Phụng Vụ Lời Chúa: Lễ Dâng Chúa Giêsu trong Đền thánh
LỄ DÂNG CHÚA GIÊSU TRONG ĐỀN THÁNH
Ml 3,1-4 – Hr 2,14-18 – Lc 2,22-40
THIÊN CHÚA VÀO THÁNH ĐIỆN VÀ CON TRẺ ĐƯỢC THÁNH HIẾN
“Đức Chúa đi vào thánh điện của Người…
Người sẽ thanh tẩy và tinh luyện con cái Lêvi” (Ml 3,1.3)
I. CÁC BÀI ĐỌC
1. Bài đọc I – Ml 3,1-4
Trong bối cảnh có nhiều người phàn nàn rằng Thiên Chúa không chứng tỏ sự công chính của Người, cũng không ban thưởng đủ cho những kẻ phụng sự Người, ngôn sứ Malakhi đã trả lời cho họ bằng cách tuyên bố rằng: Đức Chúa sẽ đến trong một ngày rất gần. Ngài đến và đi vào thánh điện của Ngài để thực hiện nơi con cái Lêvi một cuộc thanh tẩy. Người được ví như ‘lửa của thợ luyện kim, như thuốc tẩy của thợ giặt.’ và ‘tinh luyện chúng như vàng, như bạc.’ Và chỉ sau khi con cái Lêvi được thanh tẩy và tinh luyện, những lễ vật mà họ dâng lên Thiên Chúa mới xứng đáng được Chúa thương chấp nhận.
Trong lăng kính của Bài đọc I, biến cố ‘dâng Chúa Giêsu trong đền thánh’ được xem như biến cố chính Đức Chúa đi vào trong thánh điện của Người để thanh tẩy và tinh luyện dân của Người. Một cuộc thanh tẩy toàn diện loại bỏ tất cả mọi bợn nhơ và uế tạp; liền sau đó là một cuộc tinh luyện giúp trở nên tinh ròng, thuần khiết. Việc thanh tẩy và tinh luyện này là cần thiết để làm cho những của lễ mà dân dâng lên xứng đáng được Chúa thương đoái nhận.
2. Bài đọc II – Hr 2,14-18
Để giải thoát con người khỏi cảnh nô lệ cho những đam mê bất chính, tội lỗi và sự chết, Thiên Chúa đã sai chính Con của Người đến thế gian. Ngôi Hai đã nhập thể làm người, cùng mặc lấy thân phận huyết nhục của con người, nghĩa là nên giống con người trong mọi sự ngoại trừ tội lỗi (x. Hr 4,15b). Khi chấp nhận trải qua thử thách, đau khổ rồi chết trên thập giá như một của lễ, Đức Giêsu đã tiêu diệt ma quỷ, tên lãnh chúa gây ra sự chết; đồng thời giải thoát mọi người khỏi cảnh nô lệ cho sự chết và ma quỷ. Không chỉ là của lễ, Đức Giêsu còn là người dâng của lễ trong tư cách là thượng tế ‘nhân từ và trung tín’ để ‘thực hiện việc thờ phượng Thiên Chúa, hầu đền tội cho dân.’
3. Bài Tin mừng – Lc 2,22-40
Trong lăng kính của lề luật, Đức Giêsu đã được cha mẹ chu toàn cách đầy đủ tất cả những đòi hỏi như luật Môsê đã truyền dạy cho dân về mọi trẻ trai mới sinh: ‘Phải được thánh hiến dành riêng cho Thiên Chúa’ và phải được chuộc về ‘bằng một đôi chim gáy hoặc một cặp bồ câu non.’
Biến cố ấy cho thấy rõ Đức Giêsu dù phận là phận một Vị Thiên Chúa, nhưng đã chấp nhận sống dưới chế độ luật để cứu chuộc những ai sống dưới chế độ luật, hầu chúng ta nhận được ơn là nghĩa tử. (x. Gl 4,4)
Trong cái nhìn của thánh sử Luca, biến cố ‘dâng Chúa Giêsu trong đền thờ’ còn là một cuộc tỏ mình của Thiên Chúa nơi Con Trẻ Giêsu cho những người tuân giữ luật và sống gắn bó với Ngài:
+ Simêon: công chính và sùng đạo - Khi được bồng ẵm Con trẻ Giêsu trong vòng tay, đã được ơn soi sáng để hiểu biết về sứ mạng cao cả được ủy thác cho Con trẻ này: Ơn cứu độ Chúa dành sẵn cho muôn dân - Ánh sáng soi đường cho dân ngoại - Vinh quang của Israel Dân Ngài. Đồng thời nhiều người phải ‘ngã xuống hay đứng lên’ vì Con Trẻ này; riêng Đức Maria, một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn bà.
+ Nữ ngôn sứ Anna: ăn chay, cầu nguyện và thờ phượng Chúa - Bà cảm tạ Thiên Chúa và nói về Con Trẻ cho những ai trông chờ ngày Thiên Chúa cứu chuộc Giêrusalem.
II. GỢI Ý MỤC VỤ
1. Theo cách trình bày của Malakhi, Đức Chúa đi vào thánh điện của Người để thực hiện một cuộc thanh tẩy và tinh luyện giúp dân xứng đáng dâng lễ vật trước nhan Chúa. Tội lỗi đã làm cho con người ra ô uế, dơ bẩn đang khi con người lại bất lực để hoán cải; thế nên việc thanh tẩy và tinh luyện của Thiên Chúa còn nguyên giá trị cho con người hôm nay. Vấn đề là mỗi người có dám để cho mình được thanh tẩy và tinh luyện hay không.
2. Đức Giêsu vừa là của lễ vừa là thượng tế dâng của lễ. Qua bí tích rửa tội, mỗi tín hữu cũng được thông phần vào ba chức vụ của Đức Giêsu: tư tế, ngôn sứ và vương đế. Can đảm đối diện trong tin tưởng và phó thác trước những đau khổ và thử thách trong cuộc sống, con người sẽ trở nên những của lễ có giá trị trước nhan thánh Chúa. Việc trung thành và sốt sắng với đời sống đạo đức-thiêng liêng giúp con người trở nên tư tế tuyệt hảo dâng những của lễ xứng đáng đẹp lòng Chúa.
3. Sự công chính và lòng sùng đạo của Simêon cũng như việc ăn chay, cầu nguyện thờ phượng Chúa của Anna đã làm cho họ trở nên những đối tượng mạc khải của Thiên Chúa về kế hoạch cứu độ con người. Cũng thế, một đời sống công chính, thánh thiện, chay tịnh và cầu nguyện sẽ giúp mỗi tín hữu, cách riêng các người sống đời thánh hiến, hiểu ra thánh ý của Chúa qua mỗi biến cố hằng ngày và họ được mời gọi cộng tác vào đó bằng chính đời sống thánh thiện của mình.
III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Trong Đức Giêsu Kitô, tất cả chúng ta đều thuộc về Thiên Chúa, được hưởng gia nghiệp đời đời dành cho con cái Chúa. Cộng đoàn chúng ta cùng dâng tâm tình tạ ơn lên Thiên Chúa và sốt sắng cầu xin:
1. Đức Giêsu là vị Thượng tế nhân từ và trung tín trong việc thờ phượng Thiên Chúa. Chúng ta cùng cầu nguyện cho hàng giám mục và linh mục trong Hội Thánh được Chúa Thánh Thần đổi mới không ngừng, để các ngài luôn là hiện thân của Chúa Kitô Thượng tế.
2. Ông Simêon đã nhận ra “ơn cứu độ Chúa dành sẵn cho muôn dân” nơi Hài Nhi Giêsu. Chúng ta cùng cầu nguyện cho các dân tộc trên thế giới ơn nhận biết Đức Giêsu là Chúa và là đấng cứu độ trần gian để tin theo Ngài, ngõ hầu được hưởng ơn cứu độ.
3. “Hài nhi ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và ân nghĩa cùng Thiên Chúa”. Chúng ta cầu nguyện cho các bạn trẻ luôn hướng tới sự trưởng thành toàn diện theo gương Chúa Giêsu, biết quảng đại hiến dâng đời mình để phụng sự Chúa và phục vụ tha nhân.
4. Gia đình chính là ngôi trường giáo dục đức tin và vườn ươm ơn gọi. Chúng ta cùng cầu nguyện cho các gia đình trong cộng đoàn chúng ta biết quyết tâm sống thánh thiện, để bầu khí đạo đức, yêu thương nơi gia đình củng cố đức tin và khơi lên nhiều ơn gọi dâng hiến.
Chủ tế: Lạy Thiên Chúa là Cha chúng con, xin nhậm lời chúng con cầu nguyện và giúp mỗi người chúng con luôn biết hiến dâng chính mình để sống cho Chúa và cho tha nhân. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.
bài liên quan mới nhất
- Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật Lễ Chúa Giêsu chịu phép Rửa năm A
-
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật Lễ Lá năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 5 mùa Chay năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 4 mùa Chay năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 3 mùa Chay năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 2 mùa Chay năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 1 mùa Chay năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 8 Thường niên năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 7 Thường niên năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 6 Thường niên năm C
bài liên quan đọc nhiều
- Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật IV Mùa Chay - năm A
-
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 1 mùa Vọng năm B -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật 6 Thường niên - năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật III Mùa Chay - năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật V Phục Sinh - năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật 5 Thường niên - năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 3 Phục sinh năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 30 Thường niên năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 3 mùa Vọng năm B -
Phụng vụ Lời Chúa: Lễ Mình Máu Thánh Chúa năm B