Lễ Chúa Giáng Sinh: Lễ Rạng Đông (+video)

Lễ Chúa Giáng Sinh: Lễ Rạng Đông (+video)

Lễ Chúa Giáng Sinh: Lễ Rạng Đông (+video)

Trong giờ phút linh thiêng thánh thiện này, chúng ta hãy trút bỏ mọi tâm tư trần tục để chú tâm vào màu nhiệm vừa được mạc khải cho chúng ta qua lời thiên thần: “Hôm nay, Chúa Kitô, Đấng Cứu thế đã giáng sinh cho anh em”.

1. Ngài giáng sinh một cách lạ lùng ư ?

- Không, Ngài sinh ra như mọi người. Ngài xuất hiện nhẹ nhàng trong đêm đông cô tịch. Ngài không tìm được một chỗ trong hàng quán. Phúc âm viết rõ như vậy. Thân mẫu Ngài đã hạ sinh Ngài trong nơi hang súc vật ngoài đồng vắng. Nếu phải tự hỏi: “Một điềm báo trước gì đây ? Sự thật là Ngài đã khởi sự cuộc đời trong tinh thần từ bỏ, khó nghèo và đơn sơ và Ngài sẽ lớn lên trong tinh thần ấy. Với tấm thân đã chịu đựng được những thiếu thốn khổ sở khi mới sinh, Ngài sẽ chẳng bao giờ coi tiện nghi vật chất làm quan trọng. Thiên Chúa giáng sinh làm người. Ngài không xuống trần để tìm kiếm của cải thế gian. Ngài không màng đến vàng bạc và phô trương giàu có. Ngài kêu gọi trước hết đám mục đồng đang thức canh đàn vật trong đêm tối.

Ở đây chúng ta cũng đừng lầm tưởng, trong hang đá bấy giờ có nhiều thiên thần sáng láng đang ca hát líu lo. Không, thiên thần chỉ hiện ra tại chỗ các mục đồng đang ở và những người này chỉ nghe thấy tiếng hát trên không trung. Khi vào hang đá đúng như lời chỉ dẫn của thiên thần, họ chỉ thấy một hài nhi mới sinh bọc trong khăn vải và nằm trong máng cỏ. Thiên Chúa giáng sinh vẫn giữ một cung cách khiêm tốn, thanh bần và bình dị.

2. Vì sao Ngài lại chủ ý làm như vậy ?Có nhiều câu trả lời nhưng câu trả lời cụ thể và gần với con người chúng ta nhất là vì Ngài muốn chia sẻ kiếp sống làm người của chúng ta. Thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Philipphê đã diễn tã thật hay như sau: “Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế.(Pl 2,6-9)

Chia sẻ không phải bố thí, cũng không phải là ban ơn. Bố thí và ban ơn là đứng từ trên cao ban xuống và chỉ cho đi những gì dư thừa. Chia sẻ là đứng ngang hàng và cho đi những gì chính bản thân mình đang cần. Hiểu được như thế, chúng ta mới thấy được Đức Giêsu chính là mẫu gương chia sẻ. Đức Giêsu là Thiên Chúa, Ngài có thể ngự trên trời, dùng quyền năng mà cứu độ nhân loại, nhưng vì muốn chia sẻ với nhân loại, nên Ngài đã xuống thế làm người để ở với nhân loại. Sự chia sẻ của Ngài đạt đến tột đỉnh vì Ngài không chỉ chia sẻ một phần nhưng đã tặng ban tất cả bản thân cho nhân loại. Vì muốn chia sẻ, Ngài đã tự huỷ mình khỏi thân phận Thiên Chúa. Vì muốn chia sẻ, Ngài đã không ngần ngại chọn xuống chỗ bé nhỏ rốt cùng của thân phận con người. Vì muốn chia sẻ, nên Ngài đã tự nguyện nếm cảm hết những đau khổ mà con người có thể gặp. Ta đau khổ vì cảnh nghèo ư ? Chính Ngài cùng chia sẻ với ta cảnh khó nghèo, đói khát, lạnh lẽo. Ta đã chịu nhiều đau khổ ư ? Chính Ngài chia sẻ với ta những thất bại, bị phản bội, bị hành hạ và chết cô đơn nhục nhã. Ngài chia sẻ với mọi người dù ở những hoàn cảnh khốn cùng, khắc nghiệt nhất của cuộc sống.

Nằm trong hang đá nghèo hèn, với bầy chiên bò, giữa đêm đông giá rét, Đức Giêsu trở nên một lời mời gọi chia sẻ. Giờ đây, Ngài chỉ là một em bé sơ sinh yếu ớt cần đến sự giúp đỡ của ta. Đêm đông lạnh lẽo, Ngài cần đến cả hơi thở của con bò để sưởi ấm tấm thân. Khi trốn sang Ai cập, Ngài cần nhờ con lừa chở đi. Khi còn thơ bé, Ngài cần bàn tay săn sóc nâng niu của Đức Mẹ và thánh Giuse. Khi đi rao giảng, Ngài cần có bạn bè giúp đỡ. Khi cầu nguyện trong vườn Cây Dầu, Ngài bộc bạch nỗi buồn mong được các môn đệ an ủi. Khi vác thánh giá, Ngài yếu nhược phải nhờ đến ông Simon giúp sức. Ngài hoá thân làm một con người yếu ớt nhất, túng thiếu nhất, khốn cùng nhất, đau khổ nhất, để mời gọi ta biết mở rộng tâm hồn chia sẻ. Ngài sẵn sàng đón nhận sự giúp đỡ, dù rất bé nhỏ, kể cả của súc vật, để mời gọi ta quảng đại.

Hôm nay, lời mời gọi chia sẻ ấy vẫn vang lên rất thiết tha, rất khẩn cấp. Đức Giêsu vẫn đang lên tiếng kêu cứu qua những trẻ em mồ côi, không nơi nương tựa, không những không được chăm sóc, không có cơ hội đến trường, mà còn bị hất hủi, bị lạm dụng, bị xâm hại. Đức Giêsu vẫn đang âm thầm nhẫn nhục trong số phận hẩm hiu của những người bị quên lãng. Đức Giêsu vẫn đang oằn vai gánh nặng trong kiếp lầm than của những người nghèo nàn, vất vả vật lộn với cuộc sống. Đức Giêsu vẫn đang quằn quại trong những tấm thân gầy mòn bị cơn bệnh nan y gặm nhấm. Đức Giê-su cẫn đang tức tưởi trong những người thất bại, không tìm thấy tia sáng hy vọng cho tương lai.

Để kết thúc tôi xin gởi đến anh chị em câu chuyện này:

Văn hào Guenter Eich có viết một vở kịch nhan đề: “Festiamus, Người Tử đạo”, với đại ý như sau:

Festiamus là người tốt lành, đơn sơ hiếm có. Mặc dù sống giữa những người gian ác, chàng vẫn luôn luôn cư xử đoan chính, giàu lòng thương đối với những kẻ bần cùng. Sau khi chết, chàng bay tới thiên đàng. Ở đó, sau khi làm quen với các thánh, chàng để mấy ngày để đi kiếm cha mẹ, anh em và những bạn hữu xưa, nhưng không thấy ai. Chàng liền hỏi các thánh, nhưng không ai trả lời. Cuối cùng, thánh Phêrô bảo:

 - Cha mẹ và bạn hữu con, họ hàng con, ngày xưa đều ăn ở gian ác, nên bây giờ họ đều ở dưới kia kìa, dưới hỏa ngục ấy!

Nghe tới đây, Festiamus liền hiểu ngay. Chàng cáo biệt các thánh và xin với thánh Phêrô:

- Con không thể ở nơi đây được khi còn nhiều người phải chịu đau khổ dưới kia.

Rồi chàng rời bỏ thiên đàng, xuống hỏa ngục để thăm cha mẹ, bạn hữu với những người thân yêu khác. Chàng làm điều đó với tất cả xác tín rằng khi một người vô tội từ trời cao đến và sống với những người bị kết án, cùng chia sẻ thân phận của họ, thì người đó có thể phá tung địa ngục và vòng phong tỏa của quỷ ma.

Lạy Chúa Giêsu bé thơ, xin dạy con biết sống trọn vẹn mầu nhiệm Giáng sinh bằng mở lòng ra chia sẻ với mọi người.

Top