Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 2 mùa Vọng năm C
Lc 3,1-6
“Có tiếng người hô trong hoang địa:
hãy dọn sẵn con đường của Ðức Chúa,
sửa lối cho thẳng để Người đi”. (Lc 3,4)
Kính thưa anh chị em.
Lại một lần nữa, chúng ta được nghe một đoạn Tin Mừng của Thánh Sử Luca.
Tin Mừng chúng ta vừa nghe gồm 3 ý :
1. Ý số một: Thánh Luca muốn cho mọi người thấy Đức Giêsu là một nhân vật có thật trong lịch sử.
Chính vì thế mà Luca liệt kê ra những nhân vật lịch sử đang hành quyền lúc Gioan Tẩy giả bắt đầu rao giảng. Trong số những nhân vật ấy,
- Có những người đang nắm quyền thuộc lãnh vực chính trị, như Hoàng đế Tibêriô, Tổng trấn Phongxiô Philatô, các Tiểu vương Hêrôđê, Philípphê, Lyxania.
- Có những người đang nắm quyền thuộc lãnh vực tôn giáo, như các thượng tế Khanna và Caipha.
Lãnh địa mà họ đang hành quyền vừa là phần đất Do thái (như Giuđêa, Galilêa), vừa là phần đất lương dân (như Iturê, Trakhônít, Abilên).
2. Ý thứ 2: Khi kê khai ra những nhân vật đang cầm quyền vừa trong lãnh vực tôn giáo lẫn lãnh vực chính trị, vừa ở đất Do thái vừa ở đất lương dân, Thánh Luca còn muốn nói Đức Giêsu là Đấng Cứu Độ phổ quát, chẳng những cho người Do thái mà còn cho mọi dân tộc. Thiên Chúa là Chúa của mọi người, mọi dân tộc chứ không phải là Chúa của riêng ai, hay của một dân tộc nào.
Một thi sĩ nọ đã sáng tác một bài thơ để giúp chúng ta tránh những tư tưởng ích kỷ trong lúc đọc kinh Lạy Cha như sau:
"Bạn không thể đọc Kinh Lạy Cha
Nếu chỉ một lần bạn nghĩ là "của tôi"
Bạn không thể đọc Kinh Lạy Cha
Nếu chỉ một lần bạn nghĩ là "cho tôi"
Bạn cũng không thể đọc Kinh Lạy Cha
Nếu không cầu cho kẻ khác".
Khi chúng ta xin lương thực hằng ngày chúng ta phải hiểu là "cho mọi người". Bởi lẽ mọi người đều có mặt trong mỗi một và trong tất cả câu kinh. Từ chữ đầu cho đến chữ cuối, không một chữ nào mang chữ "tôi".
Anthony de Mello, S.J.kể lại rằng:
Một Kitô hữu nọ đến thăm một vị thiền sư và nói với vị ấy rằng:
- Xin Ngài cho phép tôi đọc cho Ngài nghe bài giảng trên núi.
Vị thiền sư trả lời:
- Rất hân hạnh được nghe ngài.
Người Kitô hữu đọc được một câu. Vị thiền sư mỉm cười bảo:
- Người tuyên bố những lời này đúng là kẻ đã giác ngộ.
Thích thú, người Kitô hữu đọc tiếp. Vị thiền sư ngắt lời và nói:
- Lời này phải là của một Đấng cứu chuộc thiên hạ.
3. Ý thứ 3: Gioan Tẩy giả chính là kẻ Tiền Hô dọn đường cho Chúa.
Vâng! Gioan được kêu gọi “trong sa mạc”, nghĩa là trong một khung cảnh thinh lặng. Và ông cũng lại lên tiếng trong sa mạc.
“Tiếng của người hô trong sa mạc: Hãy dọn đường Chúa, hãy bạt lối Người đi” (Mt. 3,3)
Tại sao tiếng hô lại được cất lên trong sa mạc chứ không phải là thành thị, phố xá hay phòng trà, chợ búa, nơi người ta đang quây quần đông đúc hay đang vui chơi tội lỗi? Tiếng hô phải được cất lên chính những nơi này mới có người nghe, mới mong có kẻ quay đầu qui chánh, sửa đường bạt lối, làm nên nẻo chính đường ngay cho Đấng Thiên Sai chứ!
Lạ lùng thật! Gioan sống trong sa mạc và tiếng hô của ông cũng lại vang lên giữa vùng hoang vắng.
Không biết chốn trời không mông quạnh thế kia thì tiếng hô được mấy ai chú ý. Tiếng hô vang, vang lên mãi... Nhưng trong nơi trống vắng thì ai nghe cho!
Phải chăng Gioan đã hô lên cho chính mình ông nghe?
Quả đúng như vậy. Trước khi lời kêu gọi: “Hãy dọn đường Chúa, hãy bạt lối Người đi” đến được với mọi người thì trước tiên lời đó phải đến với chính Gioan trước.
Chính nhờ biết hô với chính mình trước hết nên Gioan đã có sức lôi kéo từng đoàn người từ khắp xứ Giuđê đến với ông, để nghe tiếng ông hô, và chịu làm theo lời ông răn dạy. Chính nhờ biết hô cho chính mình mà tiếng hô của Gioan đã vang đến tận khắp các vùng Giêrusalem, xâm nhập tới cõi lòng của bao kẻ sa đọa khô khan.
Không phải chỉ sau khi nghe tiếng hô của Gioan mới bắt đầu có người ăn năn hối cải, chịu thanh tẩy để dọn đường cho Chúa đến. Đúng hơn, từ hoang vắng của sa mạc và trong nơi tịch liêu của cõi lòng, Gioan đã nghe tiếng hô phát ra: “Hãy dọn đường cho Chúa đến”. Lời đó vang đi dội lại trong lòng ông, thúc bách ông nối dài tiếng hô bằng cách ra đi “dọn lòng người cho Chúa đến.”
Cho nên, Gioan chính là người đã dọn đường lòng mình trước nhất. Vì biết lắng nghe những điều mình hô, nên tiếng hô của mình mới có người đáp lại. Sự lắng nghe không chỉ bằng thính giác, nhưng còn bằng tâm hồn. Và từ tâm hồn mới phát sinh những thái độ sống. Một đứa trẻ “biết nghe” không nhất thiết phải là một đứa trẻ có thính giác tốt, nhưng là một đứa trẻ biết ghi tâm lời nói của bố mẹ, thầy cô, và mang ra thực hành.
Thomas Merton đã từng nhận xét:
“Nếu đời ta cứ phun ra những lời vô ích
Chẳng bao giờ ta nghe được bất cứ điều gì,
Chẳng bao giờ ta thấy bất cứ điều gì,
Chẳng bao giờ ta trở nên bất cứ cái gì.
Thế rồi,
Vì cứ nói mãi trước khi có cái gì để nói,
Ta trở thành người không biết nói.”
Không biết nói hoặc nói điều vô ích mà cứ bắt người khác lắng nghe thì chỉ tạo nên những cực hình, phản kháng.
Nhiều gia đình bất an, nhiều cộng đoàn bất thuận, nhiều quốc gia bất hoà chỉ vì có kẻ không biết nói. Nguyên do là thiếu lắng nghe, sự lắng nghe của tâm hồn. Tâm hồn không nghe được vì còn ngổn ngang đây đó nhiều chướng ngại của tự ái, ích kỷ, kiêu căng, tự mãn... Nói tới đây tôi nhớ một câu chuyện. Câu chuyện có liên quan tới một nhân vật lịch sử rất quen thuộc với nhiều người. Đó là ông Gandhi.
Mahatma Gandhi là một vị lãnh tụ chính trị chủ trương bất bạo động, do vậy ông được mọi người dân Ấn-Độ rất tin cậy quý mến trong mọi việc lớn nhỏ. Một hôm, có một bà mẹ dắt một bé gái đến, khẩn nài Gandhi thuyết phục con bà chừa bỏ tật xấu ăn quá nhiều kẹo. Gandhi trầm ngâm hồi lâu rồi bảo:
- Thế này nhé, tôi xin hẹn 3 tuần nữa bà đưa cháu bé trở lại đây, tôi sẽ nói chuyện với cháu...
Ba tuần sau, người mẹ đưa con trở lại. Lần này Gandhi gọi bé gái đến bên cạnh và ôn tồn giải thích cho em về những tai hại của thói quen ăn quá nhiều chất ngọt như kẹo bánh. Em bé gật đầu hiểu ra và hứa sẽ chừa bỏ. Bà mẹ mừng rỡ, rối rít cám ơn Gandhi, nhưng bà cũng không quên thắc mắc:
- Thưa ngài, sao ngài không bảo ngay cho cháu cũng những lời khuyên quý báu ấy cách đây 3 tuần?
Gandhi khiêm tốn thú nhận
- Cách đây 3 tuần ư? Lúc ấy chính tôi cũng còn đang mắc phải tật xấu ăn quá nhiều đồ ngọt...”
Gandhi đã ý thức thật rõ: mình còn có tật xấu thì làm sao mà chinh phục được người khác!
Lắm khi ta than thở: “Chúa không chịu nghe tiếng tôi”. Nhưng thử hỏi: “Chúa không nghe tiếng tôi hay vì tôi không nghe được tiếng Ngài? Rồi khi nghe được tiếng Chúa, liệu tôi có chấp nhận để tiếng ấy uốn nắn biến đổi đời mình không?”
Lạy Chúa Giêsu, xin biến đổi con,
xin biến đổi con từ từ qua cầu nguyện.
Mỗi lần con thấy Chúa,
xin biến đổi ánh mắt con.
Mỗi lần con rước Chúa,
xin biến đổi môi miệng con.
Mỗi lần con nghe lời Chúa,
xin biến đổi tai con.
Xin làm cho khuôn mặt con ngời sáng hơn
sau mỗi lần gặp Chúa.
Ước chi mọi người thấy nét tươi tắn của Chúa
trong nụ cười của con,
thấy sự dịu dàng của Chúa
trong lời nói của con.
Thế giới hôm nay không cần những kitô hữu
có bộ mặt chán nản và thất vọng.
Xin cho con biết nhẫn nại và can đảm
cùng đi với Chúa và với tha nhân
trên những nẻo đường gập ghềnh.
Amen.
bài liên quan mới nhất
- Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật Lễ Hiển Linh
-
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật Lễ Thánh Gia năm C -
Lễ Chúa Giáng Sinh (Lễ Đêm) -
Bài giảng: Lễ Giáng Sinh (+video) -
Lễ Chúa Giáng Sinh: Lễ Rạng Đông (+video) -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 4 mùa Vọng năm C -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 3 mùa Vọng năm C -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 1 mùa Vọng năm C -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 34 Thường niên năm B - Chúa Kitô Vua -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 33 Thường niên năm B - Lễ các thánh tử đạo Việt Nam
bài liên quan đọc nhiều
- Bài giảng: Lễ Giáng Sinh (+video)
-
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 14 Thường niên năm A -
Bài giảng Chúa Nhật: Đức Mẹ dâng Chúa Giêsu vào Đền Thánh -
Bài giảng Chúa Nhật: Chúa Nhật 2 Mùa Chay - Năm A -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 29 Thường niên năm A - Khánh nhật truyền giáo -
Bài giảng Chúa Nhật: Chúa Nhật 5 Thường Niên - Năm A -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 20 Thường niên năm A -
Bài giảng Chúa Nhật: Chúa Nhật 5 Mùa Chay - Năm A -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 34 Thường niên năm C - Lễ Chúa Giêsu Kitô Vua Vũ Trụ -
Bài giảng Chúa nhật: Lễ Đức Mẹ Mân Côi