đồng thời đưa ra một mệnh lệnh: ‘Anh em hãy nghe lời Người.’ Như thế, biến cố hiển dung còn nhằm giúp các môn đệ hăng say rập khuôn đời mình theo những lời dạy của Chúa Giêsu.
II. GỢI Ý MỤC VỤ
1. Dù lý trí không thể lý giải hết được những nghịch lý phát sinh từ thực tế cuộc sống so với lời hứa của Thiên Chúa về một đòng dõi đông đúc, nhưng Abraham vẫn tin. Và chính hành vi tin vô điều kiện này của ông đã làm thay đổi mọi sự: điều tưởng chừng không thể lại trở thành có thể. Đức tin của Abraham chính là động lực chẳng những làm biến đổi cuộc đời của ông và gia đình, mà còn làm biến đổi cuộc đời của cả một dân tộc, dân được Thiên Chúa tuyển chọn. Niềm tin vô điều kiện của mỗi Kitô hữu vào Thiên Chúa cũng sẽ làm biến đổi chính họ cũng như cả cộng đoàn mà họ đang sống.
2. Lòng tin và niềm hy vọng vào Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu Chuộc của các Kitô hữu thành Philipphê là một bảo đảm chắc chắn cho họ được biến đổi, từ một thân xác hèn hạ trở thành một thân xác hiển vinh, từ tương đối trở nên tuyệt đối, từ kiếp chóng qua bước vào cõi vĩnh cửu. Như thế, được biến đổi để trở nên ‘đồng hình đồng dạng’ với Đức Kitô vinh quang chỉ được đặt nền trên niềm tin của mỗi người vào chính Đức Giêsu Kitô, Đấng đã chết và phục sinh.
3. ‘Môsê và Êlia hiện đến uy nghi và nói về cuộc xuất hành của Người sắp thực hiện tại Galilê.’ Như thế khái niệm cuộc Xuất hành, theo thánh Luca, bao gồm ba sự kiện quan trọng mà Đức Giêsu thực hiện tại Giêsuralem là: khổ nạn, phục sinh và thăng thiên. Cho dù biết chắc rằng mình sẽ phải đối diện với đau khổ nhiều và cái chết, nhưng Đức Giêsu luôn tuyệt đối tin tưởng vào ‘kế hoạch xuất hành’ này của Chúa Cha: ‘Trong tay Ngài, lạy Cha, con xin phó thác hồn con’ (Lc 25,46). Với một niềm tin mạnh mẽ như thế, việc được biến đổi trong vinh quang của ngày phục sinh, mà sự kiện Hiển dung là hình bóng, sẽ chỉ là một thực tại tất yếu phải đến.
III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Khi tỏ vinh quang cho các môn đệ, Chúa Giêsu muốn củng cố niềm tin của các ông trước mầu nhiệm thập giá. Trong niềm tin tưởng và cậy trông vào Chúa, chúng ta cùng hiệp ý cầu xinơn kiên vững đức tin trong mọi hoàn cảnh:
1. Xin Chúa cho mọi thành phần trong Hội Thánh luôn vững tin vào vinh quang của Đức Kitô, biết sẵn sàng chết cho tội lỗi và tích cực trở nên chứng nhân cho quyền năng và tình thương của Thiên Chúa ở giữa thế gian.
2. Xin Chúa cho những tổ chức và cá nhân đang dấn thân đấu tranh cho công lý và mưu cầu hạnh phúc cho con người ở khắp nơi trên thế giới, tìm được sự cảm thông nâng đỡ và đạt được nhiều thành quả qua những nỗ lực của mình.
3. Xin Chúa cho những người tội lỗi lầm lạc tìm được niềm tin yêu hy vọng nơi tình thương quan phòng của Chúa, biết thành tâm sám hối và nhiệt tâm biến đổi đời sống để xứng đáng với phẩm giá làm người và làm con cái Chúa.
4. “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người.” Xin Chúa cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta luôn biết lắng nghe và thực thi Lời Chúa trong đời sống hằng ngày, để ngày càng gắn bó mật thiết với Chúa và trở nên giống Chúa hơn.
Chủ tế: Lạy Chúa Giêsu, Chúa bày tỏ vinh quang để củng cố đức tin cho các môn đệ và tất cả chúng con. Xin nhận lời chúng con cầu nguyện và ban cho chúng con một đức tin kiên cường cùng đức cậy vững chắc,để trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống, chúng con luôn tiến bước trên con đường thập giá theo chân Chúa. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời. Amen.
bài liên quan mới nhất
- Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật Lễ Chúa Giêsu chịu phép Rửa năm A
-
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật Lễ Lá năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 5 mùa Chay năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 4 mùa Chay năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 3 mùa Chay năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 2 mùa Chay năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 1 mùa Chay năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 8 Thường niên năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 7 Thường niên năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 6 Thường niên năm C
bài liên quan đọc nhiều
- Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật IV Mùa Chay - năm A
-
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 1 mùa Vọng năm B -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật 6 Thường niên - năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật III Mùa Chay - năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật V Phục Sinh - năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật 5 Thường niên - năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 3 Phục sinh năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 30 Thường niên năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 3 mùa Vọng năm B -
Phụng vụ Lời Chúa: Lễ Mình Máu Thánh Chúa năm B