Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 22 Thường niên năm B
Mc 7,1-8.14-15.21-23.
“Các ông gạt bỏ điều răn của Thiên Chúa,
mà duy trì truyền thống của người phàm”. (Mc 7,8)
Ðoạn Tin Mừng hôm nay khởi đi từ một câu chuyện nhỏ, truyện những người Biệt Phái và luật sĩ thắc mắc về việc các môn đệ của Chúa không rửa tay theo tập tục của tiền nhân trước khi ăn. Qua câu trả lời, Chúa Giêsu đã muốn cho mọi người hiểu rằng cuộc sống có những việc còn quan trọng hơn những việc có tính cách tập tục và bên ngoài nhiều. Và cũng nhân câu truyện này Chúa còn nói thêm về việc phải sống như thế nào mới là cuộc sống đẹp lòng Chúa và mang lại cho cuộc sống đó nhiều ý nghĩa hơn. Chúng ta tự hỏi Chúa muốn cuộc sống phải như thế nào?
I. Điều Chúa muốn chắc chắn không phải là cuộc sống sống giả tạo, cuộc sống không có sự ăn khớp giữa bên ngoài với bên trong của một con người.
Trong một chương trình buổi tối trên một kênh truyền hình Hoa Kỳ, một cô gái điếm đã được mời đến phát biểu ý kiến dựa theo một số câu hỏi của những phóng viên. Cô trang điểm diêm dúa và mặc một chiếc váy cực ngắn. Cô đã tỏ ra không những bình tĩnh, mà xem ra còn muốn khiêu khích trước những câu hỏi của phóng viên.
Chợt có một phóng viên nhìn thầy trên cổ của cô có đeo một sợi dây chuyền vàng với một cây Thánh giá thật đẹp, anh ta liền thay đổi đề tài. Anh ta hỏi cô:
- Tôi thấy cô đeo Thánh giá trên cổ, hẳn cô là người có Tôn giáo.
Khán giả thấy rõ sự bối rối xuất hiện trên khuôn mặt cô, vì đây là vấn đề mà cô chưa bao giờ nghĩ tới. Sau một hồi do dự, cô trả lời:
- Tôi không theo đạo nào cả.
Người phóng viên hỏi dồn:
- Vậy tại sao cô lại mang Thánh giá trên người?.
Cô thinh lặng cúi xuống sàn nhà một hồi lâu, rồi trả lời:
- Lúc nhỏ tôi có đạo, nhưng đó là chuyện xưa rồi.
Một con người không còn tin Chúa nhưng vẫn đeo Thánh Giá của Chúa. Rõ ràng đó là việc không hợp lý tí nào. Cuộc sống như thế đáng cho mọi người gọi là cuộc sống giả hình. Và một cuộc sống với những phẩm chất giả tạo như thế nhất định sẽ chẳng đem lại niềm vui nào cho những người sống cuộc sống đó. Chính vì thế mà trong bài tin mừng hôm nay Chúa đã kịch liệt lên án:
- Ngôn sứ I-sai-a thật đã nói tiên tri rất đúng về các ông là những kẻ đạo đức giả, khi viết rằng: “Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta.”(Mc 7,7)
Ngày xưa thì như thế còn hôm nay thì sao?
Chắc anh chị em đã thấy ngày hôm nay người ta nói nhiều tới căn bệnh thành tích, căn bệnh phát sinh từ cuộc sống hình thức giả tạo mà ra. Bao nhiêu hệ lụy xấu xa đã phát sinh từ căn bệnh này thì mọi người chúng ta đã biết. Sống như thế có khác gì ngày xưa và nếu cứ sống mãi như thế thì chắc chắn cuộc sống của chúng ta sẽ không thể tốt đẹp mà ngược lại nó sẽ là một cuộc sống gây nên nhiều đau khổ.
Rồi nhìn vào cuộc sống của thế giới hôm nay chúng ta thấy cũng chẳng kém gì. Đây là những nhận xét được Internet truyền đi khắp nơi như một hệ lụy của những lối sống mà con người hôm nay đang sống. Bên ngoài thì xem ra thật tốt nhưng nội dung thì có nhiều phải suy nghĩ. Tác giả gọi những nhận xét này là: “Những nghịch lý của thời đại chúng ta”
Chúng ta có những tòa nhà cao hơn, nhưng tư cách những người cư ngụ trong đó thì lại nhỏ hơn.
Những con đường cao tốc rộng hơn, nhưng quan điểm của con người thì lại hẹp hòi hơn.
Chúng ta nói quá nhiều, yêu quá ít và ghét quá thường xuyên.
Chúng ta đã đi lên mặt trăng và quay trở về, nhưng lại cảm thấy phiền hà khi băng qua đường để gặp một người hàng xóm mới dọn đến.
Chúng ta làm trong sạch không khí, nhưng lại gây ô nhiễm tâm hồn của nhau.
Chúng ta viết lách nhiều hơn, nhưng học hành thì ít hơn.
Chúng ta dự tính nhiều hơn, nhưng thực hiện ít hơn. Chúng ta chỉ biết vội vã, mà không biết chờ đợi.
Chúng ta có thu nhập cao hơn, nhưng đạo đức thì lại thấp hơn.
Chúng ta trở nên thừa về số lượng, nhưng lại quá thiếu về chất lượng.
Đây là thời cơ có tới hai nguồn thu nhập từ cả hai vợ chồng trong gia đình, nhưng ly dị thì nhiều hơn;
Thời của những căn nhà sang trọng, nhưng tổ ấm thì tan vỡ nhiều hơn.
Vâng nếu cuộc sống chỉ là như thế thì thật là tủi nhục cho Thiên Chúa khi Chúa đã cho chúng ta được làm người .
II. Vậy chúng ta phải sống như thế nào mới đẹp lòng Chúa?
Xin mượn một câu chuyện để trả lời. Truyện kể rằng có hai nhà sư, một già một trẻ, cùng nhau đi xuống núi. Dọc đường các ngài gặp một cô thiếu nữ rất đẹp đứng bên bờ một vũng nước sâu. Thiếu nữ muốn đi qua nhưng không sao đi được. Thấy vậy, một nhà sư già liền bế thiếu nữ lên và đi qua vũng nước rồi bỏ cô ở phía bên kia. Rồi hai người tiếp tục cuộc hành trình. Trở về gần đến chùa, nhà sư trẻ trách bạn:
- Sao anh lại bế một thiếu nữ như thế?
Nhà sư già trả lời:
- Tôi đã để cô ta lại bên vũng nước, còn anh, sao anh còn mang cô ta về đến tận chùa.
Câu chuyện ý nhị trên đã minh hoạ rõ nét ý hai lối thể hiện cuộc sống của mình: Một lối sống đạo theo hình thức và một lối sống đạo theo nội tâm. Nhà sư trọng hình thức không dám động đến thiếu nữ, nhưng tâm hồn ông lại nặng vấn vương. Thế mà ông vẫn cứ yên tâm cho rằng mình đã giữ trọn luật giới sắc. Ông tự hào về mình và trách móc bạn đã vi phạm luật tu hành.
Những người Biệt phái và Luật sĩ trong đạo Do thái xưa cũng giữ đạo theo hình thức như thế. Họ rất trọng những luật lệ theo hình thức bề ngoài. Họ cho rằng giữ những hình thức bề ngoài là đủ. Đối với họ, đạo là lề luật. Giữ trọn lề luật là giữ đạo. Đặc biệt là luật thanh sạch.
Đức Giêsu đã trách họ là giả hình. Họ chỉ lo giữ sự trong sạch bề ngoài mà không lo giữ sự trong sạch bề trong. Họ lo rửa tay chân mà không lo rửa lương tâm. Họ sợ tiếp xúc với người bệnh nhưng họ vẫn ấp ủ những ý đồ xấu xa trong tâm hồn. Có lần Đức Giêsu đã sánh ví họ với những mồ mả, bên ngoài thì tô vôi sơn phết đẹp đẽ, nhưng bên trong thì đầy xương cốt hôi hám, xấu xa.
Đạo Chúa không phải là hình thức. Đạo Chúa là tình yêu. Tình yêu chân thật phát xuất từ đáy lòng. Giữ hình thức mà không có tình yêu thì chưa phải là giữ đạo. Làm những việc lớn lao mà không có tình yêu cũng chỉ là vô ích, như lời thánh Phao-lô dạy: “Giả như tôi có nói được các thứ tiếng của loài người và của các thiên thần đi nữa, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm chọe xoang xoang. Giá như tôi được ơn nói tiên tri và được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả đức tính đến chuyển núi dời non, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì. Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi đến chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi” (1Cr 13,1-3).
Lạy Chúa Giêsu,
xin giúp con biết bỏ đi những bề bộn nơi tim con.
Xin biến đổi tim con, để nó trở nên đơn sơ hơn,
hồn nhiên hơn và tươi tắn hơn.
Ước gì con nhìn mọi sự, mọi người,
bằng trái tim bao dung của Chúa.
Và ước gì khi đã ra khỏi nỗi bận tâm về mình,
trái tim con được nhẹ nhàng hơn và tự do hơn
để yêu mến mọi người.
Vì con biết rằng với tất cả tâm tình, con mới thực sự sống đạo. Với tất cả tâm tình, đạo mới đưa con đến gần Chúa.
Lạy Chúa, xin ban cho con thêm lòng yêu mến Chúa.
bài liên quan mới nhất
- Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật Lễ Hiển Linh
-
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật Lễ Thánh Gia năm C -
Bài giảng: Lễ Giáng Sinh (+video) -
Lễ Chúa Giáng Sinh (Lễ Đêm) -
Lễ Chúa Giáng Sinh: Lễ Rạng Đông (+video) -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 4 mùa Vọng năm C -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 3 mùa Vọng năm C -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 2 mùa Vọng năm C -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 1 mùa Vọng năm C -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 34 Thường niên năm B - Chúa Kitô Vua
bài liên quan đọc nhiều
- Bài giảng: Lễ Giáng Sinh (+video)
-
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 14 Thường niên năm A -
Bài giảng Chúa Nhật: Đức Mẹ dâng Chúa Giêsu vào Đền Thánh -
Bài giảng Chúa Nhật: Chúa Nhật 2 Mùa Chay - Năm A -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 29 Thường niên năm A - Khánh nhật truyền giáo -
Bài giảng Chúa Nhật: Chúa Nhật 5 Thường Niên - Năm A -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 20 Thường niên năm A -
Bài giảng Chúa Nhật: Chúa Nhật 5 Mùa Chay - Năm A -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 34 Thường niên năm C - Lễ Chúa Giêsu Kitô Vua Vũ Trụ -
Bài giảng Chúa nhật: Lễ Đức Mẹ Mân Côi