Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 21 Thường niên năm B

Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 21 Thường niên năm B

Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 21 Thường niên năm B

Ga 6,54a-60-69
Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai?
Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời.”
(Ga 6,67)

Bài Tin Mừng hôm nay được coi như đoạn kết cho một câu truyện tương đối dài trong TM của Gioan. Câu truyện bắt đầu bằng một phép lạ rất đặc biệt được cả bốn Tin Mừng ghi lại. Đó là phép lạ bánh hóa nhiều. Sau phép lạ Chúa giảng một bài giảng rất đặc biệt với đề tài cũng rất đặc biệt. Đó là bài giảng về BÁNH HẰNG SỐNG. Bài giảng này đã gây ra một sự phân hoá chưa từng thấy trong thái độ của những người nghe Chúa lúc đó. Ngoài thái độ của những kẻ đã có sẵn một ác ý và luôn thù nghịch với Chúa, chúng ta còn có thể thấy ba thái độ rất khác nhau về vấn đề này.

A. 1. Trước hết là thái độ của đa số quần chúng.

- Được Chúa cho ăn bánh no nê, họ cảm thấy vui. Hơn nữa họ còn muốn tôn Chúa lên làm vua để cai trị họ, với hy vọng họ sẽ có được một tương lai sáng sủa và oai hùng hơn.

- Chính vì quá mong mỏi một tương lai có tính cách trần thế như vậy cho nên khi thấy Chúa không đáp ứng được những mong ước của mình, dân chúng đã bắt đầu lạnh nhạt với Chúa. Khi Chúa nói với họ về một thứ bánh mà Chúa gọi là bánh hằng sống thì họ tỏ ra lãnh đạm lạ thường. Thái độ đó dần dần đã làm cho họ trở thành những người  sẵn sàng đối đầu với Chúa sau này,

2- Thái độ thứ hai là thái độ của một số các môn đệ.

- Lý ra thì họ phải là những người hiểu Chúa, tha thiết với Chúa nhiều hơn. Cho dù những lời Chúa giảng có khó chấp nhận thì họ cũng phải luôn gắn bó với Chúa. Thế nhưng thật không may cho Chúa, Chúa mới chỉ đề cập đến một vấn đề hơi khó hiểu một chút thế mà họ đã bỏ Chúa, bỏ một cách không một chút nuối tiếc. Charles Erdman bảo họ bỏ Chúa vì họ thất vọng. Họ thất vọng vì Chúa không trở thành một nhà lãnh đạo chính trị như lòng họ vẫn thầm mong.

- Trước sự ra đi của họ, xem ra Chúa hơi đau xót một chút nhưng Chúa vẫn giử nguyên thái độ và không chịu lùi bước.

3- Thái độ cuối cùng là thái độ của nhóm 12.

- Sau khi một số các môn đệ bỏ đi, Chúa hướng mắt của Người về nhóm 12.

- Phêrô đại diện cho tất cả nhóm nói lên một lời mà cho dù không phải là Chúa chúng ta cũng dư biết là Chúa rất vui lòng.

- Thái độ của Phêrô làm Chúa cảm động. Phêrô đã dứt khoát chọn Chúa….Một chọn lựa không có gì làm cho ông thay đổi.

B- Vấn đề của ta: Tại sao cùng đứng trước một Chúa Giêsu mà lại có nhiều thái độ khác nhau như thế? Tại vì những lời Chúa nói và vấn đề Chúa đặt ra khó tin quá.

+ Dân chúng không hiểu được vì họ không muốn hiểu.

+ Một số môn đệ không những đã không muốn hiểu mà còn cho đó là những lời quá chói tai nghe không được nên họ bỏ đi.

+ Chỉ còn lại một nhóm nhỏ tuy không hiểu nhưng vẫn tin và vẫn chấp nhận. Họ chấp nhận bởi vì họ cảm thấy không thể bỏ Chúa. Lòng tin của họ rất chân thành. Niềm tin của nhóm 12 chẳng khác gì niềm tin của Giosuê thuở xưa trong thời Cựu ước. Tại Sikem nơi mà trước đây Abraham đã dựng bàn thờ đầu tiên để dâng đất Canaan này cho Thiên Chúa (Kn 12,6), nơi mà Giacob và con cái của ông đã để lại rất nhiều kỷ niệm (Kn 33;35), nơi mà trước đây ông đã chọn để tuyên bố luật pháp. Chính tại nơi đây một lần nữa Giosuê biểu lộ lòng trung thành của ông và gia đình ông. Ông nói với những người Do thái như thế này: Nếu anh em không bằng lòng phụng thờ ĐỨC CHÚA, thì hôm nay anh em cứ tuỳ ý chọn thần khác mà thờ hoặc là các thần cha ông anh em đã phụng thờ bên kia Sông Cả, hoặc là các thần của người E-mô-ri mà anh em đã chiếm đất để ở. Về phần tôi và gia đình tôi, chúng tôi sẽ phụng thờ ĐỨC CHÚA.”

Vâng đó là một chọn lựa thật đẹp, đẹp trong thái độ của ông và gia đình ông, và còn đẹp cả ở trong ý nghĩa nữa: “Về phần tôi và gia đình tôi, chúng tôi sẽ phụng thờ ĐỨC CHÚA.”

Giosuê quả xứng đáng là một nhà lãnh đạo. Lòng tin và lòng trung thành của ông đã trào qua và thấm vào lòng của toàn dân. Dân chúng cũng cảm thấy họ không thể chọn con đường nào khác. Họ đã đáp lại: “Chúng tôi không hề có ý lìa bỏ ĐỨC CHÚA để phụng thờ các thần khác! Vì chính ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của chúng tôi, đã đem chúng tôi cùng với cha ông chúng tôi lên từ đất Ai-cập, từ nhà nô lệ, đã làm trước mắt chúng tôi những dấu lạ lớn lao đó, đã gìn giữ chúng tôi trên suốt con đường chúng tôi đi, giữa mọi dân tộc chúng tôi đã đi ngang qua. ĐỨC CHÚA đã đuổi cho khuất mắt chúng tôi mọi dân tộc cũng như người E-mô-ri ở trong xứ. Về phần chúng tôi, chúng tôi sẽ phụng thờ ĐỨC CHÚA, vì Người là Thiên Chúa của chúng tôi.”

Đó là những gì đã xẩy ra từ ngàn xưa, cách chúng ta cả gần 3000 năm.

Thế còn bây giờ thì sao?

Vào năm 1924 ở nước Anh, có một người tên là Eric Liddell. Eric Liddell là vận động viên xuất sắc trong môn chạy 100 mét. Mọi người đều hy vọng anh sẽ đem về cho quê hương chiếc huy chương vàng tại đại hội Olympic được tổ chức tại Paris nước Pháp năm đó. Nhưng rồi họ ngỡ ngàng bực tức khi nghe tin anh từ chối không tham dự đại hội đó. Lý do là vì đại hội đó tổ chức nhằm ngày Chúa nhựt. Anh không thể bỏ lễ Chúa nhựt để đi tìm một huy chương vàng. Mọi người đều gây sức ép trên anh. Cả hoàng tử xứ Walles cũng cố gắng thuyết phục anh đi dự đại hội đó. Thế nhưng anh nhất định không chịu đổi ý, báo chí Anh quốc cho anh là tên phản bội.

Vài năm sau, anh còn làm cho mọi người sửng sốt hơn nữa, khi anh đến Trung Hoa làm trong vai trò của một nhà truyền giáo.

Thế rồi thế chiến thứ hai xảy ra. Khi Nhật nhả̉y vào cuộc chiến, anh bị bắt và bị giam trong một trại tập trung. Tại đây anh vẫn tiếp tục việc mục vụ bên cạnh các tù nhân. Vài năm sau, anh đã anh dũng chết tại trại tập trung nầy. Năm 1980, có người đã dựng lên cuốn phim về cuộc đời hy sinh vì Chúa của anh. Cuốn phim tựa đề là “Chuyến xe chở lửa”. Cuốn phim đã phá kỷ lục về lợi nhuận mà còn đoạt giải thưởng Hàn Lâm năm 1982.

Cuộc đời của Eric Liddell đã làm sáng tỏ thái độ dứt khoát mà Chúa Giêsu đòi hỏi nơi các môn đệ của Ngài trong bài Tin Mừng hôm nay.

Một khi đã quyết định theo Chúa Giêsu, Eric cứ nhắm thẳng phía trước mà tiến bước, không bao giờ ngó lại phía sau dù phải đối diện với áp lực khủng khiếp của dân chúng, dù bị gọi là tên phản bội.

Bí quyết nào giúp anh can đảm, trung thành bền đỗ đến thế?

Anh luôn thức dậy sớm mỗi ngày, suy niệm Lời Chúa và cầu nguyện. Đó là bí quyết của anh. Và chắc chắn đó cũng là bí quyết cho chúng ta, nếu chúng ta muốn làm môn đệ Chúa bền vững. Và “ai bền đỗ dến cùng sẽ được cứu thoát” (Theo “Sunday  homilies”).

Top