Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 3 Thường niên năm B
Mc 1,14-20
A. Sứ mệnh chính yếu của Chúa Giêsu là loan Tin Mừng Nước Thiên Chúa và thiết lập Nước ấy ngay ở trần gian.
Vâng Chúa muốn loan báo một TIN MỪNG
Nhưng thế nào là một Tin mừng ? Tin mừng là một điều mới mẻ chưa được biết nay được loan báo cho biết. Điều mới mẻ này liên quan mật thiết đến bản thân chúng ta, đem lại một cơ may, một vận hội mới. Tin mừng luôn mở ra một hoàn cảnh tốt đẹp hơn, có khi đánh dấu một khúc quặt trong đời.
Tin mừng lớn nhất từ xưa đến nay chưa từng có và từ nay về sau sẽ chẳng bao giờ có nữa là Tin mừng Thiên Chúa ban cho người trần qua Con của Ngài: Tin mừng Nước Thiên Chúa.
Tin mừng khác với lý thuyết. Một lý thuyết, dầu mới mẻ và quan trọng đến đâu, ví dụ thuyết của Einstein, cũng không tác động trực tiếp đến số phận của con người. Nó có thể soi sáng trí tuệ, mang tới sự hiểu biết mới, nhưng không có khả năng lay động tâm hồn, làm thay đổi cuộc sống. Giỏi lý thuyết không đương nhiên trở thành một con người đạo đức hơn.
Còn Tin Mừng thì khác. Tin mừng luôn thiết thân với bản thân và cuộc sống. Nó có sức mạnh làm xoay chiều số phận, đảo lộn cuộc đời, đưa vào một hướng mới, có khi buộc phải làm lại cuộc đời từ đầu. Augustino đã đoạn tuyệt với quãng đời buông thả khi nghe lời thúc giục: 'Hãy cầm và dọc’. Người thanh niên ham vui ở Assisi đã từ bỏ tất cả để sống cuộc đời khổ hạnh nhờ lời Phúc thứ nhất: "Phúc cho ai có tinh thần nghèo khó”. Tin mừng là như vậy.
Chúa Giêsu đến để loan Tin Mừng chứ không phải để dạy lý thuyết. Ngài không đến như một học giả, mang một hệ thống lý thuyết đến để làm cho mọi người nên thông thái. Ngài là sứ giả của Thiên Chúa, mang đến toàn những tin rất đáng kinh ngạc. Ngài đến bảo chúng ta: Thiên Chúa muốn mở cho anh một con đường mới, đưa anh vào một thế giới mới, tỏ cho anh biết mọi bí ẩn về đời anh và như vậy làm cho đời anh thành tựu. Anh đã nghe ra chưa ? Có chịu không ? Và nếu chịu thì chúng ta cùng nhau bắt tay vào việc thực hiện ngay.
Chúng ta biết có nhiều cuộc đời đã bị chấn động và đã xoay chiều vì Tin mừng của Chúa Giêsu. Khi Ngài nói với thiếu phụ xứ Samaria: Nước giếng này uống rồi lại khát, còn nước tôi ban, ai uống sẽ không bao giờ khát nữa, vì là nước ban sự sống đời đời. Ngài không dạy chị ta một lý thuyết nhưng loan một Tin mừng. Nhờ Tin mừng này chị nhận ra Đấng Cứu thế và đã đổi đời. Cũng vậy lời tha tội nói với thiếu phụ ngoại tình: Ta cũng không kết án chị. Hãy ra về và đừng phạm tội nữa.. . là một Tin mừng. Tin mừng tha thứ còn được loan cho Mađalêna, cho Giakê, cho người trộm lành ..
Nhưng nội dung Tin Mừng là gì ? Thưa là Nước Thiên Chúa.
Nội dung tin mừng Chúa Giêsu loan truyền là Nước Thiên Chúa. Nội dung đó có thể tóm lược như sau:
Nước Thiên Chúa là mối tương quan thân tình giữa Thiên Chúa và mỗi tâm hồn.
Là tình trạng viên mãn, tràn đầy hồng ân và tình thương của Thiên Chúa, đứng đầu là hồng ân cứu độ.
Là sự hiệp thông thâm sâu với Thiên Chúa. Vào Nước Thiên Chúa là tự nguyện thuộc về Thiên Chúa, hiệp thông sự sống với Ngài, và do đó được sống trong tình trạng viên mãn, được hưởng trọn vẹn tình thương và ân phúc của Ngài.
Chúa Giêsu đến để loan báo Tin mừng Nước Thiên Chúa. Nói đúng hơn, sự hiện diện của Ngài là chính Nước Thiên Chúa. Chúa Giêsu là Hồng ân tuyệt hảo, là nguồn mọi ân phúc của Thiên Chúa, là hiện thân tình thương của Ngài, là sự thực hiện mọi dự định và mọi lời hứa của Ngài. Chúa Giêsu đến chính là Nước Thiên Chúa đến. Tin vào Chúa Giêsu và đón nhận Ngài là vào Nước Thiên Chúa và được hưởng mọi hồng ân của Ngài.
B. Phần chúng ta hôm nay thì sao ?
Chúa đã gọi chúng ta và Ngài còn tiếp tục gọi.
Chúa muốn chọn và gọi tôi, chọn và gọi anh chị em để chúng ta cùng với Ngài tiếp tục công việc Ngài còn để lại.
Phải làm cho mọi người được biết đến Tin Mừng.
Nhạc sĩ vĩ đại người Ý Giacomo Puccini đã viết rất nhiều vở kịch lừng danh. Năm 1922, lúc được 64 tuổi, thì ông mắc bệnh ung thư. Dầu vậy, ông vẫn quyết định phải hoàn thành vở nhạc kịch cuối cùng của đời mình. Đó chính là vở Turandot mà hiện nay được nhiều người đánh giá như là vở hay nhất của ông.
Ông hăng say miệt mài làm việc ngày đêm. Nhiều người ép ông nghỉ ngơi, vì theo họ nghĩ, ông không thể nào hoàn tất được vở kịch ấy.
Khi thấy căn bệnh ngày càng tồi tệ hơn, Puccini liền cho gọi các đệ tử của mình lại và nói với họ: "Nếu ta không hoàn tất được vở Turandot thì các con hãy cố gắng hoàn tất nó cho ta"
Thế rồi vào một ngày trong năm 1924 - một ngày định mệnh: Puccini được đem đến Brussels để giải phẫu và sau cuộc giải phẫu đó hai ngày thì ông qua đời.
Khi trở về Italy, các đệ tử của Puccini đã thu tập tất cả các bản thảo trong vở Turandot mà Puccini đã làm, rồi nghiên cứu kỹ lưỡng và sau đó họ tiếp tục làm cho đến lúc hoàn thành trọn vẹn vở nhạc kịch của Thầy.
Hai năm sau, năm 1926 người ta tổ chức một buổi lễ ra mắt vở nhạc kịch đó để cho mọi người thưởng thức. Người ta đã chọn nhà hát La Scala, một nhà hát lớn ở thành phố Milan để làm công việc này.
Vở nhạc kịch được Arturo Toscanini, người học trò ưu tú nhất của Puccini điều khiển. Tất cả mọi sự đều trôi chảy tốt đẹp nhưng đến chỗ mà Puccini buộc phải ngừng bút thì Toscanini không thể làm chủ được những cảm xúc của mình nữa. Ông đã bất ngờ cho dừng bản nhạc kịch lại. Với hàng những dòng nước mắt ràn rụa chảy trên má, Toscanini nhẹ nhàng đặt cây gậy điều khiển xuống - rồi quay về phía khán thính giả và nói lớn: "Sư phụ của chúng tôi đã viết được đến đây rồi Người qua đời"
Toàn thể nhà hát nhạc kịch lúc đó đều im phăng phắc. Tất cả mọi người trong nhà hát đều đứng dậy, không một tiếng động, không một hơi thở mạnh... Nhiều người lúc đó đã không cầm được nước mắt. Họ đứng bất động như thế một hồi lâu.
Sau đó, Toscanini cúi xuống cầm chiếc gậy điều khiển lên - rồi từ từ quay về phía cử tọa mỉm cười qua dòng lệ vẫn còn lăn trên má -rồi ông thốt lên: "Nhưng các đệ tử của Thầy đã hoàn tất công việc của Người".
Vở Turandot lại được tiếp tục và khi nó vừa dứt thì toàn thể khán thính giả lại một lần nữa đứng dậy vỗ tay như long trời lở đất. Những người có mặt ngày hôm đó không thể nào quên được những giờ phút đặc biệt cảm động ấy.
Câu truyện sáng tác vở nhạc kịch Turandot của Puccini cũng là câu chuyện của mỗi người chúng ta.
Trước khi Chúa Giêsu hoàn tất công trình thiết lập nước Thiên Chúa trên trần gian thì Ngài qua đời và sau khi sống lại Ngài đã về trời. Những trước khi về trời thì Ngài cũng đã yêu cầu các môn đệ của Ngài tiếp tục hoàn tất công trình ấy: "Các con hãy đi rao giảng"
Công việc của Puccini được các đệ tử hoàn tất trong vài năm. Còn công việc của Chúa Giêsu hiện vẫn còn phải tiếp tục.
Chúa còn cần đến nhiều thế hệ liên tiếp nhau mới có thể hoàn tất được công trình của Chúa.
Các môn đệ thuở xưa đã chu toàn sứ mạng Chúa trao phó một cách hết sức tốt đẹp. Là môn đệ của Chúa chúng ta cũng có bổn phận cộng tác vào việc xây dựng và mở mang nước Chúa bằng mọi sinh hoạt của chúng ta.
Lạy Chúa xin biến mỗi người chúng con thành nhân chứng của Ngài để qua mỗi chúng con nước Cha mau trị đến. Amen.
Lm. Giuse Đinh Tất Quý
bài liên quan mới nhất
- Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật Lễ Hiển Linh
-
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật Lễ Thánh Gia năm C -
Lễ Chúa Giáng Sinh (Lễ Đêm) -
Bài giảng: Lễ Giáng Sinh (+video) -
Lễ Chúa Giáng Sinh: Lễ Rạng Đông (+video) -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 4 mùa Vọng năm C -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 3 mùa Vọng năm C -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 2 mùa Vọng năm C -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 1 mùa Vọng năm C -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 34 Thường niên năm B - Chúa Kitô Vua
bài liên quan đọc nhiều
- Bài giảng: Lễ Giáng Sinh (+video)
-
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 14 Thường niên năm A -
Bài giảng Chúa Nhật: Đức Mẹ dâng Chúa Giêsu vào Đền Thánh -
Bài giảng Chúa Nhật: Chúa Nhật 2 Mùa Chay - Năm A -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 29 Thường niên năm A - Khánh nhật truyền giáo -
Bài giảng Chúa Nhật: Chúa Nhật 5 Thường Niên - Năm A -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 20 Thường niên năm A -
Bài giảng Chúa Nhật: Chúa Nhật 5 Mùa Chay - Năm A -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 34 Thường niên năm C - Lễ Chúa Giêsu Kitô Vua Vũ Trụ -
Bài giảng Chúa nhật: Lễ Đức Mẹ Mân Côi