Phụng vụ Lời Chúa: Lễ Mình Máu Thánh Chúa - năm C
LỄ MÌNH MÁU THÁNH CHÚA
(St 14,18-20; 1 Cr 11,23-26; Lc 9,11b-17)
TRUNG GIAN CỨU ĐỘ
“Mọi người đều ăn, và ai nấy được no nê” (Lc 9,17).
I. CÁC BÀI ĐỌC:
Các bài đọc trong phụng vụ lễ Mình và Máu Thánh Chúa làm nổi bật vai trò trung gian: ông Menkixêđê là trung gian để ông Ápraham nhận phúc lành từ Thiên Chúa; Chúa Giêsu là trung gian của Giao Ước Mới khi hiến thân cho nhân loại; Nhóm Mười Hai là trung gian để Chúa Giêsu làm phép lạ hóa bánh ra nhiều nuôi đám đông dân chúng. Mọi vai trò trung gian cuối cùng đều qui về Chúa Giêsu, Đấng là trung gian cứu độ duy nhất của nhân loại, vì “ngoài Người ra, không ai đem lại ơn cứu độ” (Cv 4,12).
1. Bài đọc 1:
Đây là lần đầu tiên ông Menkixêđê được tác giả Kinh Thánh đề cập đến. Ông được giới thiệu như là vua và thượng tế của Thiên Chúa tối cao, ngay cả trước khi có sự thiết lập hàng tư tế Lêvi. Sau này, hình ảnh ông Menkixêđê sẽ được tác giả Tân Ước dùng để trình bày nền thần học về chức tư tế của Chúa Kitô.
Trước hết, tác giả sách Sáng Thế tường thuật việc ông Menkixêđê ra đón gặp và chúc lành cho ông Ápram (Ápraham) khi ông này vừa thắng trận trở về (St 14,19-20). Lời chúc lành của ông Menkixêđê cho thấy vị thế cao trọng của ông trên ông Ápraham, vì “chỉ người dưới mới nhận lời chúc lành của người trên” (Hr 7,7). Vị thế cao trọng của ông Menkixêđê còn được khẳng định hơn nữa qua việc ông Ápraham “biếu ông Menkixêđê một phần mười tất cả chiến lợi phẩm” (St 14,20b). Một đàng, theo truyền thống, chi tộc tư tế Lêvi nhận một phần mười hoa lợi từ các chi tộc khác; đàng khác, tư tế Menkixêđê lại nhận một phần mười từ Ápraham là tổ phụ của các chi tộc Ítraen. Như thế, chức tư tế của ông Menkixêđê không những khác mà còn trổi vượt hơn chức tư tế Lêvi. Sau này, tác giả thư Hípri dùng hình ảnh tư tế Menkixêđê, như được nhắc đến trong sách Sáng Thế và Thánh Vịnh 110, để trình bày Đức Kitô như là Vua và là Thượng Tế, “theo phẩm trật Menkixêđê” (Tv 110,4; Hr 5,6.10; 6,20; 7,11.17).
Sau nữa, khi chúc lành cho ông Ápraham, ông Menkixêđê cũng nhận được phúc lành của Thiên Chúa theo như lời hứa của Thiên Chúa đối với ông Ápraham rằng: “Ta sẽ chúc phúc cho những ai chúc phúc cho ngươi” (St 12,3). Quả vậy, lời chúc lành của ông Menkixêđê: “Chúc tụng Thiên Chúa Tối Cao, Đấng đã trao vào tay ông những thù địch của ông” (St 14,20a) cho thấy rằng mọi phúc lành đều phát xuất từ Thiên Chúa. Chiến thắng của ông Ápraham cũng do Thiên Chúa, Đấng ban phúc lành và xứng đáng nhận mọi lời chúc tụng. Ông Menkixêđê, vì là vua và tư tế, đóng vai trò trung gian vừa để chuyển đến ông Ápraham phúc lành của Thiên Chúa, vừa thay lời cho Ápraham mà tôn vinh chúc tụng Thiên Chúa. Sau này, tác giả thư Hípri sẽ dùng hình ảnh ông Menkixêđê để trình bày Đức Giêsu như là tư tế trung gian của một giao ước mới giữa Thiên Chúa và con người (x. Hr 8,6; 9,15; 12,24).
Như thế, khi cho thấy vị thế của ông Menkixêđê như là trung gian giữa Thiên Chúa và ông Ápraham, tác giả sách Sáng Thế cung cấp một nền tảng thần học quan trọng, mà sau này tác giả thư Hípri dùng để trình bày về vai trò trung gian giao ước mới của Đức Giêsu, Đấng là tư tế đến muôn đời theo phẩm trật Menkixêđê.
2. Bài đọc 2:
Đặt trong bối cảnh có sự chia rẽ trong cộng đoàn Côrintô khi các tín hữu cử hành “bữa tối của Chúa” cách bất xứng, khiến việc cử hành không đem lại lợi ích cho họ (x. 1 Cr 11,17-22), thánh Phaolô xác nhận rằng việc cử hành “bữa tối của Chúa” là giáo huấn mà ngài “đã lãnh nhận từ nơi Chúa” (11,23) và đóng một vai trò rất quan trọng trong việc tưởng nhớ và loan truyền về cái chết của Ngài. Bài tường thuật của thánh Phaolô có các điểm chính sau đây.
Trước hết, bài tường thuật của thánh Phaolô minh xác về Mình và Máu Chúa Kitô. Quả vậy, trong bữa tiệc ly, Chúa Giêsu đã khẳng định cách rõ ràng và chắc chắn rằng bánh và rượu mà ngài trao cho các môn đệ chính là Mình và Máu Ngài. Cũng vậy, bánh và rượu mà các tín hữu Côrintô đón nhận trong khi cử hành “bữa tối của Chúa” không còn là bánh và rượu nữa, nhưng đã được biến đổi thành Mình và Máu Chúa Giêsu. Vì thế, việc cử hành “bữa tối của Chúa” không phải là chuyện ăn, chuyện uống, để rồi có kẻ no say, người lại đói (x. 1 Cr 11,21), nhưng là thật sự đón nhận Mình và Máu Chúa Kitô. Do đó, cần có sự cung kính, xét mình cẩn thận để không đón nhận Mình và Máu Chúa Kitô cách bất xứng, vì bất kỳ sự xúc phạm nào đều dẫn đến án phạt (x. 1 Cr 11,27-29).
Hơn nữa, bài tường thuật của thánh Phaolô xác nhận về giá trị Giáo Ước Mới được lập bằng máu Chúa Giêsu. Thật vậy, theo truyền thống Do thái, chỉ có máu mới có thể “xá tội” cho con người (x. Lv 17,11). Tuy nhiên, máu các con vật trong giao ước cũ, dù được lặp đi lặp lại nhiều lần, không thể vĩnh viễn thanh tẩy tội lỗi con người. Trái lại, “Đức Kitô đã tự hiến tế chỉ một lần, để xoá bỏ tội lỗi muôn người” (Hr 9,28), vì “Người là trung gian của một Giao Ước Mới, lấy cái chết của mình mà chuộc tội lỗi người ta đã phạm trong thời giao ước cũ, và đem lại cho những ai được Thiên Chúa kêu gọi quyền lãnh nhận gia nghiệp vĩnh cửu Thiên Chúa đã hứa” (Hr 9,15).
Sau cùng, bài tường thuật của thánh Phaolô nhấn mạnh lệnh truyền của Chúa Giêsu về việc tiếp tục cử hành “bữa tối của Chúa”. Thật vậy, thánh Phaolô hai lần nhắc lại lời Chúa Giêsu rằng “anh em hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy” (11,24.25), vì “mỗi lần ăn Bánh và uống Chén này, là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết” (11,26). Việc cử hành “bữa tối của Chúa” không chỉ là một sự chọn lựa mà là một mệnh lệnh của Chúa Giêsu thúc bách các tín hữu Côrintô hãy tiếp tục thi hành, vừa để tưởng nhớ hiến tế Thầy đã thực hiện để đem lại sự sống cho họ, vừa để loan truyền về cái chết của Thầy “cho tới ngày Chúa đến” (11,26), ngày Đức Giêsu trở lại trong vinh quang.
3. Bài Tin Mừng:
Khi các Tông Đồ trở về sau chuyến hành trình “rao giảng Nước Thiên Chúa”, Chúa Giêsu đưa riêng các ngài đến một nơi yên tĩnh để nghỉ ngơi. Nhưng khi đối diện với đám đông dân chúng đang tìm cách đến với mình, Chúa Giêsu không những không chối từ mà còn ân cần đón tiếp, rao giảng, chữa lành cho họ (9,11b), đồng thời, qua phép lạ hóa bánh ra nhiều, Người đáp ứng nhu cầu của họ (9,12-17).
Trước hết, các môn đệ nhận thức rõ rằng vào buổi chiều tà dân chúng cần chỗ trọ và thức ăn, nhưng giải pháp các ông đưa ra chỉ đơn giản là giải tán đám đông để họ tự giải quyết vấn đề của họ. Chúa Giêsu không chọn cách giải quyết đó, nhưng đòi buộc các môn đệ: “Chính anh em hãy cho họ ăn” (9,13). Các môn đệ cần phải nỗ lực trong khả năng của mình để nhằm đáp ứng nhu cầu của dân chúng và dù sự nỗ lực của các ông không đủ để thỏa mãn họ (“chúng con chỉ có năm chiếc bánh và hai con cá”), vẫn có giá trị như một sự hợp tác khởi đầu để phép lạ xảy ra. Sự nỗ lực của các môn đệ vừa giúp các ông nhận thấy giới hạn của mình, vừa làm nổi bật quyền năng của Chúa Giêsu.
Thêm vào đó, trọng tâm của phép lạ là hành động mang đầy tính biểu tượng của Chúa Giêsu. Thật vậy, các hành động của Chúa Giêsu như “cầm lấy”, “chúc tụng”,“bẻ ra” và “trao cho” là dấu chỉ báo trước việc Người sẽ “cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, bẻ ra, trao cho các ông và nói: “Đây là mình Thầy, hiến tế vì anh em’” (Lc 22,19). Năm chiếc bánh và hai con cá không thấm vào đâu so với đám đông dân chúng, nhưng một khi được bẻ ra và ban phát như là “mình Thầy” thì luôn đủ cho tất cả mọi người. Chỉ có tấm bánh cuộc đời Chúa Giêsu, một khi được bẻ ra qua cuộc sống và cái chết cho con người, mới có sức sống thần thiêng để thỏa mãn những khát vọng sâu xa nhất của con người.
Cuối cùng, từ năm chiếc bánh và hai con cá mà mọi người đều được ăn no nê nhưng vẫn còn dư mười hai thúng. Trong tư cách là môn đệ của Chúa Giêsu, Nhóm Mười Hai vẫn chỉ như những “quản gia trung tín và khôn ngoan” để ban phát ân sủng của Thiên Chúa cho dân của Ngài “đúng giờ đúng lúc” (x. Lc 12,41-48). Ân sủng Thiên Chúa luôn dư tràn, nên các Tông Đồ hãy trở nên những quản gia quảng đại của Thiên Chúa. Việc thu lại những “miếng vụn còn thừa” như một lời nhắc nhở các ông về lời mời gọi trước đó của Chúa Giêsu rằng “anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại”, vì Ngài “sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em” (Lc 6,38).
II. GỢI Ý ÁP DỤNG:
1/ Trong vai trò là vua và tư tế của Thiên Chúa tối cao, ông Menkixêđê trở nên trung gian để Thiên Chúa chúc lành cho ông Ápraham và nhờ ông “mọi gia tộc trên mặt đất được chúc lành” (St 12,3). Khi lãnh nhận phép Rửa Tội, tôi cũng được tham gia vào ba chức vụ của Chúa Giêsu là tư tế, vương đế và ngôn sứ. Tôi được trao cho nhiệm vụ làm trung gian để phúc lành của Thiên Chúa đến với người khác. Tôi thực hiện nhiệm vụ này thế nào?
2/ Đặt trong bối cảnh các tín hữu Côrintô cử hành “bữa tối của Chúa” cách bất xứng và gây chia rẽ, thánh Phaolô cho thấy rằng “bữa tối của Chúa” không phải là chuyện ăn uống, mà có kẻ no say người lại đói, nhưng là bữa tiệc Mình và Máu Chúa Kitô đổ ra để thiết lập Giao Ước Mới với con người, nhờ đó con người được tha tội mà giao hòa với Thiên Chúa. Do đó, các tín hữu phải cử hành mà loan truyền việc Chúa Kitô đã chết và đã sống lại cho đến khi Người trở lại trong vinh quang. Tôi có tham dự tiệc Mình và Máu Chúa Kitô cách bất xứng? Tôi có xem bữa tiệc Thánh Thể là cách loan truyền về Chúa Kitô, Đấng đã chết và sống lại vì tôi, cho đến khi Người lại đến?
3/ Phép lạ hóa bánh ra nhiều cho thấy quyền năng của Đức Giêsu, Đấng hiến thân mình để ban phát dồi dào ân sủng của Thiên Chúa cho những ai tin. Phép lạ còn thôi thúc các môn đệ hãy trở nên những trung gian quảng đại ban phát ơn lành của Thiên Chúa cho những ai đang khao khát Ngài. Biết bao người vẫn đang đói khát lương thực thiêng liêng, là môn đệ Chúa Kitô, tôi có sẵn sàng trở nên cầu nối để dẫn người ta đến với Chúa là nguồn sự sống đích thực?
III. LỜI NGUUYỆN CHUNG:
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Chúa Giêsu đã thiết lập bí tích Thánh Thể để hiến ban Mình và Máu Người làm lương thực dưỡng nuôi linh hồn chúng ta. Trong tâm tình cảm mến tri ân, cộng đoàn chúng ta hãy đồng thanh cảm tạ Chúa và khẩn khoản cầu xin.
1- Bí tích Thánh Thể là dấu chỉ sự hiện diện yêu thương của Chúa Kitô ở giữa nhân loại. Chúng ta cùng cầu xin cho các vị mục tử trong Hội Thánh luôn chuyên cần và sốt sắng cử hành mầu nhiệm Thánh Thể, sống theo gương hy sinh quên mình của Thầy chí thánh, để giới thiệu Chúa Kitô cách sống động cho con người thời đại.
2- Đức Kitô là bánh bởi trời ban cho con người sức sống dồi dào. Chúng ta cùng cầu xin cho các nhà lãnh đạo trên thế giới biết quan tâm bảo vệ và phục vụ quyền sống của con người, cho người dân của các nước nghèo được thụ hưởng những quyền lợi tối thiểu cả vật chất lẫn tinh thần xứng đáng với phẩm giá làm người của họ.
3- Bí tích Thánh Thể là quà tặng thần linh Chúa Giêsu dành cho mọi tín hữu. Chúng ta cùng cầu xin cho các kitô hữu biết trân trọng và mến yêu Bí tích Cực Thánh, luôn siêng năng tham dự cử hành Thánh Thể, để được kết hiệp mật thiết với Chúa Kitô và hiệp thông huynh đệ với nhau, hầu tích cực xây dựng Nhiệm Thể Chúa là Hội Thánh.
4- Bí tích Thánh Thể là bảo chứng cho đời sống vĩnh cửu và vinh quang thiên quốc. Chúng ta cùng cầu xin cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta được Chúa liên kết và biến đổi trở nên những tấm bánh bẻ ra cho thế giới mới, hăng hái xây dựng nước Chúa nơi trần gian, hầu ngày sau xứng đáng chung hưởng hạnh phúc nước trời.
Chủ tế: Lạy Chúa Giêsu Kitô là nguồn sống và hy vọng của nhân loại, xin nhậm lời chúng con cầu nguyện, và nâng đỡ chúng con trong cuộc sống làm chứng hôm nay, để mai sau xứng đáng tham dự bàn tiệc trong Nước Trời. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời.
bài liên quan mới nhất
- Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật Lễ Chúa Giêsu chịu phép Rửa năm A
-
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật Lễ Lá năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 5 mùa Chay năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 4 mùa Chay năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 3 mùa Chay năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 2 mùa Chay năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 1 mùa Chay năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 8 Thường niên năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 7 Thường niên năm C -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 6 Thường niên năm C
bài liên quan đọc nhiều
- Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật IV Mùa Chay - năm A
-
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 1 mùa Vọng năm B -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật 6 Thường niên - năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật III Mùa Chay - năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật V Phục Sinh - năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật 5 Thường niên - năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 3 Phục sinh năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 30 Thường niên năm A -
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật 3 mùa Vọng năm B -
Phụng vụ Lời Chúa: Lễ Mình Máu Thánh Chúa năm B