Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 34 Thường niên năm B - Chúa Kitô Vua

Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 34 Thường niên năm B - Chúa Kitô Vua

Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 34 Thường niên năm B - Chúa Kitô Vua

Ga 18,33-37

Hôm nay là Chúa nhật cuối cùng của năm Phụng Vụ. Giáo Hội cho chúng ta mừng lễ Chúa Kitô Vua.

1. Hầu như trong cả cuộc đời của Chúa, ngoài một lần duy nhất Chúa được đối xử như một vị Vua lúc Chúa giáng sinh, khi các nhà đạo sĩ tìm đến bái thờ, còn ngoài ra thì Ngài sống như một người bình thường.

Thế nhưng vào những ngày cuối cùng trên trần thế cuộc sống của Chúa có thật nhiều đổi thay.

a/ Lúc vào Thành Giêrusalem một cách long trọng, Ngài để cho dân chúng tung hô Ngài như một ông Vua.

b/ Rồi trong cuộc đối đầu với Philatô, đại diện cho quyền lực của cả Đế quốc Roma lúc đó, Chúa đã không một chút ngần ngại để xác nhận một sự thật khi Philatô hỏi Chúa: “Ông là Vua sao?” Chúa trả lời một cách dứt khoát, không một chút ngại ngùng: “Quan nói đúng: tôi là Vua”

c/ Chưa hết trong cuộc xét xử Chúa, khi được bà vợ báo tin cho biết Chúa là người vô tội, Philatô đã muốn tìm cách cứu Chúa Giêsu. Ông đã làm cho Chúa ra tiều tuỵ bằng những trận đòn ông cho lính hành hạ Chúa, rồi ông đưa Chúa ra trình diện với người Do thái: “Đây là Vua các ngươi”. Quả thực là Philatô đã muốn cứu Chúa nhưng sự việc lại không diễn ra như ông mong mỏi.

d/ Và cuối cùng như chúng ta đã thấy, khi Chúa bị treo ở trên Thập giá, chính Philatô đã truyền viết và gắn một tấm bảng thật lớn để mọi người có thể nhìn thấy trên đầu cây Thập giá của Chúa. Tấm bảng với dòng chữ rất rõ như thế này: “Giêsu Nagiareth, Vua dân Do thái”

2. Vâng, quả thực Chúa là Vua như Chúa đã xác nhận. Thế lực của trần gian cũng xác nhận, nhưng phải hiểu nội dung lời tuyên bố của Chúa và lời tuyên xưng của trần thế như thế nào? Rõ ràng là Chúa là Vua nhưng cuộc sống của Chúa và cách cai trị của Chúa chẳng giống với bất cứ một ông Vua nào trên trần thế này cả.

a- Nói đến Vua, người ta thường liên tưởng đến một người có uy quyền. Uy quyền đó thường do hai cách: hoặc là tự mình cướp được hay là do người khác ủy cho. Thí dụ như các vua Do thái vào thời của Chúa Giêsu đều là những người đã được các Vua Roma phong cho.

Với Chúa Giêsu thì không như thế. Trước khi về trời Chúa đã long trọng tuyên bố với các môn đệ của Ngài: “Mọi quyền trên trời dưới đất đã được ban cho Thầy” (Mt 28,18). Đây là uy quyền tuyệt đối dù cửa hỏa ngục cũng không thắng được.

b- Tiếp theo khi nói đến Vua thì người ta thường liên tưởng đến một lãnh thổ nơi mà Vua cai trị. Lãnh thổ của một ông vua trên trần thế thường là một không gian có biên giới, có bờ cõi, trong đó thần dân của vua sinh sống.

Đối với Chúa thì không như thế. Chúa nói thẳng với Philatô: “Nước tôi không thuộc về thế gian này” Chúa không muốn uy quyền của Chúa bị đóng khung trong một thứ không gian nhỏ bé ở trên đất này. Vương quốc của Ngài là vương quốc của sự thật, của sự sống, của sự thánh thiện, của công chính, yêu thương và an bình. Vương quốc đó vượt xa mọi thứ vương quốc chóng tàn và mau qua ở dưới trần gian

c- Khi nghĩ đến một ông vua thường chúng ta cũng còn liên tưởng đến đường lối mà vua thường dùng để cai trị cũng như những phương thức ông dùng để chinh phục và mở mang bờ cõi cho vương quốc của ông.

Còn Chúa Giêsu thì không như thế. Ngài không đến để thống trị, nhưng để phục vụ. Chúa nói với  các môn đệ của Ngài: “Ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em. Ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ” (Mt 20,26-27). Chính Ngài cũng đã làm như thế: “Con người đến không phải để được người ta phục vụ nhưng là để phục vụ và hiến mạng sống làm giá cứu chuộc muôn người “ (Mt 20,28). Vào những giờ phút chót trong cuộc đời trần thế của Người, Người đã cúi xuống rửa chân cho các môn đệ. Và Chúa khuyên các môn đệ cũng hãy bắt chước mà làm như thế (Ga 13,12-18)

d - Cuối cùng khi nói đến những ông vua, chúng ta còn hay liên tưởng đến một cuộc sống giàu có và sang trọng của họ. Họ thường sống cách ly với mọi người nhất là những người nghèo khổ. Rất ít khi có một vị vua biết sống gần gũi với dân. Trong một cuộc nói chuyện với dân, Chúa Giêsu đã đưa ra một nhận xét rất hay. Chúa bảo: “Những kẻ áo quần lộng lẫy, đời sống xa hoa thì ở trong cung điện” (Lc 7,25). Ở trong cung điện, sang trọng và kín cửa cao tường.

Còn Chúa thì không như thế. Ngài đã từng tuyên bố: “Con chim có tổ, con chồn có hang nhưng con người không có chỗ tựa đầu”. Cả cuộc đời công khai hầu như chỉ là cuộc sống ở ngoài đường. Người ở giữa dân của Người. Không nhà cao cửa rộng. Không lụa là gấm vóc, không cao lương mỹ vị. Người bước những bước đi với dân của Người. Người chia sẻ với dân từng miếng cơm manh áo. Bệnh tật Người chữa cho lành. Què quặt Người làm cho đứng dậy mà di. Mù loà Người cho được nhìn thấy. Sa đọa Người vực dậy. Tội lỗi Người tìm cách để được trở về đường ngay nẻo chính. Cây lau bị giập Người không nỡ bẻ gãy. Tim đèn còn khói người không nỡ dập tắt đi. Người làm tất cả những điều đó chỉ  vì lòng yêu thương. Người yêu thương dân như yêu thương chính mình. Chẳng có một ông Vua nào trên trần thế này làm được như thế.

3. Bây giờ đến lượt chúng ta kính thưa anh chị em. Chúng ta phải làm gì để xứng đáng với danh nghĩa là thần dân của Vua Giêsu.

Trong một cuộc thi hùng biện hồi còn là một học sinh, Lý quang Diệu người đã làm nên những “phép lạ” biến hòn đảo Singapore trở thành một trong những con rồng ở Châu Á, đã nói với các bạn của ông bằng những lời như thế này: “Thưa các bạn, cha mẹ cho chúng ta cuộc sống nhưng chúng ta sống vì mục đích gì?. Câu hỏi đó không phải là dễ đối với nhiều người. Có người trả lời: tôi sống vì tiền của và mong trở thành một thương gia cự phách. Có người vì địa vị quyền uy mà phấn đấu. Mục tiêu cuối cùng của tôi là đại quan. Có người nỗ lực cho những gì mình ưa thích để sau này sẽ là nhà khoa học, nhà văn, nhà giáo, kỹ sư, bác sĩ v.v.. Tôi không hề hoài nghi là sự lựa chọn của họ có điều gì không thỏa đáng nhưng tôi nghĩ rằng trong lúc bươn chải cho những hoài bão lớn lao đó, họ đã thiếu vắng một linh hồn cao thượng đó là CHÂN LÝ.

Sau đó ông lại tới Tân Ước để giúp cho những người nghe biết giá trị chân lý là gì. Ông nói tiếp: “Bạn hãy mở lại chương thứ 18 Phúc Âm thánh Gioan của Kinh Thánh Tân Ước mà xem” Trong chương này Chúa Giêsu Chúa của chúng ta đã nói về chân lý nhưng những người trong cuộc hầu như chẳng ai hiểu được chân lý là gì kể cả con người có quyền uy vào hạng tuyệt đối trên đất nước Do thái lúc đó tức là Philatô, đại diện cho uy quyền của cả một đế quốc rộng lớn bao la. Muốn hiểu được chân lý con người phải có một cái tâm trong sáng, phải có một cái nhìn không bị vẩn đục bởi những giá trị phàm trần.

Rồi ông dõng dạc nhấn mạnh từng tiếng để kết thúc bài diễn thuyết của ông. Ông nói:Dũng cảm đi tìm chân lý là thiên chức của con người. Người bạn vĩ đại nhất của chân lý là thời gian. Kẻ thù ác độc nhất của chân lý là thiên kiến và khiêm tốn chính là người tình vĩnh hằng nhất của nó. Các bạn đồng học thân mến! Hãy sống vì chân lý. Trên đường đời muôn dặm hãy luôn tìm đến chân lý, nghiên cứu chân lý và cống hiến cho chân lý”

Những lời này tự nhiên làm cho tôi liên tưởng đến những lời của Chúa Giêsu: “Chân lý sẽ giải phóng anh em” “Ai thuộc về chân lý thì nghe tiếng của tôi”

“Trên đường đời muôn dặm hãy luôn tìm đến chân lý, nghiên cứu chân lý và cống hiến cho chân lý. Hãy sống vì chân lý.”

Và tôi lại nhớ tới một lời dạy khác của Chúa Giêsu. Chúa nói với các môn đệ: “Thầy là đường, là chân lý và là sự sống” Và tôi muốn thay đổi một chút lời kết thúc bài diễn văn của Ông Lý quang Diệu

“Trên đường đời muôn dặm hãy luôn đi tìm Chúa Giêsu, nghiên cứu những lời dạy của Người và cống hiến cuộc đời làm nhân chứng cho Người. Hãy sống cho Chúa Giêsu và vì Chúa Giêsu” Làm được như thế chúng ta sẽ xứng đáng là thần dân của Người .Amen.

Top