Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 20 Thường niên năm B
Ga 6,51-58
“Ðây là bánh từ trời xuống,
không phải như bánh tổ tiên các ông đã ăn, và họ đã chết.
Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời”. (Ga 6,58)
Bài Tin Mừng hôm nay tiếp nối tư tưởng các bài Tin Mừng của ba Chúa nhật trước đây. Trong những bài Tin Mừng trước chúng ta thấy Chúa đã tuyên bố những lời làm cho người nghe phải khó chịu. Hôm nay những lời tuyên bố của Chúa lại càng làm cho người ta thắc mắc và khó chịu hơn nữa.
1- Ta là bánh (Ga 6,15)
Đây không phải là lần duy nhất Chúa dùng thuật ngữ này. Kiểu nói “Ta là” là kiểu nói Chúa dùng nhiều lần để định nghĩa về mình. Chẳng hạn Chúa nói: “Ta là cái cửa”(Ga10,7), “Ta là mục tử” (Ga 10,11),”Ta là ánh sáng” (Ga 8,12), “Ta là con đường”(14,6),”Ta là cây nho” (Ga,15,1). Và hôm nay Chúa tự định nghĩa: “Ta là bánh”(Ga 6,15).
Định nghĩa nào trên đây cũng nói về mối tương quan giữa Chúa và thế giới con người nơi Chúa được sai đến. Cửa là để chiên ra vào. Mục tử là để lo cho chiên được sống và sống sung mãn. Ánh sáng là để cho người ta thấy đường mà đi. Con đường là để cho người ta đến được với Thiên Chúa. Cây nho là để cho ngành nho được sinh nhiều hoa trái. Ngay cả khi Chúa định nghĩa mình là “sự thật”(Ga 14,6) là sự sống và là sự sống lại (Ga 11,25) thì đó cũng là những gì cụ thể nhằm việc phục vụ con người.
“Ta là bánh”. Bánh là lương thực không thể thiếu được trong cuộc sống hằng ngày của người Do Thái. Bánh của người Do thái là cơm gạo của chúng ta. Đức Kitô nhận mình là bánh, một thức ăn thông thường, nhưng rất cần thiết. Bánh không phải để ngắm nhưng để ăn. Bánh là thứ ăn được, tiêu hóa được. Bánh đem lại sự sống cho người ăn nó. Như thế sự hiện hữu của bánh là vì người khác. Chấp nhận làm bánh có nghĩa là chấp nhận mình bị tan biến, bị mất đi. Và chỉ khi mất mình đi như thế bánh mới thật là bánh. Khi bánh được ăn, bánh trở nên xương thịt của người ăn. Bánh tiếp tục hiện diện trong người ăn một cách sâu thẳm, khó lòng mà tìm lại được bánh, khó lòng mà bảo bánh đang ở chỗ nào nơi người ăn vì bánh đã nên một với người ăn.
“Ta là bánh và là bánh trường sinh” (Ga 6,35,48). Bánh trường sinh là bánh ban sự sống, không phải là sự sống của thân xác, bánh ở đời này - mà là sự sống muôn đời. Sự sống ấy bắt đầu ở đời này và tiếp tục mãi mai sau bất kể việc thân xác có bị kết thúc ở đời này bằng cái chết hay không. Đức Giêsu là bánh ban sự sống muôn đời vì Ngài là bánh hằng sống (Ga 6,51) - bánh có sự sống. Sự sống ở nơi Đức Giêsu sự sống đã đạt tới mức độ viên mãn khi Ngài được phục sinh. Ngài được Cha ban cho sự sống dư tràn để rồi Ngài trở thành “Thần khí ban sự sống” cho chúng ta. (1Cr15,45).
“Ta là bánh”. Đây không phải là một ẩn dụ mà là một giấc mơ của Đức Giêsu. Ngài muốn trở nên của ăn của uống để nuôi chúng ta, để ban cho chúng ta sự sống vĩnh cửu. Ngài không muốn nuôi chúng ta bằng cái gì ở ngoài Ngài như là Manna hay là những tấm bánh do Ngài hóa ra nhiều năm xưa. Ngài muốn nuôi chúng ta bằng chính con người của Ngài, bằng thịt và máu của Ngài.
2. Nhưng làm sao một giấc mơ như thế có thể thực hiện được? Làm sao Ngài có thể trở thành lương thực cho mọi thời đại? Người Do thái thuở xưa cũng hỏi những câu hỏi tương tự như thế: “Làm sao ông này có thể lấy thịt mình cho chúng ta ăn?” (Ga 6,52).
* Đối với người Do thái ngày xưa thì quả thực chưa có câu trả lời. Nhưng với chúng ta hôm nay thì câu trả lời đã rõ. Chính qua Bí tích Thánh thể mà Chúa có thể thực hiện được những gì mà loài người không thể nghĩ ra. Bí tích Thánh thể là sáng kiến bất ngờ và cũng là sáng kiến ngoạn mục tuyệt vời của Chúa. Ngài trở thành thức ăn cho loài người khi biến tấm bánh trong bàn tiệc thành thịt của Ngài và Ngài trở thành của uống cho con người khi Ngài biến rượu thành máu của Ngài: “Này là mình Thầy, chúng con hãy cầm lấy mà ăn. Này là máu Thầy các con hãy cầm lấy mà uống”. Ăn bánh và uống rượu đã được truyền phép là ăn uống chính thịt và máu của Đức Kitô phục sinh. Ngài thành tấm bánh cho ta khi Ngài biến tấm bánh ta dâng cho Ngài nhờ Bí tích Thánh thể.
Vâng Chúa muốn cho chúng ta được sống. Ngài muốn trở thành của nuôi chúng ta mãi mãi, không bao giờ ngưng nghỉ. Và như Ngài đã hứa, ngài muốn cho chúng ta có được sự sống dồi dào, sự sống của chính Ngài.
Trong các câu truyện có liên quan đến Bí Tích Thánh Thể người ta thường nhắc và truyền tụng cho nhau về câu chuyện có liên hệ đến một em bé có tên là Macxellinô. Câu chuyện có nguồn gốc từ Tây Ban Nha. Khi vừa được sinh ra, Macxellino đã bị mẹ đem bỏ đi. Mẹ em đã bỏ em trước cổng một Tu viện. Tình cờ một tu sĩ đi ngang qua, nghe thấy có tiếng “oe oe” của một đứa trẻ, ông cúi xuống thấy em. Ông bồng em, đem vào tu viện. Em được các tu sĩ Đan viện chăm sóc và nuôi nấng và dần dần em được lớn lên trong tu viện.
Vốn tính tình nghịch ngợm, nên thầy đầu bếp cấm không cho em được leo lên gác. Nhưng rồi vì tính tò mò, một ngày kia Macxellino lẻn leo lên. Đến nơi em vô cùng ngạc nhiên khi nhìn thấy một người khổng lồ bị treo trên Thập giá. Bao nhiêu ngày như vậy mà chẳng thấy ai cho ăn. Bản tính tự nhiên em nghĩ rằng chắc là người bị treo trên đó đói lắm, nên một đêm kia Macxellino vào bếp ăn cắp bánh mang lên cho ông. Người khổng lồ đưa tay đón nhận bánh của cậu bé và cười với cậu.
Từ đó trở đi, ngày nào cậu cũng mang bánh lên cho người khổng lồ. Một hôm tay người khổng lồ tự rời bỏ thánh giá, cúi xuống, vòng hai tay ôm choàng lấy cậu. Ông hỏi:
- Điều gì làm cho con thấy thích nhất ở trần gian này?
Cậu nói:
- Con muốn được thấy mẹ con.
Người khổng lồ liền nói với cậu bé:
- Con sẽ được thấy nếu con chấp nhận chết.
Cậu bé bằng lòng và cậu đã an giấc trong tay người khổng lồ.
Hôm sau các thầy không thấy em trong nhà, đi tìm lục lọi khắp nơi nhưng cũng không thấy đâu. Cuối cùng các thầy lên gác và vô cùng xúc động khi thấy em đang nằm gọn trong vòng tay của Chúa.
Câu chuyện của Macxellino là một trong những câu truyện rất đẹp, đầy ý nghĩa về Bí tích Thánh Thể mà Chúa Giêsu đã lập và để lại cho Giáo hội như một giao ước muôn đời.
Chúa Giêsu không ngừng mời gọi con người mở rộng tâm hồn để đón nhận Ngài như Ngài nói với cậu bé Macxellinô trong truyện trên. Bánh và rượu là ngôn ngữ cậu bé dùng để nói lên với Chúa Giêsu, cậu bé cũng muốn săn sóc Chúa. Bánh và Rượu Ngài ban trong Thánh Thể cũng là cách Ngài tỏ tình yêu, Ngài muốn nói với chúng ta 'Ta yêu thương các con, Ta săn sóc các con”. Ngài chính là Bánh và Rượu nuôi sống chúng ta. Ngài muốn chúng ta mở rộng tâm hồn để đón nhận Ngài. Khi chúng ta mở rộng tâm hồn để đón nhận Chúa Giêsu Thánh Thể, thì lúc đó chúng ta mới có thể mở rộng trái tim và bàn tay để đón nhận người khác.
Chúa Giêsu là Bánh Bởi Trời được ban xuống để lôi kéo chúng ta lên với Chúa Cha. Người tín hữu Kitô tiếp nhận Thánh Thể là để được lãnh nhận tình yêu của Chúa và từ đó mới có thể trào sang cho người khác để đưa mọi người về với Thiên Chúa. Có chia sẻ bàn tiệc với Chúa Giêsu trong Thánh Thể, chúng ta mới có thể chia sẻ cơm bánh cho những người khác chung quanh chúng ta.
Xin Chúa Giêsu Thánh Thể cho chúng con cảm nếm được sự sống trường sinh và niềm hạnh phúc khi chúng ta đón nhận Chúa Giêsu Thánh Thể vào lòng để chúng ta cũng có thể trao ban và chia sẻ tình yêu của Chúa cho mọi người.
bài liên quan mới nhất
- Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật Lễ Hiển Linh
-
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật Lễ Thánh Gia năm C -
Lễ Chúa Giáng Sinh (Lễ Đêm) -
Bài giảng: Lễ Giáng Sinh (+video) -
Lễ Chúa Giáng Sinh: Lễ Rạng Đông (+video) -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 4 mùa Vọng năm C -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 3 mùa Vọng năm C -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 2 mùa Vọng năm C -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 1 mùa Vọng năm C -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 34 Thường niên năm B - Chúa Kitô Vua
bài liên quan đọc nhiều
- Bài giảng: Lễ Giáng Sinh (+video)
-
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 14 Thường niên năm A -
Bài giảng Chúa Nhật: Đức Mẹ dâng Chúa Giêsu vào Đền Thánh -
Bài giảng Chúa Nhật: Chúa Nhật 2 Mùa Chay - Năm A -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 29 Thường niên năm A - Khánh nhật truyền giáo -
Bài giảng Chúa Nhật: Chúa Nhật 5 Thường Niên - Năm A -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 20 Thường niên năm A -
Bài giảng Chúa Nhật: Chúa Nhật 5 Mùa Chay - Năm A -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 34 Thường niên năm C - Lễ Chúa Giêsu Kitô Vua Vũ Trụ -
Bài giảng Chúa nhật: Lễ Đức Mẹ Mân Côi