Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 11 Thường niên năm B
Mc 4, 26-34
“Nước Thiên Chúa giống như hạt cải, lúc gieo xuống đất,
nó là loại hạt nhỏ nhất trên mặt đất.”(Mc 4,31)
Anh chị em thân mến,
Chúng ta vừa nghe một dụ ngôn vắn của Chúa Giêsu. Tuy vắn nhưng chúng ta cũng có thể tìm thấy được nhiều ý nghĩa qua dụ ngôn này. Có nhiều ý nghĩa nhưng tôi xin dừng lại ở một vài ý nghĩa chính. Phải nói ý nghĩa của dụ ngôn này rất rõ ràng.
1. Thiên Chúa bắt đầu xây dựng Nước của Ngài từ những khởi điểm hết sức nhỏ bé.
Trong ngôn ngữ Đông phương và trong Thánh kinh Cựu ước, một trong những hình ảnh thông thường nhất chỉ đến một quốc lớn là hình ảnh một cây to, và những nước chư hầu được mô tả như chim chóc nghỉ ngơi và làm tổ trên cành (Ed 31,6; Đn 4,18). Vì vậy dụ ngôn này cho thấy nước Thiên Chúa bắt đầu từ những bước khởi đầu hết sức nhỏ bé, nhưng cuối cùng nhiều nước sẽ qui tụ trong đó. Sự kiện lịch sử chứng minh rằng những điều lớn nhất luôn bắt đầu bằng những khởi điểm nhỏ nhất.
Có rất nhiều thí dụ: Muốn xây một tòa nhà thì phải bắt đầu bằng từng viên gạch; muốn viết một quyển sách thì phải bắt đầu từng trang, thậm chí từng chữ; muốn làm một chuyến viễn du thì phải bắt đầu bằng từng bước; muốn xây dựng một tình bạn thì phải bắt đầu bằng những lần gặp gỡ đổi trao; muốn thành một nhà văn thì phải bắt đầu từ con chữ; muốn hoàn thành một bức thảm nghệ thuật thì phải bắt đầu từ những mũi kim vvv..
Một tu sĩ trẻ nọ được gởi đến làm việc với một số anh em khác. Công việc của họ là dệt một khung vải rộng lớn, trên đó mỗi người ngày ngày phải dệt phần được trao phó, một việc làm xem ra rất độc điệu và vô nghĩa.
Ngày nọ, không còn chịu đựng được một công việc nhàm chán như thế, người tu sĩ trẻ thốt lên với tất cả sự giận dữ của mình:
-Trước khi tôi được sai đến đây, người ta nói với tôi về một công trình nghệ thuật cao cả mà tôi sẽ góp phần vào. Bây giờ tôi chỉ thấy rằng, tôi phải dùng kim đâm qua xỏ lại như một cái máy, tôi không thấy đâu là nghệ thuật cả.
Nghe thế, vị tu sĩ già mới nói với thầy như sau:
- Con ơi, làm sao con thấy được công trình nghệ thuật mà chúng ta đang cộng tác để thực hiện, bởi vì những gì con đang thấy là mặt trái của tấm thảm. Hơn nữa, việc con đang làm là một việc nhỏ trong công trình mà thôi.
Khi tấm thảm đã hoàn thành, người ta lật tấm thảm lại. Lúc bấy giờ, vị tu sĩ trẻ mới thấy rằng mình đã góp phần vào một tuyệt tác. Đó là bức tranh của Ba Vua triều bái hài nhi Giêsu, những đường kim mà người tu sĩ trẻ ngày ngày đút qua xỏ lại, đã vẽ lên chính hào quang sáng chói trên đầu Chúa Hài Nhi. Điều mà thầy cho là vô nghĩa nhất giờ đây hiện lên như một kỳ công.
Sự bắt đầu rất là quan trọng. Nếu bạn muốn con bạn lớn lên thành người tốt thì bạn phải bắt đầu chăm sóc dạy dỗ nó ngay từ nhỏ. Mà khi bắt đầu thì phải chú ý đến những điều rất nhỏ. Một tính tốt dần dần thành hình từ những thói quen tốt nho nhỏ. Một tính xấu cũng thành hình từ những thói quen xấu được lặp đi lặp lại.
2. Chúng ta cũng có thể nói như thế về Đạo của chúng ta. Đạo của chúng ta cũng bắt đầu từ một Người.
Một trong những chuyện cảm động nhất trong những ngày đầu của Giáo hội là chuyện về Telemachus, một ẩn sỹ đang sống trong sa mạc. Telemachus sống trong sa mạc nhưng Chúa lại thúc đẩy ông phải rời bỏ nơi hiu quạnh để đi về La Mã, một thành phố mang danh thành phố Kitô giáo, nhưng không có tinh thần Kitô Giáo, bởi vì lúc đó đang diễn ra những trò giác đấu, người ta đánh nhau có đám đông khát máu hò hét, cổ vũ. Telemanchus đi đến xem, trận đấu, tám mươi ngàn người có mặt ở đó. Những con người đang tàn sát nhau này không phải là con cái của Thiên Chúa hay sao? Khinh khiếp quá ông nhảy khỏi chỗ ngồi, chạy xuống đứng giữa những người giác đấu. Bị xô qua một bên, ông lại quay trở lại. Đám đông nổi giận, họ bắt đầu ném đá ông, nhưng ông cố vẫy vùng trở lại giữa những người giác đấu. Viên phán quan truyền lệnh, thế là một lưỡi gươm lóe lên giữa ánh nắng, Telemachus bị chém chết. Đột nhiên một sự im lặng bao trùm, đám đông nhận thức được điều đã xảy ra: một vị thánh đã chết! Sự việc đã xảy ra trong ngày đó ở Lamã để từ nay về sau không còn trò giác đấu nào nữa. Một người đã hy sinh mạng sống mình để làm sạch cho cả một đế quốc. Phải có một người bắt đầu cuộc cải cách, anh ta, gia đình anh hay nơi anh làm việc hằng ngày. Một khi anh đã bắt đầu rồi thì không ai biết điều đó chấm dứt ở đâu.
Khi Chúa Giêsu bắt đầu câu hỏi: “Ta sẽ lấy gì sánh ví nước trời” chúng ta có thể tượng tượng là các môn đệ đang chờ đợi Chúa sẽ phác họa nên một bức tranh thật vĩ đại và huy hoàng, nhưng rồi họ phải kinh ngạc mà nghe Chúa trả lời: “Nước ấy giống như hạt cải”. Chúa hoàn toàn hiểu rằng kẻ thù đánh giá sự hiện diện của Ngài và đám quần chúng nghe Ngài chẳng thấy Ngài có gì là quan trọng. Có lẽ trong đầu óc của các môn đệ bên cạnh Ngài cũng phát sinh ra những nghi ngờ. Họ chỉ vỏn vẹn là một nhóm người không quyền thế và không ai biết đến. Phong trào mà Đức Chúa Giêsu đang dẫn đầu có thể nào là nước vinh hiển mà các tiên tri đã báo trước? Họ quá nhỏ bé mà thế giới thì mênh mông, làm sao họ có thể thay đổi và chinh phục cả thế giới này.
Trong ví dụ này Chúa nói với các môn đệ và những người theo Ngài, và với chúng ta hôm nay rằng không nên ngã lòng. Chúng ta phải làm chứng cho mọi người nơi chúng ta sống, và làm việc. Mỗi chúng ta phải là khởi đầu nhỏ bé để từ đó nước trời lớn lên cho đến cuối cùng các nước trên đất nước này trở thành nước trời. Lời cầu nguyện của mỗi người chúng ta phải là : “Xin cho nước Chúa trị đến, bắt đầu từ chính con”.
Đức Cha Fulton Sheen, một diễn giả nổi tiếng trên các đài truyền thanh và truyền hình Hoa Kỳ đã tưởng tượng ra một cuộc gặp gỡ như sau:
Tôi ra khỏi nhà để hưởng chút ánh sáng mặt trời, tôi gặp một người đang quằn quại trên thập giá, tôi dừng lại và đề nghị:
- Xin cho phép tôi được giúp ông xuống khỏi thập giá.
Nhưng người ấy trả lời:
- Hãy để cho tôi yên, hãy để nguyên những cái đinh trong lòng bàn tay và bàn chân của tôi, hãy để nguyên những gai nhọn trên đầu và lưỡi dòng trong trái tim tôi. Tôi không tự mình xuống khỏi Thập giá, bao lâu những người anh em tản mác khắp nơi của tôi chưa hợp nhất với nhau.
Tôi liền hỏi người ấy:
- Ông muốn tôi làm gì cho ông?.
Người ấy trả lời:
- Hãy đi khắp thế giới, và bắt gặp bất cứ ai hay nói với họ rằng: “Có một người đã chịu đóng đinh Thập giá”
Lạy Chúa Giêsu,
xin thương nhìn đến Hội Thánh là đàn chiên của Chúa.
Xin ban cho Hội Thánh sự hiệp nhất và yêu thương,
để làm chứng cho Chúa giữa một thế giới đầy chia rẽ.
Xin cho Hội Thánh không ngừng lớn lên như hạt lúa.
Xin đừng để khó khăn làm chúng con chùn bước,
đừng để dễ dãi làm chúng con ngủ quên.
Ước gì Hội Thánh trở nên men
được vùi sâu trong khối bột loài người
để bột được dậy lên và trở nên tấm bánh.
Ước gì Hội Thánh thành cây to bóng rợp
để chim trời muôn phương rủ nhau đến làm tổ.
Xin cho Hội Thánh trở nên bàn tiệc của mọi dân nước,
nơi mọi người được hưởng niềm vui và tự do.
Cuối cùng xin cho chúng con
biết xây dựng một Hội Thánh tuyệt vời,
nhưng vẫn chấp nhận cỏ lùng trong Hội Thánh.
Ước gì khi thấy Hội Thánh ở trần gian,
nhân loại nhận ra Nước Trời ở gần bên. Amen.
bài liên quan mới nhất
- Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật Lễ Hiển Linh
-
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật Lễ Thánh Gia năm C -
Lễ Chúa Giáng Sinh (Lễ Đêm) -
Bài giảng: Lễ Giáng Sinh (+video) -
Lễ Chúa Giáng Sinh: Lễ Rạng Đông (+video) -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 4 mùa Vọng năm C -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 3 mùa Vọng năm C -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 2 mùa Vọng năm C -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 1 mùa Vọng năm C -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 34 Thường niên năm B - Chúa Kitô Vua
bài liên quan đọc nhiều
- Bài giảng: Lễ Giáng Sinh (+video)
-
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 14 Thường niên năm A -
Bài giảng Chúa Nhật: Đức Mẹ dâng Chúa Giêsu vào Đền Thánh -
Bài giảng Chúa Nhật: Chúa Nhật 2 Mùa Chay - Năm A -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 29 Thường niên năm A - Khánh nhật truyền giáo -
Bài giảng Chúa Nhật: Chúa Nhật 5 Thường Niên - Năm A -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 20 Thường niên năm A -
Bài giảng Chúa Nhật: Chúa Nhật 5 Mùa Chay - Năm A -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 34 Thường niên năm C - Lễ Chúa Giêsu Kitô Vua Vũ Trụ -
Bài giảng Chúa nhật: Lễ Đức Mẹ Mân Côi