Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 3 Phục sinh năm C
Ga 21,1-19
"Người bảo ông: "Hãy theo Thầy"
(Ga 21,19).
Những bài đọc hôm nay có thể hướng những suy tư chúng ta về vận mạng tương lai của Giáo Hội. Vận mạng tương lai của Giáo Hội Chúa được xây dựng trên nền tảng vững chắc, là niềm tin vào Chúa Giêsu Kitô Phục sinh, Đấng cứu rỗi duy nhất của tất cả mọi người và trên sự dấn thân của mỗi người cộng tác với ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần, để làm chứng và thông truyền cho anh chị em những sự thật có sức mạnh cứu rỗi.
Bài đọc thứ nhất được trích từ sách Tông đồ Công vụ, cho chúng ta nhìn thấy các tông đồ đã sống thái độ trên như thế nào. Các ngài dù bị những vị lãnh đạo tôn giáo đầy uy quyền ngăn cấm, không cho phép được lên tiếng làm chứng cho Chúa Giêsu Kitô Phục sinh, không được rao giảng sự thật về Chúa, nhưng tông đồ Phêrô đã mạnh dạn trả lời: "Phải vâng Lời Thiên Chúa hơn là vâng lời loài người". Thiên Chúa Cha chúng ta đã cho Chúa Giêsu sống lại, đấng mà các ông đã giết chết bằng cách đóng đinh Ngài trên thập giá, Thiên Chúa Cha đã tôn vinh Ngài bên hữu Người và làm cho Ngài trở thành thủ lãnh và là đấng Cứu Thế để ban cho dân Israel ơn ăn năn trở lại và sự tha thứ các tội lỗi. Về tất cả những điều này, chúng tôi và Chúa Thánh Thần mà Thiên Chúa Cha đã ban cho tất cả những ai tùng phục Chúa. Chúng tôi và Chúa Thanh Thần cùng làm chứng"(CVTD 5,29-35). Thật là can đảm! Khó tìm thấy những lời tuyên xưng rõ rệt, dứt khoát như thế!.
Vâng! Vận mạng tương lai của Giáo Hội được xây dựng trên những thái độ can đảm như vậy. "Chúng tôi phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời con người". Đây là một câu trả lời rõ ràng dứt khoát cho những hành động lạm dụng quyền hành của mình để xen vào việc của Chúa. Hoàn toàn không phải là một lời kêu gọi dân chúng nổi loạn, chống lại quyền bính chính trị lúc đó.
Và đây cũng là câu trả lời của một con người mà trước đó không lâu đã phạm những lỗi lầm thật nghiêm trọng. Chúng ta hãy nhớ lại bối cảnh lúc đó một chút.
Chỉ cách biến cố này không bao xa, vào đêm Thứ Năm Tuần Thánh, Phêrô đã yếu đuối, hèn nhát như thế nào. Ba lần ông đã chối Thầy chí thánh của mình!
Giả như Chúa có loại trừ ông, thì hầu chắc mọi người sẽ nói rằng Người đã không còn sự lựa chọn nào khác. Phêrô là thủ lãnh của các tông đồ, vậy mà ông đã làm gương xấu cho người khác. Nếu Chúa có cất chức ông thì việc đó cũng chẳng có gì là lạ!
Nhưng Chúa Giêsu đã không làm thế, Người không loại trừ ông. Thậm chí Người không giáng chức ông. Và cũng chẳng có sự buộc tội nào. Sự phản bội của Giuđa là một việc có hoạch định trước, và được thực hiện với thái độ lạnh lùng, có đắn đo suy nghĩ. Còn hành động chối Thầy của Phêrô không hoạch định trước. Đây chỉ là hậu quả của sự yếu đuối hơn là ác tâm. Chúa Giêsu, Người thấu suốt mọi tâm hồn, đã biết điều này.
Và sáng hôm nay, sau buổi điểm tâm, Chúa Giêsu đã quay nhìn Phêrô và nói : "Này Simon con Gioan, anh có mến Thầy hơn các anh em này không?"
Thật là một câu hỏi kỳ lạ, khi hỏi: "Anh có mến Thầy không ?" Phải chăng Phêrô không còn yêu mến Thầy nữa. Và chúng ta nghe ông thưa lại:
- Lạy Thầy, Thầy biết con mến Thầy.
Ông đã thành thật nói lên những lời này. Đó là sự thật. Thật sự lúc nào ông cũng yêu mến Chúa. Chúa Giêsu còn biết Phêrô nhiều hơn chính ông biết về mình. Người biết ông lúc nào ông cũng đặt Người là số 1. Sự mạnh mẽ và yếu đuối có thể cùng hiện hữu nơi một con người. Và bây giờ Chúa mời gọi Phêrô tiến bước. Người yêu cầu ông phải công khai tuyên bố tình yêu của mình với Thầy, vì lẽ ông đã công khai chối Thầy.
Chúa Giêsu đã không ghi tội của Phêrô. Nhưng Người mời gọi ông chăn dắt đoàn chiên của Người, tức là yêu thương và phục vụ anh chị em trong cộng đoàn. Đây là dịp để ông ăn năn hối lỗi. Đó là cách tốt nhất để chuộc tội. Sau này chính Phêrô đã viết: lòng yêu thương che phủ muôn vàn tội lỗi" (I Pr 4,8).
Chắc Phêrô không bao giờ quên được biến cố ông đã chối Thầy Giêsu. Không biết biến cố ấy có ám ảnh ông theo cách mà mọi người thường bị ám ảnh bởi tội lỗi của họ hay không, nhưng chắc chắn là ông đã rút ra được một bài học lớn từ sự vấp ngã này. Ông biết ông đã không can đảm như ông nghĩ. Và ông cũng biết mặc dù ông đã chối Thầy, nhưng Thầy Giêsu vẫn yêu ông. Đó là tình yêu đưa Phêrô trở lại với cuộc sống. Đó là kinh nghiệm đáng kinh ngạc vì được yêu cả khi mình yếu đuối và tội lỗi. Yêu một người vì sự tốt đẹp của họ là lẽ thường tình. Nhưng yêu một người với cả những cái xấu của họ - đó mới thật phi thường. Điều đó cho biết ân sủng là như thế nào.
Phêrô đã can đảm đứng dậy sau lần vấp ngã. Kinh nghiệm đã giải thoát ông khỏi sự kiêu ngạo và sự tin tưởng mù quáng vào tài xoay sở của mình. Kinh nghiệm đó cũng có thể giúp ông hiểu được sự yếu đuối nơi người khác.
Phêrô đã trở nên tốt. Qua bài đọc của sách Công Vụ Tông Đồ, chúng ta thấy ông đã đứng dậy trước công nghị và đã làm chứng cho Chúa Giêsu như thế nào. Ông là nguồn an ủi rất lớn và cũng là một tấm gương thật sáng ngời cho chúng ta.
Tháng 3 năm 1983, nhà thơ Nga - Irina Ratushinskaya, bị kết án 7 năm lao động khổ sai và 5 năm lưu đày. Tội của bà là - sáng tác những bài thơ mà chính quyền không chấp nhận. Trong tù, bà chịu đựng sự đánh đập, bị biệt giam trong điều kiện khí hậu lạnh cứng, rất khắc nghiệt.
Thân xác còn tệ hơn. Tim, gan, cật, đều có vấn đề. Hơn nữa bà còn bị viêm phế quản kinh niên. Dù phải sống trong điều kiện như vậy, bà vẫn tiếp tục viết, rồi chuyển những bài thơ được viết trên những mảnh giấy vụn ra bên ngoài qua những người gác ngục, những người lính và những khách đến thăm. Vào tháng 10 năm 1986 Bà được phóng thích.
Làm sao bà có thể sống được như thế? Thưa đó là niềm tin Kitô Giáo.
Niềm tin Kitô giáo đã quyết định sự sống còn của bà. Bà nói:
- Khi bạn đang phiền muộn, hay trong cơn quẫn bách, dường như Chúa luôn luôn gần bên bạn hơn. Chúa bên tôi trong những ngày tôi ở trong tù, như cánh tay liền sát vai.
Một điều quan trọng khác nữa giúp cho sự tồn tại của Irina trong những ngày lao tù là mối tương quan tốt đẹp bền vững thật khó tin mà bà đã có với những nữ tù nhân. Gian nguy đã nối kết mọi người lại với nhau và làm cho họ cảm thấy có trách nhiệm với nhau.
Irina và những bạn bè của bà thường biểu tình tuyệt thực nếu một trong số họ bị ngược đãi. Bà nói:
- Tôi cảm thấy hạnh phúc khi tất cả chúng tôi vẫn còn sống. Trong thời gian tôi ở tù, một phần ba nam tù nhân trong trại đã chết. Tất cả phụ nữ đã từng ở trong trại giờ đây đều là các Kitô hữu. Trong số đó có người nay là nữ tu công giáo. Niềm tin cũng giúp cho đời sống tâm lý của tôi tránh khỏi bị huỷ hoại bởi lòng căm thù và cay đắng. Kinh nghiệm đã dạy cho tôi rất nhiều về khả năng vô song của tinh thần con người để có hạnh phúc trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Chúng ta là môn đệ của Chúa Giêsu. Người trông mong chúng ta làm chứng cho Người trong thế giới hôm nay. Một số người trong chúng ta đã được kêu gọi đón nhận những đau khổ như những đau khổ mà các tông đồ hay những người như Irina và bạn bè của bà đã trải qua. Chúng ta có thể không phải đối diện với những việc tồi tệ và thái độ hết sức dửng dưng của người đương thời như thế, nhưng con đường làm chứng của chúng ta là con đường lúc nào cũng rộng mở thênh thang. Hãy sống như Chúa đã sống! Hãng làm như Chúa đã làm! Hãy đối xử với những người khác như là chính Chúa đối xử với họ! Bằng cách ấy chúng ta đang làm chứng cho Chúa Giêsu phục sinh đang sống giữa loài người. Amen.
bài liên quan mới nhất
- Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật Lễ Hiển Linh
-
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật Lễ Thánh Gia năm C -
Lễ Chúa Giáng Sinh (Lễ Đêm) -
Bài giảng: Lễ Giáng Sinh (+video) -
Lễ Chúa Giáng Sinh: Lễ Rạng Đông (+video) -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 4 mùa Vọng năm C -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 3 mùa Vọng năm C -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 2 mùa Vọng năm C -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 1 mùa Vọng năm C -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 34 Thường niên năm B - Chúa Kitô Vua
bài liên quan đọc nhiều
- Bài giảng: Lễ Giáng Sinh (+video)
-
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 14 Thường niên năm A -
Bài giảng Chúa Nhật: Đức Mẹ dâng Chúa Giêsu vào Đền Thánh -
Bài giảng Chúa Nhật: Chúa Nhật 2 Mùa Chay - Năm A -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 29 Thường niên năm A - Khánh nhật truyền giáo -
Bài giảng Chúa Nhật: Chúa Nhật 5 Thường Niên - Năm A -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 20 Thường niên năm A -
Bài giảng Chúa Nhật: Chúa Nhật 5 Mùa Chay - Năm A -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 34 Thường niên năm C - Lễ Chúa Giêsu Kitô Vua Vũ Trụ -
Bài giảng Chúa nhật: Lễ Đức Mẹ Mân Côi