Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 3 mùa Vọng Năm A
Mt 11, 2-11
“Thầy có phải là Ðấng phải đến chăng, hay chúng tôi còn phải đợi một Ðấng nào khác ?”
Tin Mừng hôm nay thuật lại việc Gioan Tẩy Giả sai môn đệ đến hỏi Ðức Giêsu một câu hỏi gây ngỡ ngàng mọi người: "Ngài có phải là Ðấng phải đến, hay chúng tôi còn phải chờ đợi một Ðấng khác ?"
Câu hỏi đó cho thấy thánh nhân đang ở trong một tâm trạng hoang mang như thế nào. Chúng ta tự hỏi sự hoang mang đó đến từ những nguyên nhân nào ? Có nhiều nguyên nhân nhưng có hai nguyên nhân sau rõ nét nhất:
1. Nguyên nhân thứ nhất: Ðức Giêsu có những việc làm khác với những lời Gioan loan báo.
Thánh Gioan Tiền hô đã loan báo một Ðấng Cứu Thế uy nghiêm, đến để trừng phạt nhân loại. Trong Tin Mừng tuần trước, thánh nhân đã răn đe người Do thái: Búa rìu đã để sẵn ở gốc cây, cây nào không sinh trái sẽ bị đốn cho vào lò lửa. Thiên Chúa đến cầm sàng mà rê thóc. Thóc mẩy sẽ được cho vào kho, còn rơm, trấu sẽ bị cho vào lò lửa đốt đi. Sứ điệp quả thật là dữ dội và Lời loan báo đó đã gây xôn xao và sợ hãi. Vậy mà khi Ðức Giêsu đến, Người đã hành động khác hẳn. Không oai phong, không quyền lực, lại còn tỏ ra là một Ðấng Cứu Thế tràn đầy lòng nhân từ: "Người không bẻ gãy cây lau bị dập, không dập tắt tim đèn còn khói". Gioan Tẩy Giả đã loan báo sự trừng phạt. Nhưng Ðức Giêsu lại đến để cứu chữa, tha thứ. Ðức Giêsu nói: "Con người đến không phải để lên án, nhưng để cứu chữa". "Chỉ những người bệnh mới cần đến thầy thuốc". Thật là trái ngược. Trách nào mà Gioan chẳng hoang mang.
2. Nguyên nhân thứ hai: Gioan bị giam trong tù.
Gioan cảm thấy mình bị ngược đãi. Hơn nữa ông còn cảm thấy như mình đã thất bại. Ði rao giảng sự công chính nhưng chỉ gặp bất công. Ði rao giảng ơn giải thoát nhưng lại bị giam cầm. Còn đâu những sứ điệp rực lửa. Còn đâu thời hy vọng tràn đầy. Thê thảm hơn nữa, ông tự hỏi: Sao Ðấng Cứu Thế không đến giải thoát mình ? Sao Người để cho sứ giả của Người mòn mỏi trong tù ? Sao Người để cho bạn hữu bị khinh miệt cười chê ? Và Gioan nghi ngờ: hay Người không phải là Ðấng Cứu Thế. Bị giam cầm, bị ngược đãi, Gioan còn có thể chịu được. Nhưng mối nghi ngờ gặm nhấm, thiêu đốt tâm hồn ông. Ông e sợ mình đã lầm đường, lầm người. Không nén lòng được, ông đã sai môn đệ đến hỏi thẳng Ðức Giêsu: "Ngài có phải là Ðấng Cứu thế, hay chúng tôi phải chờ đợi một Ðấng khác ?" Câu hỏi táo bạo nhưng quan trọng, vì nó quyết định cả ý nghĩa cuộc đời Gioan.
Trước câu hỏi ấy, Ðức Giêsu không trả lời trực tiếp. Nhưng chỉ yêu cầu các sứ giả về thuật lại cho Gioan những việc Người làm: "Cho kẻ mù xem thấy, kẻ què đi được, người cùi lành lặn, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng".
Với câu trả lời ấy, Ðức Giêsu nhắc Gioan nhớ lại lời sấm của I-sa-i-a về Ðấng Cứu Thế. Ðồng thời cũng thanh luyện cái nhìn của ông về dung mạo Ðấng Cứu Thế.
Ðấng Cứu Thế không phải là vị vua oai phong từ trời ngự xuống trên đám mây. Nhưng chỉ là một hài nhi bé nhỏ xuất hiện giữa loài người như một mầm cây bé bỏng.
Ðấng Cứu Thế không phải là vị vua sang trọng ngự trong cung điện nguy nga. Nhưng chỉ là anh thợ mộc nghèo khó sống trong một làng quê hẻo lánh.
Ðấng Cứu Thế không phải là vị quan tòa oai nghiêm thở ra khói, hét ra lửa. Nhưng chỉ là một lương y hiền từ đến chữa lành những vết thương, an ủi những ai ưu sầu, nâng đỡ người yếu đuối, tha thứ kẻ tội lỗi.
Ðấng Cứu Thế không đến trong vinh quang huy hoàng, trong chiến thắng rực rỡ. Nhưng chỉ âm thầm và tình nghĩa như một người bạn thân thiết.
Ðấng Cứu Thế không đến trong hàng ngũ những người quý phái có địa vị cao trọng trong xã hội. Nhưng lui tới với những người bé nhỏ nghèo hèn, những thành phần bị gạt ra bên lề xã hội.
2. Anh chị em thân mến.
Vâng! Chính Gioan Tẩy Giả mà còn nuôi trong đầu hình ảnh về một Đấng Messia đầy uy quyền sẵn sàng xét xử và trừng trị kẻ gian ác, huống chi chúng ta. Xét cho kỹ thì có lẽ chúng ta cũng thích hình ảnh về một Thiên Chúa uy quyền, một Giáo Hội hiển hách hơn là một Thiên Chúa cúi xuống mà phục vụ cũng như một Giáo Hội nhiều khi bị lép vế. Chính vì thế mà chúng ta thích khoe với người khác về cách tổ chức, về những hoạt động, những thành tích v.v… của đạo. Chúng ta tưởng rằng, làm như thế thì người ta sẽ mến yêu và kính trọng Thiên Chúa và Giáo Hội của chúng ta hơn.
Nhưng Đức Giêsu thì lại không muốn thế: Thiên Chúa mà Ngài trình bày cho mọi người là một Thiên Chúa nhân từ, yêu thương, tha thứ. Ngài muốn cho người ta thấy Ngài là Đấng cứu nhân độ thế giàu lòng yêu thương. Mà quả thật, những hình ảnh loại này mới có sức cảm hóa và thuyết phục người ta.
Nói một cách cụ thể hơn, thay vì phô trương cho người ta thấy những nét huy hoàng của đạo, thay vì cãi nhau với người ta để tôn Giáo Hội lên, chúng ta hãy cho người ta thấy rằng, chúng ta và Giáo Hội chúng ta đang tha thiết muốn làm cho kẻ điếc được nghe, kẻ mù được thấy, kẻ què được đi, người bệnh được khỏe, kẻ nghèo được ấm no, người khổ được an ủi v.v… Chúng ta có thể làm những việc đó qua đời sống của chúng ta. Một nhà truyền giáo, lần đầu tiên đến Trung Hoa, giảng về Chúa Giêsu cho một nhóm dân bản địa. Khi ngài kết thúc, một người nói:- Phải, chúng tôi đã biết ngài. Ngài đã sống ở đây. Nghe thế, nhà truyền giáo liền nói:- Không, Đức Giêsu sống ở nước khác, cách đây gần 2000 năm rồi.
Nhưng những người đó vẫn khăng khăng bảo:- Chúng tôi đã thấy Chúa. Chúa đã sống trong làng này. Chúng tôi biết Ngài. Rồi ông dẫn nhà truyền giáo đến nghĩa trang và chỉ cho nhà truyền giáo thấy ngôi mộ của một nhà truyền giáo khác, đã từng sống với họ, phục vụ họ và cuối cùng, an giấc nơi cộng đoàn của họ.
Mẹ Têrêsa đã có lần nói: "Hãy mở lòng, để Thiên Chúa làm thấm nhuần tấm lòng bạn bằng tình yêu thương. Chúa yêu thương bạn với tình yêu dịu hiền. Những gì Chúa ban tặng không phải để bạn giữ lấy và khóa kỹ, nhưng để bạn cho đi”. Chính mẹ là người đã cho thế giới thấy rõ hình ảnh về Đấng Messia luôn quan tâm đến việc cứu giúp những kẻ khốn khổ. Tiếc thay là mẹ Têrêsa không còn nữa! Thế giới thì vẫn luôn cần có những người như mẹ. Ước gì Chúa ban cho Giáo Hội những Têrêsa Calcutta khác. Và ước gì mỗi người chúng ta cũng là một Têrêsa Calcutta cho thế giới hôm nay.
“Hay là chúng tôi phải đợi một Đấng Messia khác ?” (Lc 7, 20)Ngày xưa, Gioan đã sai môn đệ ông hỏi Chúa như thế. Ngày hôm nay có lẽ cũng có nhiều người muốn hỏi Giáo Hội như vậy ? Hay là chúng tôi còn phải đợi một Giáo Hội khác ?
Vâng nếu Giáo Hội hôm nay không là một Giáo Hội cứu nhân độ thế, thì người ta sẽ đi tìm Đấng cứu nhân độ thế ở chỗ khác. Nếu cộng đoàn của tôi không phải là một nơi cứu nhân độ thế, thì người ta sẽ tìm đến những chỗ khác. Nếu tôi không phải là một người cứu nhân độ thế, thì dù tôi là Linh mục, tu sĩ hay Kitô hữu, tôi cũng chẳng có giá trị gì cho người mong đợi ở tôi và người ta sẽ đi tìm một người khác.
Trong quyển tự thuật Mahatma Gandhi, cha đẻ của chủ trương tranh đấu bất bạo động và là người đã giải phóng Ấn Độ khỏi ách thống trị của người Anh, người ta được biết: Trong những ngày còn là sinh viên, ông đã đi lại khá nhiều tại Nam Phi. Ông đã say mê đọc Kinh Thánh và vô cùng cảm kích về bài giảng trên núi của Chúa Giêsu. Chính Tám Mối Phúc Thật đã gợi hứng cho chủ trương tranh đấu bất bạo động của ông.
Mahatma Gandhi xác tín rằng, Kitô giáo là giải pháp cho mối ung nhọt phân chia giai cấp đang đục khoét xã hội Ấn từ bao thế kỷ qua. Ông đã nghĩ đến chuyện gia nhập vào Giáo Hội. Thế nhưng, ngày nọ, khi đến nhà thờ để dự lễ và để đón nhận vài lời chỉ dẫn, ông đã phải thất vọng. Ông vừa vào đến cửa nhà thờ thì những người da trắng đã chặn ông lại và nói với ông rằng, nếu ông muốn tham dự thánh lễ thì hãy tìm đến một nhà thờ dành riêng cho người da màu mà dự. Mahatma Gandhi đã ra khỏi nhà thờ và từ đó trở đi ông đã không bao giờ trở lại bất cứ nhà thờ nào nữa. Thế là Chúa mất đi một tín đồ nhiệt thành. Người ta nói rằng, nếu hôm đó ông được đối xử một cách nhân từ và rộng lượng thì ngày nay cả nước Ấn Độ có lẽ đã được biết Chúa.
Nhưng tiếc thay! Đã quá muộn. Chúng ta xin cho chúng ta biết sống một cuộc sống như Chúa để thành chứng nhân cho Chúa trong thế giới hôm nay. Lạy Chúa xin cho chúng con trở thành những cánh tay nối dài của Chúa. Amen.
bài liên quan mới nhất
- Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật Lễ Hiển Linh
-
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật Lễ Thánh Gia năm C -
Lễ Chúa Giáng Sinh (Lễ Đêm) -
Bài giảng: Lễ Giáng Sinh (+video) -
Lễ Chúa Giáng Sinh: Lễ Rạng Đông (+video) -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 4 mùa Vọng năm C -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 3 mùa Vọng năm C -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 2 mùa Vọng năm C -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 1 mùa Vọng năm C -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 34 Thường niên năm B - Chúa Kitô Vua
bài liên quan đọc nhiều
- Bài giảng: Lễ Giáng Sinh (+video)
-
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 14 Thường niên năm A -
Bài giảng Chúa Nhật: Đức Mẹ dâng Chúa Giêsu vào Đền Thánh -
Bài giảng Chúa Nhật: Chúa Nhật 2 Mùa Chay - Năm A -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 29 Thường niên năm A - Khánh nhật truyền giáo -
Bài giảng Chúa Nhật: Chúa Nhật 5 Thường Niên - Năm A -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 20 Thường niên năm A -
Bài giảng Chúa Nhật: Chúa Nhật 5 Mùa Chay - Năm A -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 34 Thường niên năm C - Lễ Chúa Giêsu Kitô Vua Vũ Trụ -
Bài giảng Chúa nhật: Lễ Đức Mẹ Mân Côi