Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 3 Phục sinh năm A
Lc 24,13-35
“Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người”.
(Lc 24,31)
Câu chuyện chúng ta vừa nghe là một trong những câu chuyện hay nhất ở trong Tin Mừng. Hay không phải ở bối cảnh cũng không phải hay ở trong tình tiết mà là ở chỗ nó có một ý nghĩa đặc biệt, nó gói ghém một sứ điệp Chúa muốn gửi đến cho mỗi người chúng ta.
1/ Như anh chị em đã biết ngay sáng ngày thứ nhất trong tuần, Tin Mừng Phục sinh đã được loan báo cho nhóm 11 và một số người khác trong đó có cả hai môn đệ được Tin Mừng hôm nay nhắc tới - thì ngay chiều hôm đó hai ông này đã rời bỏ Jêrusalem để đi về Emmau một địa danh cách Jêrusalem khoảng chừng 11 cây số.
Tin Mừng không cho chúng ta biết lý do tại sao họ lại bỏ Jêrusalem vào lúc sự việc còn tranh tối tranh sáng như thế. Cứ theo những lời họ nói thì ta phải kết luận là họ thất vọng. Hoàn toàn thất vọng. Họ muốn bỏ cuộc. Bây giờ thì họ đang ở trên đường con đường, với một tâm hồn nặng trĩu một nỗi u buồn và những bước chân thật nặng nề và chậm chạp. Cha Thành Tâm gọi là “lê bước chân buồn đường dài”.
Họ vừa đi vừa nói chuyện với nhau. Những chuyện họ nói cũng chẳng có gì là hào hứng. Toàn là một màu ảm đạm và u buồn.
Rồi khi Chúa hiện ra nhập bọn cùng đi với họ...sự việc đó cũng chẳng làm cho họ thay đổi gì. Khi Chúa hỏi họ: “Các bạn có chuyện gì vừa đi vừa đàm đạo với nhau mà buồn thế... ?” thì họ sẵn sàng bộc lộ tất cả những gì họ đang nghĩ “Sự việc liên can đến Ông Giêsu thành Nazareth..”.. Họ kể cho người khách lạ khá rõ và khá chi tiết về ý nghĩ của họ đối với Ngài và về những sự việc có liên quan đến Ngài mới xảy ra. Họ cũng chẳng sợ hãi mà dấu diếm cả những mong đợi thầm kín nhất mà họ đã đặt ở nơi Ngài: “Phần chúng tôi, chúng tôi vẫn hy vọng Ngài sẽ cứu Israel” (Lc 24,21) và bây giờ thì chấm dứt tất cả. Trước kia họ có hy vọng. Bây giờ thì không...thậm chí có thể còn là thất vọng. Cái chết của Đấng mà họ đặt niềm hy vọng giờ thì đã làm thay đổi tất cả. Ánh sáng mới loé ra bây giờ đã vụt tắt. Hy vọng mới ló dạng giờ đây đã tiêu tan và trước mắt chẳng có gì sáng sủa. Tương lai lại trở về với mù tối, u buồn và chán nản. Kiếp sống nô lệ tủi nhục chưa tìm được lối ra. Tất cả những gì mà người ta đồn về Ngài chẳng có gì đáng tin....Thế là hết . Đổ vỡ tất cả. Tan tành tất cả.
2/ Đứng trước thái độ thất vọng như thế, Chúa xử trí ra sao ?
- Lúc đầu xem ra có vẻ Chúa hơi buồn: “Ôi những người khờ dại sao mà chậm tin những điều các tin tiên tri đã nói như thế ?”. Lúc sinh thời cũng đã có lần Chúa phàn nàn về sự chậm tin của các Tông đồ như vậy. Thế nhưng đó chỉ là những phản ứng rất chóng qua.
- Sau đó Chúa kiên nhẫn giúp các ông tìm lại niềm tin của mình. Thánh Luca đã cho chúng ta một chi tiết rất nhỏ nhưng khá thú vị. Đó là Chúa “bắt đầu từ Môsê đến tất cả các tiên tri giải thích cho các ông tất cả các lời Thánh Kinh ám chỉ về Ngài” (Lc 24,27). Luca bảo Chúa dùng “Tất cả những lời Kinh Thánh có liên hệ đến Ngài ... để giải thích cho hai môn đệ mà Ngài gọi là chậm tin. Chúa không hề nhắc tới bất cứ một chứng cớ nào vừa mới xảy ra. Chúa chỉ dùng Thánh kinh. Đó là công việc Chúa làm cho hai môn đệ đang lúc đi đường.
Sau đó Chúa còn dùng thêm một gợi ý khác và chính nhờ công việc này mà hai môn đệ đã nhận ra Thầy chí Thánh của mình dễ dàng hơn. Tin Mừng kể sau khi cả ba đã vào quán trọ, trong khi bẻ bánh, Chúa đã làm lại một cử chỉ mà trước đó Chúa đã làm trong những giờ phút cảm động nhất cuối cuộc đời của Ngài. “Ngài cầm bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho hai Ông”.(Lc 24,30)..y như Chúa đã trao cho các Tông đồ trong bữa tiệc ly lúc Chúa lập Bí tích yêu thương. Và như Tin Mừng ghi lại “Lập tức hai Ông nhận ra Chúa. Nhưng ngay sau đó thì Chúa biến đi”. (Lc 24,31)
Dù Chúa đã biến đi, nhưng chúng ta thấy hai môn đệ đã tỏ ra hết sức vui mừng. Và ngay trong đêm tối các ông đã hối hả gấp rút trở về Jêrusalem để báo tin vui cho các tông đồ. Thật là một niềm vui không thể không chia sẻ với người khác. Tin Mừng không cho chúng ta biết gì về cuộc sống của hai môn đệ sau đó. Nhưng chúng ta có quyền mà nói rằng chắc chắn họ sẽ nhìn cuộc sống với một cặp mắt khác hơn...không u ám xám xịt như trước, không còn thất vọng như trước nhưng tràn đầy niềm tin, ngập tràn hy vọng. Vì cuộc sống đã có Chúa.
3/ Nói tới đây tự nhiên tôi nhớ đến một câu chuyện rất hay mà mỗi khi đọc bài Tin Mừng này người ta hay nhắc đến. Chuyện kể rằng có một người thanh niên kia phải thực hiện một chuyến đi dài. Trong chuyến đi này có lúc anh phải đi ngang qua rất nhiều nơi. Một ngày kia anh phải băng qua một bãi biển có nhiều nguy hiểm. Dầu vậy anh cũng rất an tâm vì Chúa hứa cùng đi với anh. Tuy Chúa không hiện hình như một người bình thường anh vẫn có thể nhận ra Ngài qua những dấu chân được in trên cát. Hai dấu chân của anh và hai dấu chân của Chúa. Nhưng rồi tới một đoạn đường nọ anh gặp một cơn thử thách rất nặng nề. Nhìn xuống anh chỉ thấy có hai bàn chân in trên cát. Dầu sao thì anh vẫn dồn hết sức can đảm để tiến lên. Khi cơn thử thách đã qua, nhìn xuống anh lại thấy đủ bốn dấu chân in trên cát như trước. Anh có vẻ hơi buồn với Chúa cho nên anh đánh bạo hỏi Ngài:
“Thưa Thầy, lúc đó Thấy ở đâu ? Sao lại để con đi có một mình ?”
Chúa nhỏ nhẹ nói với anh: “Con hãy quay lại nhìn kỹ xem...đó là vết chân của ai ?”
Nhìn kỹ lại thì anh thì thấy đó không phải là vết chân của mình mà là vết chân của Chúa.
Thắc mắc anh hỏi Chúa: “Vậy lạy Thầy, lúc đó con ở đâu ?”
Chúa nhìn anh với cặp mắt đầy lòng yêu thương và trả lời: “Con ạ. Lúc con gặp khó khăn. Thầy biết con không đủ sức chịu đựng. Vì thế Thầy đã cõng con trên lưng của Thầy”
Câu chuyện phát xuất từ nước Brazil tận Nam Mỹ nhưng nội dung của nó cũng thật gần gũi với chúng ta.
Hai câu chuyện: một là câu chuyện hai môn đệ đi làng Emmau và hai là câu chuyện của một chàng thanh niên. Hoàn cảnh, không gian, thời gian tuy có khác nhau nhưng ý nghĩa của nó sao mà giống nhau quá.
Đời sống mãi mãi là cuộc hành hương. Trên con đường hành hương ấy chẳng thiếu gì những khó khăn, nhiều khi còn có cả ngã quỵ và đổ vỡ. Đừng tìm cách lẩn trốn những khó khăn. Cũng đừng quá quan trọng hóa những ngã quỵ và đổ vỡ. Cuộc đời làm sao tránh được những thất bại, làm sao tránh được những khổ đau, làm sao tránh được những lúc buồn lòng. Điều cần là tin vào Chúa. Không phải một Thiên Chúa xa vời chẳng ăn nhằm gì tới cuộc sống mà là một Thiên Chúa luôn đồng hành với chúng ta trong những bước đi của cuộc sống làm người. Không phải vô tình mà khi cắt nghĩa cho hai môn đệ đi đàng Emmau, Chúa đã dùng Kinh Thánh và dấu chỉ Bí tích Thánh thể để giúp họ nhận ra Chúa. Qua câu chuyện hai môn đệ đi đàng Emmau Chúa cũng muốn nói với mỗi người chúng ta rằng: Chúa cũng đang ở thật gần chúng ta. Vô hình vô tượng nhưng đầy tình thương. Ngài luôn đồng hành với chúng ta. Hãy tin tưởng ở Ngài và hãy can đảm bước đi những bước vững vàng và thanh thản trên con đường phục vụ để làm nên ý nghĩa cao cả cho cuộc đời và xứng đáng là môn đệ của Chúa Phục Sinh. Amen.
bài liên quan mới nhất
- Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật Lễ Hiển Linh
-
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật Lễ Thánh Gia năm C -
Bài giảng: Lễ Giáng Sinh (+video) -
Lễ Chúa Giáng Sinh (Lễ Đêm) -
Lễ Chúa Giáng Sinh: Lễ Rạng Đông (+video) -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 4 mùa Vọng năm C -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 3 mùa Vọng năm C -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 2 mùa Vọng năm C -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 1 mùa Vọng năm C -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 34 Thường niên năm B - Chúa Kitô Vua
bài liên quan đọc nhiều
- Bài giảng: Lễ Giáng Sinh (+video)
-
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 14 Thường niên năm A -
Bài giảng Chúa Nhật: Đức Mẹ dâng Chúa Giêsu vào Đền Thánh -
Bài giảng Chúa Nhật: Chúa Nhật 2 Mùa Chay - Năm A -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 29 Thường niên năm A - Khánh nhật truyền giáo -
Bài giảng Chúa Nhật: Chúa Nhật 5 Thường Niên - Năm A -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 20 Thường niên năm A -
Bài giảng Chúa Nhật: Chúa Nhật 5 Mùa Chay - Năm A -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 34 Thường niên năm C - Lễ Chúa Giêsu Kitô Vua Vũ Trụ -
Bài giảng Chúa nhật: Lễ Đức Mẹ Mân Côi