Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 25 Thường niên năm B

Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 25 Thường niên năm B

Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 25 Thường niên năm B

Mc 9,30-37
“Ai muốn làm người đứng đầu,
thì phải làm người rốt hết,

và làm người phục vụ mọi người.”(Mc 9,35)

Bài TM hôm nay có hai phần tương đối rõ rệt.

Phần thứ nhất Chúa báo trước về cuộc tử nạn và phục sinh của Chúa

Phần thứ hai Chúa đề nghị một lối sống mới cho tất cả những ai muốn theo Ngài.

I.  Hôm ấy Chúa Giêsu đang đi với các môn đệ.  Ngài tránh không muốn cho ai biết Ngài. Ngài sợ người ta nô nức đi theo Ngài như chạy theo một “Người lớn”. Và chính trong bối cảnh này Ngài loan báo cho các môn đệ về cuộc khổ nạn Ngài sắp phải chịu. Đây là lần thứ hai Ngài làm như thế.

Ngài sử dụng lại các từ ngữ hầu như y hệt lần trước (8,31) “Con Người” sẽ bị “nộp” vào tay người ta.

Và cũng như lần trước lời hứa Phục sinh được thêm vào ngay sau đó, thế nhưng lời hứa này xem ra chẳng an ủi được các môn đệ trước viễn ảnh đớn đau của cái chết. Tệ hơn nữa các ông ấy còn tỏ ra hầu như chẳng hiểu gì về những lời giáo huấn của Thầy mình. Lần trước thì Phêrô đã biểu lộ sự phản kháng. Còn lần này tuy không nói ra nhưng thái độ “khép lòng” của họ được ghi nhận qua nỗi sợ hãi không dám “hỏi Ngài” chứng tỏ họ cố tránh né những khó khăn và thử thách đang chờ đợi Chúa.

Đứng trước hoàn cảnh như thế Chúa phản ứng lại như thế nào?

Một lần nữa Marcô cho chúng ta thấy sự Chúa lại kiên trì và nhẫn nại giáo dục dạy dỗ họ.

Ngài khởi đầu công việc dạy dỗ bằng cách kéo các môn đệ về với những gì mới xảy ra. Ngài hỏi họ về nội dung cuộc tranh luận giữa họ với nhau ở dọc đường. Nghe lời Chúa Giêsu hỏi, họ không trả lời. Thực ra họ đã tranh luận với nhau xem ai là Ngài “lớn” nhất.

Chúa Giêsu cảm thấy có bổn phận phải can thiệp để làm cho các môn đệ mình thoát khỏi cái khuynh hướng đua đòi, chạy theo quyền lực và Ngài cho họ một bài học sống động (9,35).

Marcô diễn tả Chúa ngồi xuống để biểu lộ cung cách của một vị sư phụ mà các đệ tử phải chú tâm lắng nghe. Đây là tư thế của một người giảng dạy đầy uy quyền.

Chúa Giêsu nói với họ một cách thật rõ ràng. Trong lời ngỏ với những vị lãnh đạo tương lai của dân Chúa, Chúa Giêsu đã đảo ngược các phẩm trật thông thường của nhân loại. “Muốn làm đầu thì phải làm cuối, muốn chỉ huy thì phải làm ‘đầy tớ tất cả”.

II. Nhưng thử hỏi sứ điệp của Chúa có được đón nhận hay không? Ngài tin là có. Và để cho lời của Ngài được cụ thể hóa Ngài đặt một em bé giữa các ông, ôm nó vào lòng. Cử chỉ này tạo nên một ảnh hưởng bất ngờ. Dắt một em bé vào giữa họ rồi ôm hôn nó: Đây là một việc làm hoàn toàn trái với tập tục đương thời. Xã hội lúc đó không hề quan tâm đến trẻ em. Người ta coi rẻ trẻ em như một sinh vật vô nghĩa, thậm chí họ còn xua đuổi khai trừ chúng ra khỏi cộng đoàn vì cho rằng chúng ngu dốt không biết gì về lề luật.

Vậy khi đón nhận một em bé như thế Chúa Giêsu đã làm một công việc hết sức quan trọng. Đó là Ngài trả lại giá trị cho những con người bị loại trừ và Chúa còn nhấn mạnh thêm là việc đón tiếp những con người bị khai trừ như thế cũng chính là đón tiếp Ngài. Đây quả thật là một sứ điệp bất ngờ và cũng rất là mới mẻ của những trang TM khả ái này.

Kính thưa anh chị em

Tới đây thì ý nghĩa của Bài Tin Mừng đã khá rõ. Điều Chúa Giêsu muốn ở nơi các môn đệ của Ngài ngày xưa cũng là điều mà Chúa muốn đối với chúng ta hôm nay. Vấn đề đặt ra là khi theo Chúa, sống cuộc đời tự hạ phục vụ như thế, Chúa sẽ dẫn chúng ta đi đến đâu. Câu trả lời tương đối cũng dễ: Đến vinh quang. Đối với Chúa thì vinh quang đã rõ. Đó là sự phục sinh của Ngài. Còn đối với chúng ta thì xem ra vinh quang còn bị che phủ chưa ló dạng. Nhưng chúng ta có cơ sở để tin rằng vinh quang đó sẽ tới.

Xin chứng minh bằng một thí dụ.

Anh chị em biết Mẹ Têrêsa, một con người sống rất gần gũi với chúng ta trong thời gian. Giáo Hội đã phong THÁNH cho Mẹ. Tại sao thế? Tại vì mẹ xứng đáng được tôn vinh như thế. Một con người khi còn sống chỉ biết phục vụ những người nghèo khó, bệnh tật, bị bỏ rơi....Vậy mà khi qua đời, không biết bao nhiêu danh hiệu cao quí người ta đã đặt ra để ca tụng mẹ.

Ngay khi vừa được tin Mẹ qua đời các báo đã đưa ngay lên trang nhất những bản tin với những những hàng tít thật lớn: “Mẹ của những người nghèo đói đã ra đi” - “Vị nữ thánh của những người cùng khổ không còn nữa” - “Vị nữ thánh giữa đời thường đã vĩnh viễn ra đi”

Bên cạnh những lời ca tụng của báo chí, nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới cũng bày tỏ lòng thương tiếc sâu sắc. Tổng thống Pháp Jacques Chirac đã gửi đến Calcutta bức điện chia buồn như sau: “Buổi tối hôm nay đã có ít tình yêu hơn, ít lòng trắc ẩn hơn và cũng ít ánh sáng hơn trên thế giới”

Tại Mỹ tổng thống Bill Clinton đã nói: “Mẹ là người luôn gây ngạc nhiên, một trong những vĩ nhân của thời đại này”

Nữ hoàng Elizabeth II nước Anh gửi một bức thư chia buồn với dòng Nữ Tu thừa Sai Bác Ái đã viết: “Mẹ Têrêsa và công Chúa Diana mỗi người một cách đã nói lên tấm gương: Là con người hãy biết đối xử với nhau bằng lòng nhân ái” - Còn thủ tướng Tony Blair đã gửi đến Calcutta lời thương tiếc: “Trong một tuần đầy bi kịch, thế giới lại càng buồn hơn vì một trong những người phục vụ nhiều lòng trắc ẩn đã ra đi”

Tại Albani quê hương thứ nhất của mẹ, thủ tướng Fatos Nano đã nói: “Đất nước Albani quê hương thương tiếc mẹ vô vàn và muốn đưa thi hài của mẹ về an táng tại quê hương, nhưng ý nguyện này không thành tựu được. Albani sẽ để tang Mẹ trong ba ngày”

Còn tại Châu Á, chính phủ Indonesia bày tỏ lòng thương tiếc và kính phục. Chính phủ Philippin tổ chức lễ tang Mẹ trọng thể tại một trong những quận nghèo nhất ở thủ đô Manila. Tại Singapore thủ tướng Goh Chok Tony đã nói: “Mẹ Têrêxa là một trong những phụ nữ nổi bật nhất của thế kỷ 20” Tại Hàn quốc tổng thống Kim Yong Sam nói: “Nhân loại sẽ mãi mãi ghi nhớ sự hy sinh cả cuộc đời của Mẹ Têrêsa cho những người bần cùng trên thế giới

Đó không phải là vinh quang sao kính thưa anh chị em? Là vinh quang chứ! Có rất nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới này thèm được cái vinh quang đó nhưng nào có ai cho! Có nhiều người giầu có muốn được một chút vinh quang như thế nhưng làm sao mà có được.

Để kết thúc bài suy niệm hôm nay, tôi xin được mượn lời của tờ Báo Lao động để nói lên tâm tư của tôi: “Trong cuộc đời bình thường của mình, Mẹ Têrêsa chỉ sống bên cạnh nhưng người bần hàn cơ cực, sắp chết, lở lói, đói ăn, không nhà, không thân nhân, nhưng ngày thứ bảy vừa qua có đến hai nữ hoàng, bốn vị tổng thống đương nhiệm, ba đệ nhất phu nhân, hai thủ tướng và rất nhiều người cao sang quyền quí đã đến dưới chân bà nghiêng mình tiễn biệt. Kể từ ngày cố thủ tướng Javahartal Nerhu qua đời đến nay, chưa bao giờ người dân Ấn độ chứng kiến được một đám tang vĩ đại như vậy.”

Và lời của Chúa Giêsu: “Ai lớn nhất trong anh em, thì phải nên như người nhỏ tuổi nhất, và kẻ làm đầu thì phải nên như người phục vụ. “+” Ai phục vụ Thầy, thì hãy theo Thầy ; và Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó. Ai phục vụ Thầy, Cha của Thầy sẽ quý trọng người ấy.”(Ga 12,26).

Top