Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 34 Thường niên năm C - Lễ Chúa Giêsu Kitô Vua Vũ Trụ
Anh ta thưa với Chúa Giê-su: “Ông Giê-su ơi,
khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi!” (Lc 23,42)
Kính thưa anh chị em
Hôm nay là Chúa nhật cuối cùng của năm Phụng Vụ. Giáo Hội cho chúng ta mừng lễ Chúa Kitô Vua.
A- Chúa là Vua.
1. Hầu như trong cả cuộc đời của Chúa, ngoài một lần duy nhất Chúa được đối xử như một vị Vua lúc Chúa giáng sinh, được các nhà đạo sĩ tìm đến bái thờ, còn ngoài ra thì cuộc sống của Chúa chẳng có vẻ gì là một ông Vua. Ngài sống như một người bình thường. Có lần dân chúng muốn tung hô Ngài và tôn Ngài lên làm Vua nhưng Ngài đã không thèm .
Thế nhưng vào những ngày cuối cùng nơi cuộc sống trần thế, thì tước hiệu là Vua lại được gắn vào cuộc đời của Chúa như một sự thật càng lúc càng đậm nét hơn.
a/ Lúc vào Thành Giêrusalem một cách long trọng, cung cách của Ngài đã thay đổi một cách khác thường. Ngài để cho dân chúng tung hô Ngài như một ông Vua. Những người có trách nhiệm cai trị lúc đó cảm thấy tình hình có thể gây nên nhiều hiểu lầm cho nên đã yêu cầu Ngài ra lệnh cho quần chúng im đi. Nhưng không những Ngài đã không bảo cho dân chúng im mà ngược lại Ngài còn tuyên bố một lời đầy thách thức: “Nếu họ không nói lên thì những hòn đá này sẽ nói thay” Người ta quả khó mà hiểu được thái độ của Chúa lúc đó.
b/ Rồi khi phải đối đầu với Philatô, đại diện cho quyền lực của cả Đế quốc Roma lúc đó, vào những giờ phút nghiêm trọng nhất trong cuộc đời của Chúa, Chúa đã không một chút ngần ngại để xác nhận một sự thật mà khi làm như thế Chúa biết là sẽ dẫn Ngài đến đâu. Thế nhưng Chúa đã không sợ dù là việc đó có làm cho Philatô có đủ lý do hơn để tuyên bố án tử cho Ngài. Philatô hỏi Chúa: “Ông là Vua sao ?” Chúa trả lời một cách dứt khoát, không một chút ngại ngùng: “Quan nói đúng: tôi là Vua”
c/ Và cuối cùng như chúng ta đã thấy, khi Chúa bị treo ở trên Thập giá, chính Philatô đã truyền cho viết và gắn một tấm bảng thật lớn để mọi người có thể nhìn thấy trên đầu cây Thập giá của Chúa. Tấm bảng với dòng chữ rất rõ như thế này: “Giêsu Nazareth, Vua dân Do Thái”
2. Vâng, quả thực Chúa là Vua như Chúa đã xác nhận. Thế lực của trần gian cũng xác nhận, bằng lời nói, bằng cả cái mà chúng ta có thể coi như giấy trắng mực đen. Nhưng phải hiểu nội dung lời tuyên bố của Chúa và lời tuyên xưng của trần thế như thế nào ? Rõ ràng là Chúa là Vua nhưng cuộc sống của Chúa và cách cai trị của Chúa chẳng giống với bất cứ một ông Vua nào trên trần thế này cả.
Vậy Chúa muốn làm vua như thế nào ? Chúa đã nói thật rõ:
“Anh em biết: thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. Giữa anh em thì không được như vậy: Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. Và Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người”. (Mt 20,26-28).
Đó là đường lối của Chúa. Chúa là Vua nhưng là Vua phục vụ trong hiền lành và yêu thương.
Chúng ta hãy nhớ lại một chút: Khi Gioan Tẩy giả sai môn đệ đến hỏi Chúa Giêsu: “Ngài có phải là Đấng phải đến hay chúng tôi còn phải chờ một Đấng nào khác nữa ?” Chúa Giêsu đã không trả lời trực tiếp và nói: “Đúng, tôi là Đấng ấy”. Nhưng Ngài đưa ra những sự kiện về Ngài mà nhờ đó Gioan có thể hiểu. Theo trình thuật của Tin Mừng chúng ta thấy: trong câu trả lời của Chúa Giêsu, Ngài đã đặt con người ở vị trí trung tâm. Sáu câu trả lời của Ngài là sáu lời tuyên bố về vị trí trung tâm của con người: “Các anh cứ về thuật lại cho ông Gioan những điều mắt thấy tai nghe:
1. Người mù xem thấy,
2. kẻ què được đi,
3. người cùi được sạch,
4. kẻ điếc được nghe,
5. người chết sống lại,
6. kẻ nghèo được nghe Tin Mừng”
Đó là những dấu chỉ về Đấng Messia nơi Chúa Giêsu. Con Người, con người đau khổ, con người cần quan tâm, con người là đối tượng của lòng thương xót và tình thương. Con người mà phẩm giá phải được phục hồi. Chúa Giêsu đã không nói về Nước Thiên Chúa, là trung tâm của mọi hoạt động và sứ vụ của Ngài. Có lẽ điều này làm chúng ta ngạc nhiên. Nhưng Chúa Giêsu đã đặt con người và những người nghèo là đối tượng của Tin Mừng. Ngài trình bày điều này như là dấu chỉ đặc biệt của sứ vụ Ngài. Ngài mô tả hoạt động thiên sai không phải như việc thực thi quyền bính, hay chiếm hữu một vương quốc mà Ngài là Chủ. Nhưng đúng hơn, Ngài mô tả sứ vụ thiên sai của Ngài là một công việc phục vụ đối với con người và những nhu cầu của họ.
Vua trần gian có thần dân để cai trị, có quan quân để sai khiến, có tiền của mỹ nữ để truy hoan. Còn Chúa Giêsu trái lại, Người không làm vua theo kiểu thường tình ấy. Người đã khẳng định : “Nước tôi không thuộc về thế gian này” (Ga 18,36). Vì thế, cung cách của vị vua Giêsu hoàn toàn mới lạ. Tin Mừng hôm nay đã nói lên tính cách Vương Quyền ấy.
Dưới hình thức nhạo báng của các thủ lãnh Do thái, của lính tráng, của bản án treo trên thập giá, người ta đã thấy vương quyền của Chúa Giêsu, nhất là lời tuyên xưng của người trộm lành “Khi nào về Nước của Người, xin nhớ đến tôi”. (Lc 35,42).
Tuy nhiên, nước của Chúa Giêsu không nhằm tư lợi cá nhân như các thủ lãnh khiêu khích, cũng không tỏ ra oai quyền uy như bọn lính thách thức. Nước của Người là Nước Tình Yêu, vương quyền của Người là để phục vụ. Vì thế, Người đã không “xuống khỏi thập giá” cách ngoạn mục, nhưng đã “kéo mọi người” lên với Người (Ga 13, 32). Người đã không “cứu lấy chính mình”, nhưng đã “cứu lấy mọi người” khỏi chết muôn đời nhờ cái chết của Người.
Mừng lễ Chúa Kitô Vua hôm nay, Giáo Hội cũng muốn chúng ta bắt chước Chúa Giêsu. Sống và cư xử với mọi người như Chúa Giêsu. Chỉ có cách đó chúng ta mới xứng đáng là thân dân trong vương quyền của Chúa.
Những người mù, què quặt, phong cùi, câm điếc, chết chóc, nghèo khó lúc nào cũng có bên cạnh chúng ta, Đó là những đối tượng Chúa đã phục vụ đến quên ăn quên ngũ năm xưa, ngày nay vẫn mong chờ tình yêu thương của mọi người.
Xanphơ (ông chủ) sai Elôp đi dò xem đám cưới của người hàng xóm có nhiều người đi dự không. Elôp đến nhà người hàng xóm, ném một khúc gỗ xuống ngưỡng cửa nhà ông ta, rồi ngồi bên cạnh chờ khách ra về. Tiệc tan, ai ra khỏi cửa cũng đều vấp phải khúc gỗ đó nhưng chỉ bực bội nhìn khúc gỗ rồi đi đường mình. Chỉ có một bà cụ già sau khi vấp đã quay lại đẩy khúc gỗ sang một bên để người khác không bị cản trở. Elôp hài lòng trở về gặp chủ.
Thế nào, ở đấy có nhiều người không ? Xanphơ vốn tò mò hỏi.
Tất cả chỉ có một con người, mà đấy lại là một bà già – Elôp trả lời.
Sao lại thế ? Người chủ ngạc nhiên.
Tất cả đều vấp phải khúc gỗ - Elôp nói – mà không ai dẹp bỏ nó đi. Lũ cừu cũng làm như vậy. Chỉ có một bà cụ già khi chân vấp vào khúc gỗ đã dừng lại, cúi xuống đẩy khúc gỗ qua một bên để những người khác đo sau không bị vấp ngã. Chỉ có con người mới làm như vậy.
Một mình bà cụ là người.
Lạy Chúa, xin làm con nên xứng đáng phục vụ anh chị em, còn đang tản mác khắp nơi trên thế giới này, những con người sống và chết giữa cô đơn nghèo khổ. Hôm nay xin Chúa dùng đôi tay chúng con ban cơm bánh thường ngày cho họ. Và nhờ tình yêu chúng con, Chúa ban tặng họ hoà bình và hạnh phúc. Amen.
bài liên quan mới nhất
- Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật Lễ Hiển Linh
-
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật Lễ Thánh Gia năm C -
Lễ Chúa Giáng Sinh (Lễ Đêm) -
Bài giảng: Lễ Giáng Sinh (+video) -
Lễ Chúa Giáng Sinh: Lễ Rạng Đông (+video) -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 4 mùa Vọng năm C -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 3 mùa Vọng năm C -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 2 mùa Vọng năm C -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 1 mùa Vọng năm C -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 34 Thường niên năm B - Chúa Kitô Vua
bài liên quan đọc nhiều
- Bài giảng: Lễ Giáng Sinh (+video)
-
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 14 Thường niên năm A -
Bài giảng Chúa Nhật: Đức Mẹ dâng Chúa Giêsu vào Đền Thánh -
Bài giảng Chúa Nhật: Chúa Nhật 2 Mùa Chay - Năm A -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 29 Thường niên năm A - Khánh nhật truyền giáo -
Bài giảng Chúa Nhật: Chúa Nhật 5 Thường Niên - Năm A -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 20 Thường niên năm A -
Bài giảng Chúa Nhật: Chúa Nhật 5 Mùa Chay - Năm A -
Bài giảng Chúa nhật: Lễ Đức Mẹ Mân Côi -
Bài giảng Chúa Nhật: Chúa Nhật 6 Thường Niên - Năm A