Bài giảng Chúa Nhật: Chúa Nhật 2 Mùa Chay - Năm A
“Ðây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Ngài.
Các ngươi hãy vâng nghe lời Ngài!” (Mt 17,5)
Thánh lễ Chúa Nhật hôm nay có nhiều tên gọi: Người thì gọi là Chúa Nhật Chúa biến hình. Người thì gọi là Chúa nhật Chúa hiển dung. Gọi là Chúa nhật Chúa biến hình hay Chúa nhật Chúa hiển dung...đàng nào cũng có lý.
Riêng đối với tôi, tôi thích gọi là Chúa nhật Chúa biến hình và hiển dung. Hơi tham lam một chút nhưng gọi như thế mới lột hết được nội dung của biến cố Chúa thực hiện trước mặt các môn đệ rất thân tín của Chúa hôm nay.
A. Sự kiện
1- Việc Chúa biến hình và hiển dung hôm nay là một việc quan trọng. Việc này được cả ba Tin mừng nhất lãm tức là Tin mừng Thánh Matthêu, Thánh Marco và thánh Luca ghi lại. Câu chuyện này xảy ra 6 ngày sau khi Phêrô long trọng tuyên xưng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa. Điều đáng chú ý là ngay sau đó, lần đầu tiên Chúa báo trước cho các môn đệ của Ngài biết là Ngài sẽ bị bắt, bị tra tấn và cuối cùng sẽ phải chịu chết.
Lời loan báo của Chúa làm các tông đồ choáng váng. Phêrô không chịu nổi trước lời loan báo đó nên ông đã công khai lên tiếng can ngăn. Phêrô tưởng làm như thế là làm vui lòng Thầy. Có ngờ đâu là lại bị Chúa quở mắng cho một trận thậm tệ. Chúa bảo Phêrô là đồ Satan. Chúa đuổi Phêrô cút xa cho khỏi mắt Ngài. Và có lẽ vì muốn cho các môn đệ không phải quá thất vọng về mình nên Chúa đã thực hiện cuộc biến hình và hiển dung hôm nay.
Khi chú giải về đoạn Tin Mừng hôm nay, SGLM số 568 đã viết như sau: "Cuộc Hiển Dung của Chúa Ki-tô nhằm mục đích củng cố đức tin của các tông đồ trước cuộc khổ nạn: việc leo lên "núi cao" chuẩn bị việc leo lên Núi Sọ. Đức Ki-tô, Đầu của Hội Thánh, bày tỏ "niềm hy vọng đạt tới vinh quang" mà Thân Thể Người ấp ủ và chiếu tỏa qua các bí tích (Cl 1,27) (x. T. Lê-ô cả, bài giảng 51,3).
2. Vâng sự việc Chúa biến hình và hiển dung như thế nào thì bài Tin Mừng hôm nay đã cho chúng ta biết.
Sau này khi nhớ lại câu chuyện ông đã từng được chứng kiến, Phêrô đã viết như thế này: "Khi chúng tôi nói cho anh em biết quyền năng và cuộc quang lâm của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, thì không phải chúng tôi dựa theo những chuyện hoang đường được thêu dệt một cách khéo léo, nhưng là vì chúng tôi đã được thấy tận mắt vẻ uy phong lẫm liệt của Người..”.(2P1,16-17)
Vâng! Cuộc biến hình và hiển dung của Chúa đã làm cho các môn đệ vững tin hơn. Tuy nhiên niềm tin ấy còn phải được củng cố thêm bằng biến cố Phục sinh. Chỉ sau biến cố Phục sinh và được Chúa Thánh Thần biến đổi, các tông đồ mới trở thành những người hoàn toàn thuộc về Chúa.
B. Bài học
Thử hỏi câu chuyện hôm nay sẽ đem lại cho chúng ta bài học gì ? Có nhiều bài học nhưng ở đây tôi chỉ muốn nói đến sự biến hình.
* Có loại biến hình làm cho chúng ta phải sợ.
Các người Thổ Nhĩ Kỳ thường kể lại cho nhau câu chuyện sau:
Một chàng trai trẻ kia, con của một gia đình giàu có, danh giá, sống buông thả với đủ loại tật xấu, đặc biệt là cờ bạc, cha mẹ đã làm đủ mọi cách để giáo dục anh, nhưng không thành. Ngày kia, có một người đến khuyên ông bố rằng:
- Hãy tụ tập 80 người trẻ tốt lại và để cho học sống chung với chàng trai trẻ xấu nết kia. Gương sáng của họ rồi sẽ gây ảnh hưởng mạnh đến anh ta, và chẳng bao lâu đâu anh ta sẽ từ bỏ tật xấu để trở thành người mẫu mực:
Người Cha rất hài lòng với lời khuyên này. Ông cho đi tìm ở khắp nơi đủ 80 người anh em trẻ tốt lành và hứa sẽ trọng thưởng cho họ, nếu họ cộng tác giúp con ông.
Ông để cho 80 người này sống chung với con ông trong một ngôi nhà tách biệt, không ai khác được vào. Các bữa ăn được bên ngoài phụ giúp đưa vô...
Sau 80 ngày, người ta mở cửa ra xem cái gì đã xảy ra, người ta nhìn thấy cậu con trai ông chủ ngồi chơi bài, chung quanh cậu, 80 cậu con trai nhà lành kia cũng đang mê đánh bài không kém gì cậu ta! Sự nghiêm chỉnh của 80 cậu kia không làm ảnh hưởng gì trên chàng trai nọ; mà ngược lại, chính họ đã tiêm nhiễm tật xấu của anh ta!
Dowlan Hin, một nhà giảng thuyết trứ danh, trong một bài giáng đã kể câu chuyện như sau: ngày nọ, tôi xuống phố, thấy một bầy heo chạy theo một người. Tôi thấy lạ nên để ý xem. Lạ hơn nữa là bầy heo theo người đó vào lò sát sinh! Tôi thắc mắc hỏi người đó làm cách nào mà dụ dỗ được bầy heo tài tình như vậy ? Ông đáp:
- Ngài không thấy đó sao ? Tôi mang theo rổ đậu, thỉnh thoảng vãi mấy hạt đậu xuống đường. Thế là bầy heo tham ăn cứ chạy theo. . .Rồi ngài giảng tiếp:
Tôi nghĩ ma quỉ cũng áp dụng chiến thuật đó. Nó mang theo rổ đậu, rải trên đường trần và đám đông xô nhau chạy theo, đến tận lò sát sinh vĩnh hằng.
Có lẽ đây là một câu chuyện của thời đại của chúng ta. Những bậc làm cha làm mẹ, những nhà giáo dục và đạo đức hôm nay đang hết sức lo lắng cho đời sống của con cái mình.
Lý do là vì thời đại hôm nay có nhiều cám dỗ quá. Mà cám dỗ nào cũng nguy hiểm, nguy hiểm là hôm nay giới trẻ không thấy được mối nguy hiểm đó và sẵn sàng bước chân vào!
Chú chim sơn ca, đang thanh thản bay trên bầu trời cao, chợt trông thấy bên dưới một vật nhỏ di chuyển chầm chậm theo lối đi trong vườn. Hơi tò mò một chút, nó bay xuống thấp hơn để nhìn cho rõ. Đó là con mèo đẩy chiếc xe cút-kít và rao liên hồi: “Sâu non bán đây! Sâu non bán đây!”.
Thích thú, nó đáp xuống bên đường, nhưng ở một khoảng cách an toàn, và hỏi giá bao nhiêu một con sâu.
Mèo vồn vã nói:
- Ba con sâu béo đổi một chiếc lông cánh của bạn
Họa mi nghĩ: “Sao mà hồi dữ vậy, chỉ rút một chiếc lông cánh mà được thưởng thức tới ba con sâu ngon lành.
Thế rồi nó cất cánh bay lên lượn một vòng... nhưng tư tưởng về mấy con sâu béo ngậy lại kéo nó xuống gần chiếc xe hơn. Lần này nó đánh bạo đổi hai chiếc lông cánh, rồi cứ thế đổi hai chiếc nữa, hai chiếc nữa... và nhiều lần như vậy.
Nhưng con mèo tinh ranh đang quan sát nhất cử nhất động của họa mi. Bất ngờ, nó vung tay chộp ngay cánh, họa mi không thể thoát khỏi móng vuốt của nó… và mất mạng trong khu vườn… nơi mà cơn cám dỗ không cưỡng lại được.
* Và có những việc biến hình làm cho chúng ta mong ước.
Trong biến cố hôm nay Chúa đã làm biến đi tất cả những gì thuộc về con người trần thế của Ngài để cho sau đó hình ảnh về Thiên Chúa nơi Ngài sau đó được hiển lộ ra.
Cuộc đời của một người Kitô hữu trên con đường tiến về nhà cha trên trời cũng phải tương tự như thế. Mỗi ngày sống trên trần thế này là mỗi một cuộc lột xác biến hình và hiển dung.
Trong lịch sử danh nhân thế giới còn ghi lại câu chuyện này:
Một buổi sáng kia vào năm 300 trước Chúa giáng sinh, nhà hiền triết Bolena đang chơi giải trí với các sinh viên trước hàn lâm viện thành Athenè, thủ đô Hy Lạp, thì có một người đàn ông đến, tự giới thiệu là thầy tướng thời danh. Bấy giờ các sinh viên đề nghị ông xem tướng thầy mình là hiền triết Bolena. Ông thầy tướng nhìn nhà hiền triết Bolena một lát, rồi nói ngay: “Giáo sư của các anh chỉ là một con người “Mũi dòm miệng”, tức là con người chỉ biết nhậu nhẹt, say xỉn.
Nghe thế các sinh viên nóng ruột tức tối, định xông vào ông thày tướng dám nói ẩu cho ông ta một trận. Nhưng nhà hiền triết Bolena đã can ngăn họ bằng những lời như thế này:
- Này các trò, ông thầy tướng này giỏi thật đấy! Ông đã coi tướng thầy rất trúng. Khi còn trẻ, chính thầy là một thanh niên “mũi dòm miệng” nên lần kia, sau khi đã nhậu nhẹt say sỉn, thầy đã đến Hàn Lâm Viện này, để nhạo báng các sinh viên bằng những cử chỉ và lời nói thiếu lễ độ. Bấy giờ giáo sư là hiền triết Socrate rất bình tĩnh, bỏ ngay vấn đề đang nói, mà bàn ngay tới vấn đề đức tính và tiết độ, làm cho con người có giá trị, đáng được trọng kính. Nhưng lời giảng dạy trên đây, đã giáo dục thầy, đã làm cho thầy bỏ được tính mê nết xấu, và luyện tập đức tính nên ngày nay, thầy mới trở nên con người ích lợi cho xã hội và đất nước như thế này.
Chúng ta hãy nhớ. Thiên Chúa đã dựng nên chúng ta giống hình ảnh của Người. Nhưng rồi thế gian xác thịt đã làm cho hình ảnh tốt đẹp đó phai mờ đi. Xin Chúa giúp mỗi người chúng ta can đảm xây dựng lại hình ảnh tốt đẹp ban đầu để khi Chu1qa nhìn vào chúng ta, Chúa thấy chúng ta thật là hình ảnh của Người.
bài liên quan mới nhất
- Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật Lễ Hiển Linh
-
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật Lễ Thánh Gia năm C -
Bài giảng: Lễ Giáng Sinh (+video) -
Lễ Chúa Giáng Sinh (Lễ Đêm) -
Lễ Chúa Giáng Sinh: Lễ Rạng Đông (+video) -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 4 mùa Vọng năm C -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 3 mùa Vọng năm C -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 2 mùa Vọng năm C -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 1 mùa Vọng năm C -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 34 Thường niên năm B - Chúa Kitô Vua
bài liên quan đọc nhiều
- Bài giảng: Lễ Giáng Sinh (+video)
-
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 14 Thường niên năm A -
Bài giảng Chúa Nhật: Đức Mẹ dâng Chúa Giêsu vào Đền Thánh -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 29 Thường niên năm A - Khánh nhật truyền giáo -
Bài giảng Chúa Nhật: Chúa Nhật 5 Thường Niên - Năm A -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 20 Thường niên năm A -
Bài giảng Chúa Nhật: Chúa Nhật 5 Mùa Chay - Năm A -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 34 Thường niên năm C - Lễ Chúa Giêsu Kitô Vua Vũ Trụ -
Bài giảng Chúa nhật: Lễ Đức Mẹ Mân Côi -
Bài giảng Chúa Nhật: Chúa Nhật 6 Thường Niên - Năm A