Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 28 Thường niên năm B
Mc 10,17-30
“Vì đối với Thiên Chúa
mọi sự đều có thể được”.(Mc 10,27)
Bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe là một trong những bài gây nhiều ấn tượng nhất trong Tân Ước. Vì thời giờ có hạn cho nên tôi chỉ xin được gợi lên một vài hình ảnh để chúng ta cùng suy nghĩ. Với bài Tin Mừng hôm nay thánh Marcô ghi lại cho chúng ta 3 cái nhìn của Chúa Giêsu. Ba cái nhìn nói lên ba thái độ của Ngài .
1. Cái Nhìn Thứ Nhất Là Cái Nhìn Đầy Yêu Thương.
Chúa dành cái nhìn này cho người người thanh niên đến với Chúa. Nhưng anh ta là một con người như thế nào?- Là một con người có địa vị - có thế lực - và nhất là anh ta có nhiều của cải tiền bạc.
Một con người như thế đối với nhiều người thì có lẽ đã là quá đủ. Nhưng đối với người thanh niên này thì chưa đủ. Anh ta còn muốn một cái gì hơn thế nữa. Chính vì thế mà anh ta mới tìm đến với Chúa.
Đến với Chúa anh ta tỏ ra một thái độ rất khiêm nhường. Tin Mừng ghi rõ: anh “quì” xuống trước mặt Chúa. Cách anh xưng hô cũng nói lên điều đó: “Lạy Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sống đời đời”
Chúa nhẹ nhàng kéo anh về với quá khứ, một quá khứ có lẽ chính Chúa cũng đã thấy là tốt đẹp rồi. Chúng ta thấy ở đây Chúa không đả động gì đến bổn phận của con người đối với Chúa. Chúa chỉ đề cập đến những gì mà giới răn Chúa đòi buộc trong mối tương quan giữa những con người với nhau.
Phải nhận rằng trong mối tương quan giữa người với người thì người thanh niên này đã sống thật tốt: “Lạy Thầy, những điều ấy tôi đã giữ từ thuở bé”
Tin Mừng ghi: Chúa Giêsu chăm chú nhìn người ấy và đem lòng yêu thương.
Vâng! Chúa chăm chú nhìn người ấy và đem lòng yêu thương. Một thái độ hết sức tốt đẹp.
2. Cái Nhìn Thứ Hai Là Cái Nhìn Cảnh Giác.
Sau khi người thanh niên giàu có bỏ đi, Chúa Giêsu nhìn chung quanh và nói với các môn đệ: “Người giàu có vào nước Thiên Chúa khó biết bao” và để tăng thêm sức mạnh cho ý nghĩa những lời vừa nói, Chúa nói thêm: “Thầy bảo thật các con, con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào nước Thiên đàng” .
Chúng ta không có mặt lúc Chúa nói những lời như thế này. Chúng ta không thấy hết được sự ngỡ ngàng đến phát sợ của các môn đệ. Đây là những lời cảnh cáo hết sức nghiêm trọng Chúa đưa ra để dạy dỗ những môn đệ của Người. Câu truyện vừa mới xảy ra là một bằng chứng rất cụ thể về sự nguy hiểm của cuộc sống khi mà người ta đặt tiền bạc lên trên tất cả…cả sự sống đời đời.
Chúng ta hãy nhớ lại những lời Chúa kêu gọi người thanh niên: “Anh chỉ còn thiếu có một điều. Hãy về bán tất cả những gì anh có, phân phát cho người nghèo khó…anh sẽ có một kho báu ở trên trời…rồi đến mà theo ta.”
Anh đã không chấp nhận điều kiện cho nên anh đã không đạt tới mục đích. Cơ hội để trở thành môn đệ của Chúa đã ở ngay tầm tay nhưng anh đã để cho nó vuột mất. Lý do rất rõ rệt là bởi vì anh có nhiều của cải quá.
Của cải đáng lý ra phải là một trợ lực để giúp con người thăng tiến thì ngược lại nó lại trở thành một trở lực cản bước tiến của con người. Đó là mối nguy hiểm mà Chúa muốn cảnh giác các môn đệ của Ngài. Người ta dễ biến tiền bạc thành mục đích hơn là biết dùng nó như một phương tiện. Hoàn cảnh ngày xưa đã là như thế…ngày nay sự thế lại càng đúng hơn.
3. Cuối Cùng Là Cái Nhìn Có Tính Cách Quyết Đáp.
Sau khi Chúa mạnh mẽ cảnh giác về mối nguy cơ do tiền bạc đem lại và cũng như những khó khăn trên con đường vào nước trời thì các môn đệ xem như không còn kiên nhẫn thêm được nữa. Họ đã phản ứng và phản ứng của họ thật rõ rệt: “Như vậy thì ai sẽ được cứu độ”. Tin Mừng ghi tiếp: Chúa Giêsu nhìn thẳng, một cái nhìn hướng thẳng vào những đối tượng được chọn lựa. Chúa nhìn thẳng vào các môn đệ, một cái nhìn trực diện vào những đối tượng Chúa muốn dạy cho một bài học nhưng đây cũng là một cái nhìn hoàn toàn thông cảm trước lòng tin tưởng còn yếu kém của các ông và rồi Chúa nói: “Đối với loài người thì không thể được, nhưng không phải đối với Thiên Chúa”. Qua lời những lời đó chẳng cần nói chúng ta cũng thừa biết Chúa muốn nói đến điều gì rồi: vấn đề ơn thánh…ơn của Chúa.
Lời quả quyết của Chúa hẳn phải làm cho các môn đệ và cả chúng ta phải suy nghĩ. Làm gì có truyện con lạc đà to lớn cồng kềnh lại có thể chui qua lỗ kim. Vậy thì việc một con người vào nước Thiên Chúa cũng tương tự như thế. Tự sức của con người thì họ chẳng có thể làm được việc gì…nhất nữa việc đó lại là việc có liên quan đến vận mạng đời đời của con người. Như vậy vấn đề còn lại là ơn của Chúa và việc con người có biết hợp tác với ơn Chúa hay không .
Người thanh niên giàu có đến với Chúa để xin Ngài chỉ cho anh một con đường để anh có thể có được sự sống đời đời. Chúa đã mở ra cho anh ta một con đường thế nhưng anh đã từ chối. Anh đã làm mất đi một cơ hội để anh có thể trở thành những con người được lưu danh muôn thuở.
Ngược lại với người thanh niên này là thái độ quảng đại của các tông đồ. Sau khi người thanh niên bỏ đi Phêrô đại diện cho anh em thưa với Chúa: “Lạy Thầy chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy”
Thực ra cái mà Phêrô gọi là “mọi sự” đối với Chúa cũng chẳng là bao thế nhưng ở đây chúng ta thấy Chúa đã tỏ ra thật quảng đại. Charles Erdman khi chú giải về đoạn Tin Mừng này đã đưa ra một lời nhận định rất hay như sau: “Chính sự thỏa mãn tràn ứ trong tâm hồn của những người theo Chúa ĐÃ LÀ phần thưởng gấp trăm gấp ngàn lần những cái mà họ từ bỏ” và sau đó Chúa còn hứa một phần thưởng rất to lớn hơn gấp bội lần những phần thưởng ở đời này đó là sự sống đời đời….điều mà mọi người ở mọi thời đều mong ước.
Để kết thúc tôi xin được kể một câu truyện vui. Một Linh mục nọ qua đời và được đưa đến trước mặt thánh Phê-rô để được Ngài thẩm vấn:
- Ở dưới thế cha làm được điều gì nào?
- Dạ thưa Thánh cả, con xây được một ngôi thánh đường rộng lớn.
Thánh nhân lấy bút cho một điểm rồi Ngài hỏi tiếp:
- Cha còn làm được gì nữa?
- Dạ con còn xây được một ngôi trường cho 1.000 học sinh.
Thánh Phê-rô cho thêm được một điểm nữa.
- Và còn gì nữa?
Linh mục bắt đầu suy nghĩ rồi trả lời:
- Dạ con làm rất nhiều công tác xã hội và từ thiện.
Ngài nhìn rồi cho thêm một điểm.
- Còn gì nữa? Ngài hỏi tiếp.
- Dạ thưa Thánh cả..bao nhiêu điểm thì được vào Thiên đàng?
Thánh nhân vui vẻ trả lời : 1000 điểm.
Nghe nói thế linh mục cảm thấy chột dạ….tự nghĩ trong lòng: Không biết làm sao cho đủ được 1000 điểm bây giờ….Rồi linh mục bắt đầu cảm thấy lo lắng không còn tự tin như trước nữa. Đang lúc đó thì Thánh Phê-rô lại muốn được biết kết quả ngay. Ngài hối:
- Cha còn làm được điều gì nữa…cứ kể hết đi! Với một giọng đầy lòng khiêm tốn + một chút lo sợ, linh mục thưa:
- Thưa thánh cả, NHỜ ƠN CHÚA con còn làm thêm được ít việc nho nhỏ nữa.
Vừa nghe xong thánh Phêrô lấy bút ghi ngay: 1000 điểm. Rồi Ngài vui vẻ nói với linh mục :”Thế là cha đã được 1003 điểm. Cha dư điểm vào Thiên đàng rồi đấy….mời cha vào.”
Vâng tất cả là nhờ ơn của Chúa. Amen.
bài liên quan mới nhất
- Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật Lễ Hiển Linh
-
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật Lễ Thánh Gia năm C -
Bài giảng: Lễ Giáng Sinh (+video) -
Lễ Chúa Giáng Sinh (Lễ Đêm) -
Lễ Chúa Giáng Sinh: Lễ Rạng Đông (+video) -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 4 mùa Vọng năm C -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 3 mùa Vọng năm C -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 2 mùa Vọng năm C -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 1 mùa Vọng năm C -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 34 Thường niên năm B - Chúa Kitô Vua
bài liên quan đọc nhiều
- Bài giảng: Lễ Giáng Sinh (+video)
-
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 14 Thường niên năm A -
Bài giảng Chúa Nhật: Đức Mẹ dâng Chúa Giêsu vào Đền Thánh -
Bài giảng Chúa Nhật: Chúa Nhật 2 Mùa Chay - Năm A -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 29 Thường niên năm A - Khánh nhật truyền giáo -
Bài giảng Chúa Nhật: Chúa Nhật 5 Thường Niên - Năm A -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 20 Thường niên năm A -
Bài giảng Chúa Nhật: Chúa Nhật 5 Mùa Chay - Năm A -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 34 Thường niên năm C - Lễ Chúa Giêsu Kitô Vua Vũ Trụ -
Bài giảng Chúa nhật: Lễ Đức Mẹ Mân Côi