Phụng vụ Lời Chúa lễ Chúa nhật thứ tư Mùa Chay năm C
CHÚA NHẬT IV MÙA CHAY C
(Gs 5,9-12; 2Cr 5, 17-21; Lc 15,1-3.11-32)
CHÚA THƯƠNG XÓT CỨU NGƯỜI HOÁN CẢI
“Con ta đây đã chết mà nay sống lại,
đã mất mà nay lại tìm thấy” (Lc 15,24)
I. CÁC BÀI ĐỌC
Mùa Chay là Mùa của màu tím, màu đượm nét buồn đượm tâm tình thống hối ăn năn. Tuy nhiên, Chúa Nhật IV được xem là Chúa Nhật hồng: màu của hy vọng và niềm vui. Niềm vui của Người Cha ra đón con mình ăn năn trở về; niềm vui của người con thứ vì được Cha tha thứ và yêu thương; niềm vui mà Cha muốn người con cả thể hiện vì người em đã mất nay lại tìm thấy; niềm vui của lòng thương xót Chúa gặp gỡ sự hoán cải của con người để ơn cứu độ được thực hiện. Đó cũng là tâm tình được diễn tả trong các bài đọc hôm nay.
1. BÀI ĐỌC I (Gs 5,9-12):
Thiên Chúa đầy lòng thương xót luôn dõi theo dân Israel trong mọi chặng đường về Đất Hứa. Trên con đường ấy, có những lúc Dân đã xúc phạm nặng nề đến Thiên Chúa, quay lưng lại với Người. Dầu vậy, Người vẫn hướng về họ, đáp ứng những đòi hỏi của họ, mục đích là để họ thấy được lòng thương xót của Người để hối cải mà được vào miền Đất Hứa. Thật vậy, khi ở trong sa mạc hoang vu 40 năm trường, Thiên Chúa đã nuôi dưỡng dân Do thái bằng manna, nhưng khi đã vào Đất Hứa rồi, manna thôi rơi, dân bắt đầu ăn thổ sản trong xứ và mừng lễ Vượt Qua đầu tiên để tạ ơn Thiên Chúa. Từ đó, lễ Vượt qua được ấn định vào ngày 14 tháng Nisan hàng năm, để nhắc Dân luôn nhớ đến lòng thương xót của Thiên Chúa đối với họ và vui mừng vì được Thiên Chúa cứu thoát.
Trong cuộc hành trình trong sa mạc 40 ngày chay thánh này, người Kitô hữu được nuôi dưỡng bằng Manna đích thực là Mình thánh Đức Giêsu Kitô. Để nhờ đó, người Kitô hữu đủ sức tiến về phía trước mà chuẩn bị hướng đến việc cử hành Lễ Vượt Qua với Con Chiên Vượt Qua đích thực là Đức Kitô trong ngày mừng Lễ Phục Sinh.
2. BÀI ĐỌC II (2Cr 5, 17-21):
Thiên Chúa là Đấng thương xót, đã nhờ Đức Kitô để giao hòa thế gian với Người. Do đó, ai ở trong Đức Kitô, thì người đó sẽ là một thụ tạo mới, vì Thiên Chúa sẵn sàng bỏ qua quá khứ của chúng ta, không kể chi đến tội lỗi của chúng ta, như thánh Phaolô nói “những gì là cũ đã qua đi: này đây tất cả mọi sự đã trở thành mới”.
Phần chúng ta, điều cần phải làm để được trở nên thụ tạo mới là: giao hòa với Thiên Chúa, nghĩa là hoán cải, từ bỏ tội lỗi để quay trở về với Người.
Về phần sứ vụ, Giáo Hội vì kế thừa các tông đồ nên được giao cho sứ mạng hòa giải, bằng cách dùng lời rao giảng và khuyên bảo để giúp người ta quay về giao hòa với Thiên Chúa. Là người Kitô hữu, tức là thành viên của Giáo Hội, chúng ta được mời gọi thi hành sứ vụ hòa giải này.
3. BÀI TIN MỪNG (Lc 15,1-3.11-32):
Lòng thương xót của Thiên Chúa được biểu lộ nơi Đức Giêsu và hướng tới mọi người, nhưng hơn bao giờ hết, những người bị gạt ra bên lề, những kẻ tội lội lại cần lòng thương xót đó hơn. Đức Giêsu đến tìm kiếm những hạng người này và những người như thế cũng cần đến Đức Giêsu. Tuy nhiên, có một định chế ngăn cản cuộc giao hòa này, đó là quan niệm của người Do thái: người công chính không được giao du với phường gian ác và tội lỗi. Do đó, khi Đức Giêsu đến với họ, những người Pharisêu và các kinh sư đã lên án Người.
Trong bối cảnh như thế, Đức Giêsu đã dùng ba dụ ngôn nói về “lòng thương xót của Thiên Chúa” trong Lc 15, một trong những chủ đề làm nên nét đặc trưng của Tin Mừng theo thánh Luca. Dụ Ngôn “Người Cha nhân hậu” là dụ ngôn thứ ba được Đức Giêsu dùng để bày tỏ cách thế Thiên Chúa thể hiện lòng thương xót và cũng bào chữa cho lối xử sự của Người: Đức Giêsu đến tìm kiếm người tội lỗi và chờ họ hoán cải quay về để được thứ tha, hầu được ơn cứu thoát.
Trong dụ ngôn, khi người con hoang đàng còn ở đằng xa, thì người cha đã trông thấy; ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh ta và hôn lấy hôn để (Lc 15,20). Điều này cho thấy người cha, hình ảnh Thiên Chúa, đã chủ động đi bước trước, luôn chờ đón con mình trở về, với lòng thương xót để thứ tha, để vui mừng. Về phần người con thứ, hình ảnh người tội lỗi xa lìa Thiên Chúa, dù đã lợi dụng hết phần ân huệ của mình từ Thiên Chúa qua việc chia gia tài, dù đã chạy theo những đam mê lạc thú trần gian nhưng chỉ cần hoán cải, nghĩa là quay trở về với Thiên Chúa và tạ lỗi với Người, thì sẽ được thứ tha.
Do đó, việc cứu độ có thể được thực hiện trước hết là nhờ vào lòng thương xót của Thiên Chúa gặp gỡ với sự hoán cải của con người. Thiên Chúa luôn đi bước trước bằng lòng thương xót. Kế đến, con người cần phải chủ động đáp trả bằng hành vi hoán cải trở về. Hai yếu tố này luôn cần thiết và đi đôi với nhau. Quả thật để cứu con người, Thiên Chúa cần sự cộng tác của con người như thánh Augustinô nói: khi Chúa tạo dựng nên chúng ta, Chúa không cần hỏi ý kiến của chúng ta nhưng để cứu chuộc, Chúa dành cho chúng ta quyền được lựa chọn. Về phía con người, quá khứ tội lỗi không là vấn đề, điều quan trọng là biết hoán cải ăn năn.
Thái độ của người con cả cũng đáng lưu ý. Anh ta đại diện cho những người tận tâm lo việc nhà của Chúa, thậm chí như một người đầy tớ luôn phục vụ Chúa. Tuy nhiên, anh lại lên án lòng thương xót của Chúa, cho rằng Chúa bất công, và ghen tỵ với người anh em đã được Chúa thứ tha. Như thế, anh ta có thái độ chẳng khác gì người Pharisêu cho rằng mình có lý, chỉ có mình xứng đánh được hưởng phần phúc nhờ công trạng hơn là nhờ tình yêu và lòng thương xót của Chúa, nên họ kết án Chúa và khinh miệt anh em.
II. GỢI Ý MỤC VỤ
1. Thiên Chúa cho con người có sự tự do và tôn trọng sự tự do đó của con người. Tuy nhiên, đôi khi con người lại sử dụng tự do đó để chống lại Thiên Chúa, như trường hợp của Ađam và Eva, để đòi quyền lợi và để tìm xa hoa lạc thú như trường hợp của người con thứ trong dụ ngôn. Chúng ta đã sử dụng sự tự do Chúa ban cho như thế nào: để phụng sự Chúa và phục vụ anh chị em, hay để quay lưng lại với Thiên Chúa, làm mất phẩm giá của bản thân và làm tổn hại đến đồng loại?
2. Thiên Chúa muốn cứu độ chúng ta, nhưng để thực hiện được điều đó, người cần chúng ta cộng tác bằng cách quay trở về với tâm tình thống hối ăn năn. Thiên Chúa của chúng ta là vị Thiên Chúa “hay quên”: Người không nhớ đến qúa khứ lỗi lầm của chúng ta; nhưng chỉ nhìn đến hiện tại và hướng tới tương lai: mong chúng ta hoán cải để Người cứu độ chúng ta. Trong Mùa Chay Thánh này, chúng ta có can đảm từ bỏ quá khứ yếu đuối, nhận ra những thiếu sót lỗi lầm để tạ lỗi với Chúa để được lãnh ơn tha thứ hay không?
3. Thiên Chúa thương xót con người trong mọi hoàn cảnh. Người luôn tìm cách thế phù hợp để giúp con người đi đúng đường lối của Người hầu giúp họ tiến về miền Đất Hứa, và khi con người lầm đường lạc lối, Người luôn ngóng chờ và tìm cách đưa họ trở về. Khi có một con chiên lạc Người sẽ cất công tìm kiếm và mời gọi mọi người cùng cộng tác tìm kiếm với Người. Chúng ta có thái độ nào với những người được xem là xa lìa Thiên Chúa, có gạt họ ra khỏi đời sống cộng đoàn hay là tìm cách để giúp họ quay về với Thiên Chúa?
4. Trong sứ điệp Mùa Chay 2013, ĐGH Bênêđíctô 16 đã viết: “Các Kitô hữu là những người đã được tình yêu Chúa Kitô chinh phục và vì vậy khi được tình yêu ấy thúc đẩy họ mở rộng cõi lòng để yêu thương những người lân cận cách cụ thể.” Thái độ này ngược lại thái độ của người con cả trong Tin mừng: Trách móc Thiên Chúa và ghen tương với anh chị em khi họ được Thiên Chúa ban ân lộc và yêu thương. Chúng ta có ý thức được rằng vì đã được Thiên Chúa yêu thương nên chúng ta không thể phục vụ Thiên Chúa nếu không tin vào cách thế Người thực hiện chương trình cứu độ và chẳng chia sẻ tình yêu của Người cho anh chị em mình hay không? Làm sao có thể tự nhận là môn đệ của Đức Giêsu khi coi thường những anh chị em đang ở gặp hoàn cảnh bất hạnh, nhất là về mặt tinh thần, và không biết chia vui sẻ buồn với họ?
III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Thiên Chúa là Cha rất nhân từ luôn yêu thương hết thảy mọi người, nhất là những ai tội lỗi biết thành tâm sám hối. Tin tưởng vào tình thương tha thứ của Chúa cùng với ý thức thân phận tội lỗi, chúng ta hãy tha thiết cầu nguyện.
1. Hội Thánh có sứ vụ giới thiệu cho con người một Thiên Chúa từ bi nhân hậu. Chúng ta cùng cầu nguyện cho các chủ chăn trong Hội Thánh trở nên những mục tử như lòng Chúa mong ước, luôn tận tình phục vụ mọi người với tấm lòng bao dung quảng đại.
2. Toàn thể Hội Thánh Công Giáo đang chờ đợi vị chủ chăn mới. Chúng ta cùng cầu xin Chúa ban tràn đầy Chúa Thánh Thần trên các Hồng Y cử tri, cho các ngài trở nên công cụ hữu hiệu để Chúa tuyển chọn một vị Giáo Hoàng mới như lòng Chúa ước mong.
3. Lòng bao dung nhân từ của Thiên Chúa che lấp mọi lỗi lầm của con người. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi Kitô hữu biết tận dụng cơ hội của mùa Chay thánh này để quay về với Chúa qua bí tích Hòa Giải cùng với quyết tâm sửa đổi đời sống cách triệt để.
4. Hạnh phúc đích thực là được sống trong tình thương của Thiên Chúa và anh chị em. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta luôn đoàn kết yêu thương nhau, và giúp nhau đạt được niềm vui ơn cứu độ Chúa ban.
Chủ tế: Lạy Chúa là Cha rất nhân từ và giàu lòng thương xót. Xin nhận lời chúng con cầu nguyện, giúp chúng con biết yêu thương tha thứ cho nhau; để cuộc đời chúng con trở nên dấu chỉ của tình yêu Chúa giữa thế giới. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.
bài liên quan mới nhất
- Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật Lễ Chúa Giêsu chịu phép Rửa năm A
-
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật Lễ Lá năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 5 mùa Chay năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 4 mùa Chay năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 3 mùa Chay năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 2 mùa Chay năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 1 mùa Chay năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 8 Thường niên năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 7 Thường niên năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 6 Thường niên năm C
bài liên quan đọc nhiều
- Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật IV Mùa Chay - năm A
-
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 1 mùa Vọng năm B -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật 6 Thường niên - năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật III Mùa Chay - năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật V Phục Sinh - năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật 5 Thường niên - năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 3 Phục sinh năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 30 Thường niên năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 3 mùa Vọng năm B -
Phụng vụ Lời Chúa: Lễ Mình Máu Thánh Chúa năm B