Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 17 Thường niên năm B

Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 17 Thường niên năm B

Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 17 Thường niên năm B

Ga 6,1-15
“Vậy, Ðức Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn,
rồi phân phát cho những người ngồi đó.
Cá nhỏ, Người cũng phân phát như vậy,
ai muốn ăn bao nhiêu tùy ý.” (Ga 6,11)

Chúng ta thử hỏi qua Phép lạ này Chúa muốn để lại cho chúng ta những bài học nào? Có nhiều nhưng ở đây tôi chỉ xin được nói đến một số bài học thiết thực cho cuộc sống của chúng ta hôm nay.

1. Bài học thứ nhất Chúa muốn dạy ta hôm nay, đó là lòng cảm thương phải biến thành việc làm cụ thể. Khi con người không còn lòng cảm thương bằng những việc làm cụ thể thì cuộc sống của con người sẽ mất dần ý nghĩa.

Một vị vua đang cai trị vương quốc của mình. Một hôm vua rảnh rỗi nên nói với các quan cận thần:

- Hôm nay ta rảnh rỗi, ta muốn thử lòng dân xem họ quảng đại hay ích kỷ thế nào. Ta sẽ cải trang thành người ăn mày nghèo khổ đi khắp nơi. Ai có lòng quảng đại, ta sẽ thưởng bội hậu.

Thế là nhà vua cải trang đi khắp nơi, nhưng không ai chú ý trợ giúp. Buồn bã trở về cung điện, nhà vua tâm sự với các quan:

- Vương quốc ta đã đến lúc suy đồi, vì thần dân đối xử với nhau tệ bạc quá, không biết thương yêu giúp đỡ nhau. Ai có tiền thì được trọng vọng, kẻ không tiền bị khinh rẻ bỏ bê.

Lòng cảm thương là một tình cảm tốt. Nhưng cảm thương suông thì chưa đủ. Thiếu việc làm cụ thể, lòng cảm thương nhiều khi trở thành hình thức, giả dối. Lòng cảm thương ai cũng có. Nhưng số người thực sự ra tay hành động vì lòng cảm thương lại rất hiếm. Có rất nhiều lý do: thái độ ngại ngùng, hoàn cảnh phức tạp, thiếu thốn phương tiện. Các tông đồ nại đến những lý do đó để thoái thác hành động nhưng Đức Giêsu bắt họ vào cuộc. Đã thấy việc tốt thì cố gắng làm. Dù khó khăn cách mấy cũng phải vượt qua. Chỉ có việc làm cụ thể mới minh chứng cho một lòng cảm thương đích thực. Thế là các môn đệ phải đi tìm bánh và cá mang đến cho Chúa. Các ông giúp phân phát lương thực cho mọi người. Các ông đi thu lượm những mẩu bánh còn dư. Các ông tích cực tham gia vào việc cứu đói.

2. Bài học thứ hai mà Người muốn dạy ta, đó là hãy cộng tác vào công trình của Chúa.

Một lần kia, có một người đàn bà giàu có người Hindu đến thăm Mẹ Têrêsa. Bà ta nói với Mẹ:

- Thưa Mẹ, con ước ao được chia sẻ với Mẹ và cộng tác với mẹ trong các hoạt động từ thiện.

- Tốt lắm! - Mẹ đáp lại một cách vui vẻ

Rồi bà ta thú thực với Mẹ là bà ta có một điểm yếu rất khó bỏ, đó là tính khoe khoang, ưa làm dáng. Bà thích mặc những chiếc áo Xa-ri, những bộ đồ Ấn Độ lộng lẫy và đắt tiền. Hôm ấy, bà mặc một bộ áo Xa-ri giá trị 65 dollars, trong khi chiếc áo Xa-ri của Mẹ Têrêsa đang mặc chỉ trị giá 65 xu, chưa đầy một dollar, Như được ơn trên soi sáng Mẹ Têrêsa bỗng nảy ra được tư tưởng hay. Mẹ đề nghị với bà ấy bắt đầu cộng tác với Mẹ về những bộ áo xari đó. Mẹ khiêm tốn đền nghị:

- Từ nay trở đi, thay vì mua sắm những bộ áo xa-ri giá 65 hoặc 100 dollars, thì bà chỉ nên mua những bộ rẻ tiền hơn, chừng 45 hoặc 50 dollars thôi. Số tiền còn lại, bà hãy mua những bộ áo xa-ri khác dành cho người nghèo.

Bà ấy vui vẻ hưởng ứng lời đề nghị của Mẹ, rồi dần dần bà cũng biết dùng những bộ áo xa-ri rẻ tiền hơn. Sau này chính bà cũng đã thú nhận với Mẹ Têrêsa rằng:

- Thưa Mẹ, từ ngày con bắt đầu từ bỏ những vẻ hào nhoáng bên ngoài vô ích đó, tâm hồn con cảm thấy tự do hơn, nhẹ nhàng hơn. Con đã học biết và hiểu rõ hơn thế nào là cho đi, thế nào là chia sẻ. Và trong cách chia sẻ như thế, con phải thú nhận rằng chính con đã được lãnh nhận nhiều hơn thứ con cho đi và chia sẻ với anh chị em nghèo khổ!

Chúa có thể làm được mọi sự. Nhưng Người muốn ta cộng tác vào chương trình của Người. Người có thể biến đá thành bánh. Nhưng Người vẫn đón nhận 5 chiếc bánh và 2 con cá của một em bé. Sự đóng góp của con người tuy nhỏ bé, nhưng rất cần thiết. Đó chính là khởi điểm để Chúa làm việc. Đừng khoán trắng cho Chúa mọi việc. Hãy đóng góp phần của mình. Tục ngữ Pháp có câu: "Hãy tự giúp mình, rồi Trời sẽ giúp bạn". Sự cộng tác của ta nói lên nhu cầu thật sự bức thiết. Sự cộng tác tích cực nói lên lòng ta tha thiết mong muốn. Nỗ lực của con người là khởi đầu phải có. Rồi Chúa sẽ làm nốt phần còn lại. Ở đây ta phải ghi nhận lòng quảng đại của em bé. Có lẽ em đi bán bánh. Giữa nơi hoang vu vắng vẻ, trước một đoàn người đói khát, em có thể lợi dụng thời cơ nâng giá bánh để tìm lợi nhuận. Nhưng em đã quảng đại dâng hết cho Chúa. Chính sự quảng đại của em đã góp phần làm nên phép lạ nuôi sống hàng vạn người.

3. Bài học thứ ba mà Người muốn dạy ta, đó là hãy biết tiết kiệm. Đói khát và thừa mứa. Thiếu thốn và phung phí. Đó là hai trạng thái trái ngược hiện nay trên thế giới. Khi dư giả người ta dễ phung phí. Những người vừa trải qua cơn đói, nay đã vứt bừa bãi những mẩu bánh dư thừa xuống đất. Đức Giêsu sai các môn đệ đi thu lượm những mẩu bánh thừa đó. Chúa dạy cho mọi người hãy biết tiết kiệm. Tiết kiệm là trân trọng những của cải Chúa ban. Tiết kiệm là ý thức của cải là của mọi người. Nếu tôi phí phạm, anh em tôi sẽ thiếu thốn. Tiết kiệm để chia sẻ. Tiết kiệm vì công bình. Tiết kiệm vì lợi ích của toàn thể nhân loại. Thế giới còn những người đói nghèo không phải là vì thiếu tài nguyên, nhưng vì phân phối chưa đồng đều, vì những người giàu có tiêu xài phí phạm.

Thống kê của cơ quan lương thực liên Hiệp quốc cho biết:

- Mỗi ngày có khoảng 400 triệu người đi ngủ với bụng đói, và 15 ngàn người chết vì đói khát.

Thế giới văn mình với khoa học kỹ thuật tân tiến này vẫn là một thế giới đói nghèo, vì 80% của cải đang nằm trong tay 20% người giàu có.

Thế giới nghèo đói không phải vì thiếu tài nguyên, nhưng vì tài nguyên bị cất giấu trong túi những người ích kỷ, những kẻ tham lam không có lòng quảng đại. Họ là những con người chỉ biết lo cho mình, cho mình được dư đầy no thoả còn những người khác thì học chẳng mấy quan tâm. Chính vì thế mà cảnh nghèo đói còn đang diễn ra tràn lan trên khắp thế giới hôm nay! .

4. Bài học thứ bốn mà Người muốn dậy ta, đó là phải tìm lương thực thiêng liêng. Vật chất là cần thiết cho đời sống hiện tại. Nhưng vật chất không phải là tất cả. Quá nô lệ vào vật chất, tâm hồn con người sẽ không vươn lên được. Lương thực cho thân xác là một giải quyết cấp thời. Về lâu về dài, muốn con người phát triển, cần phải giải quyết các nạn đói khác. Đó là nạn đói văn hoá. Đó là nạn đói đạo đức. Và trên hết, đó là nạn đói lương thực thiêng liêng. Nhu cầu tâm linh của con người ngày càng lớn rộng. Cơn đói khát tâm linh càng lúc càng mãnh liệt. Tìm đáp ứng nhu cầu tâm linh là một việc làm thiết thực. Nâng cao đời sống tâm linh là đưa con người tới phát triển toàn diện. Chúa bỏ trốn, không chịu để được tôn làm vua, vì Người muốn những kẻ tìm Người tỉnh ngộ, vượt thoát khỏi vòng nô lệ vật chất, vươn lên những giá trị tâm linh.

Với những bài học kèm theo việc hoá bánh ra nhiều, Đức Giê-su muốn đào tạo trái tim chúng ta. Người muốn trái tim ta hãy mở ra để cảm thương anh em đồng loại. Người muốn lòng cảm thương ấy đi đến cùng bằng những việc làm cụ thể, bằng sự cộng tác quảng đại, bằng sự tiết kiệm để giúp ích cho nhiều anh em. Người muốn trái tim ta vươn lên khao khát những chân trời cao thượng của đời sống tâm linh. Người muốn đào tạo ta nên những con người phát triển toàn diện xứng đáng là những người con của Thiên Chúa. Người muốn nuôi dưỡng không chỉ thân xác nhận nhất là linh hồn ta.

Lạy Chúa, xin nâng tâm hồn con lên tới Chúa. Amen.

Top