Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 20 Thường niên năm A

Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 20 Thường niên năm A

Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 20 Thường niên năm A

Mt 15,21-28

“Này bà, lòng tin của bà mạnh thật. Bà muốn sao thì sẽ được vậy.” (Mt 15,28)

Đọc câu chuyện hôm nay, tự nhiên tôi cảm thấy bị “cám dỗ” nhớ lại câu chuyện trong Bài Tin Mừng Chúa nhật tuần vừa qua. Anh chị em còn nhớ: Trong câu chuyện bài Tin Mừng tuần vừa qua, Phêrô bị Chúa quở làKẻ yếu lòng tin. Thật là lạ. Một người theo Chúa suốt mấy năm trời và sau này lại được Chúa đặt làm rường cột Giáo Hội vậy mà bị Chúa chê là yếu lòng tin, còn người đàn bà xứ Canaan, là một người ngoại, một người không có đạo, Chúa lại khen là có một đức tin mạnh. Vậy thì qua câu chuyện chúng ta vừa nghe, chúng ta thử xem xem đâu là những yếu tố làm cho Đức tin mạnh.

 A. Khi nói tới Đức tin thì thường người ta không thể bỏ qua được khía cạnh phiêu lưu hay liều lĩnh của nó. Trong Đức tin thường bao giờ cũng có một chút phiêu lưu liều lĩnh nào đó.

 Đức Thánh Cha Gioan Phaolo I trong lá thư viết cho thi sĩ Trilussa có trích lại một câu chuyện của chính tác giả để cắt nghĩa cho ông này biết thế nào là Đức tin của người công giáo. Như chính ông kể thì một hôm ông bị lạc giữa một khu rừng ban đêm. Giữa lúc ông đang cố tìm đường để đi ra thì ông gặp một bà cụ già. Bà bị mù từ lâu. Bà sinh sống gần khu rừng này. Sau khi nghe người đàn ông kể về truyện đi lạc của ông, thì bà cụ già nói với ông:

 - Nếu ông không biết đường, tôi sẽ đưa ông đi vì tôi thuộc đường.

Ông ngạc nhiên đáp:

- Tôi lấy làm lạ, bà không thấy gì cả thì làm sao bà có thể dẫn đường cho tôi ?

Bà lão ngắt lời, nắm lấy tay ông và ra lệnh:

- Tiến bước!.

 Và Ngài kết luận: Đó là đức tin. Ngài cắt nghĩa thêm: “Cuộc hành trình Đức tin là một cuộc hành trình đôi khi rất gian nan, nếu không nói là bi đát và bao giờ cũng mầu nhiệm”

 Trong câu chuyện mà Tin Mừng kể cho chúng ta, ta thấy người đàn bà xứ Canaan quả thật là một người đàn bà liều lĩnh.

 * Trước hết, bà không phải là người Do thái mà lại dám đến với những người Do thái. Chúng ta biết là người Do thái rất khinh bỉ những người ngoại giáo. Họ coi những người ngoại giáo như những con chó. Chính Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay lúc đầu cũng muốn đứng trên cương vị của một người Do Thái để nói truyện với Bà. “Không nên lấy bánh của con cái mà cho con chó”(Mt 15,26)

 * Tiếp theo là bà không phải chỉ gặp một mình Chúa Giêsu mà bên cạnh Chúa Giêsu còn cả một đoàn các tông đồ mà các tông đồ này thì bà dư biết là không có một chút cảm tình gì với bà.

 * Thứ ba là bà dám đặt một hy vọng thật lớn vào Chúa Giêsu. Vấn đề bà xin với Chúa không phải là vấn đề nằm trong phạm vi của con người. Nó đã chuyển sang một lãnh vực khác: lãnh vực của ma quỉ. Qua cung cách bà đối thoại với Chúa ta thấy bà không có một chút nghi ngờ gì về quyền năng của Chúa và quả thực Chúa đã không để cho bà phải thất vọng.

B. Thêm vào đó theo câu chuyện, chúng ta cũng còn thấy được một khía cạnh khác của một niềm tin mạnh. Đó là một đức tin có kinh qua thử thách. Châm ngôn Việt nam của chúng ta có một câu rất hay: “Lửa thử vàng, gian nan thử đức”.

 * Người đàn bà trong bài Tin Mừng hôm nay quả thực đã bị thử thách thật nặng nề. Nếu bà đã không kiên trì trong thử thách và can đảm chấp nhận cả những điều xem ra có vẻ xúc phạm tới phẩm giá cá nhân cũng như danh dự của cả dân tộc mình thì chắc là đã không có phép lạ.

 * Bình thường mà nói thì thái độ của Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay thật là khó hiểu. Một Chúa Giêsu rất hiền lành và nhân từ mà lại quá lạnh nhạt với một người đàn bà đang ở trong một tình trạng thật đau thương như thế, xét theo cách cư xử thông thường của một con người thì quả là một việc thiếu tế nhị nếu không phải là một việc làm bất nhân.

 * Ở đây chúng ta phải đặt vào địa vị của Chúa. Chúa muốn dùng biến cố này để dạy cho các tông đồ của Chúa một bài học để sau này khi Chúa về trời lúc các Ngài phải tiếp tục công việc Phúc âm hóa các dân tộc thì các Ngài cũng phải có một cái nhìn giống như Chúa đối với anh em lương dân. Bài học đó là: Cả những người mà người Do thái coi là lương dân và khinh thường họ như những loài “chó má” cũng được Chúa thi ân giáng phúc miễn là họ có lòng tin vào Chúa. Chính vì lý do đó mà Chúa đã thử thách người đàn bà này thật nặng để qua đó các ông thấy được Đức tin của Bà.

 - Lúc dầu khi mới đến với Chúa bà đã hết sức khiêm nhường. Phải nói là bà còn hết sức tế nhị nữa. Bằng chứng là bà đã phải học cách cư xử của người Do thái để khi đến gặp Chúa thì biết cách ăn nói với Chúa như một người Do thái. Vừa giáp mặt với Chúa, bà đã cúi đầu xin thưa: “Lạy Ngài là con Vua Đavit, xin thương xót tôi”(Mt 15,22)

 - Và rồi sau đó thì chúng ta thấy... bà càng tha thiết bao nhiêu thì xem ra Chúa lại càng lạnh nhạt hững hờ bấy nhiêu. Thậm chí Chúa đã sử dụng cả đến những từ ngữ dường như muốn chọc tức lòng tự ái của Bà. Thế nhưng xem ra Chúa càng như cố ý chọc giận bà bao nhiêu thì bà lại càng khiêm nhường hơn bấy nhiêu. Và chính ở điểm này mà bà đã “thắng” Chúa. Chúa đã khen bà có một đức tin mạnh.

 C - Chúa khen bà cũng phải bởi chính chúng ta khi đọc lại câu chuyện này chúng ta cũng cảm thấy bà xứng đáng được khen như thế. Ngoài ra chúng ta còn cảm thấy phải vui với bà vì bà đã thành công trên con đường đi tìm sự giải phóng cho người con gái của bà. Chính đức tin của Bà đã cứu chữa người con đó. Chúa đã xác nhận thật rõ điều đó, để rồi đến lượt chúng ta, chúng ta cũng phải làm một điều gì đó cho anh em của chúng ta.

Vâng! Chúng ta cũng có thể làm nên những phép lạ bằng đời sống Đức tin của chúng ta.

Xin được kết thúc bằng lời cầu nguyện của Mẹ Têrêsa

Lạy Chúa,

xin ban cho chúng con ánh sáng đức tin

để nhận ra Chúa hôm nay và hằng ngày,

nơi khuôn mặt khốn khổ

của tất cả những người bị thử thách:

những kẻ đói không chỉ vì thiếu của ăn,

nhưng vì thiếu Lời Chúa;

những kẻ khát, không chỉ vì thiếu nước,

nhưng còn vì thiếu sự bình an, sự thật,

công bằng và tình thương;

những kẻ vô gia cư,

không chỉ tìm kiếm một mái nhà,

nhưng còn tìm trái tim hiểu biết, yêu thương; những kẻ bệnh hoạn và hấp hối,

không chỉ trong thân xác,

nhưng cả trong tinh thần,

bằng cách thực thi lời hy vọng này:

“Điều các con làm cho

người bé mọn nhất trong anh em

là các con làm cho chính Ta”.

Amen.

Top