Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 31 Thường niên năm C
Lc 19,1-10
"Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này,
bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Áp-ra-ham." (Lc 19,9)
Kính thưa anh chị em,
1. Chúng ta vừa được nghe lại một trong những câu truyện đẹp nhất trong Tin Mừng của Thánh Luca.
+ Mở đầu câu chuyện, hình ảnh của ông Giakêu rất xấu: Ông được mô tả như là một kẻ tội lỗi: Lý do là vì ông làm nghề thu thuế và lại là người giầu có. Nghề thu thuế xưa cũng như nay là nghề có nhiều cám dỗ về tiền bạc. Giakêu làm nghề thu thuế mà lại còn giầu có thì người ta có đủ lý do để nghi ngờ về sự giầu có bất chính của ông.
+ Nhưng đến cuối câu chuyện, hình ảnh của ông trở nên đẹp lạ thường. Lý do là vì ông thay đổi hẳn, thay đổi hoàn toàn, một sự đổi thay tuyệt vời làm cho Chúa Giêsu cũng phải nhìn nhận: “Hôm nay ơn cứu độ đã đến cho nhà này”. Sự thay đổi như thế nào thì đây chúng ta hãy nghe chính Giakêunói: "Thưa Ngài, đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn."
Giakêu đã được gặp Chúa và cuộc đời của ông đã thay đổi. Đây chẳng phải là chuyện tình cờ.
2. Chúng ta tự hỏi do đâu mà Da Kêu đã đổi đời như thế?
Một số nhà chú giải KT cho rằng: Có hai yếu tố giúp ông Giakêu tạo nên sự thay đổi đó:
- Yếu tố thứ nhất là những cố gắng của chính Giakêu: “tìm cách xem” mặt Chúa Giêsu, “chạy tới phía trước”, “leo lên một cây sung để xem Chúa Giêsu”.
Ơn cứu độ luôn sẵn đó. Chỉ cần Giakêu chịu khó tìm đến Chúa để lãnh nhận là có ngay.
Một hoàng tử kết hôn với hoàng hậu và đăng quang Tân vương. Đang lúc mọi người vui ca xướng hát mừng tân vương và hoàng hậu thì bỗng tiếng đàn hát im bặt. Mọi người ngạc nhiên nhớn nhác không biết có chuyện gì xảy ra thì kìa ở ngay giữa công trường đền vua, một tội nhân đang run rẩy chờ án tử hình trên đoạn đầu đài.
Kinh hoàng trước cảnh tượng đó: hoàng hậu nức nở khóc, xin tân vương ân xá cho tội nhân. Để an ủi hoàng hậu, tân vương xin quan tòa ân xá cho tội nhân như món quà dâng cho vua vào dịp lễ thành hôn của mình. Thế nhưng quan tòa đã từ chối và đòi phải chuộc mạng tội nhân với số tiền lớn là 1000 đồng tiền vàng. Lập tức tân vương dốc cạn túi thì được 800, hoàng hậu cũng trút hết ví trên tay được 50. Tân vương hỏi quan tòa:
- Với 850 tiền vàng, có chuộc được mạng tội nhân không?
Quan tòa đòi đủ 1000 theo luật định. Nghe nói thế, hoàng hậu liền đi quyên góp các nhà quý tộc đến dự tiệc. Tất cả được đã 999 đồng. Chỉ còn thiếu một đồng. Hoàng hậu lên tiếng hỏi:
- Chẳng lẽ chỉ thiếu một đồng mà người nầy phải chết ư?
- Luật là luật. Không miễn trừ cho ai được cả.
Hoàng hậu mới nảy ra sáng kiến. Biết đâu tội nhân có một đồng tiền vàng, và đúng thật trong túi tội nhân người ta tìm thấy một đồng.
Khi dựng nên con nguời: Thiên Chúa đã đặt trong tâm hồn mỗi nguời một một đồng tiền vàng có đủ giá trị cứu vãn đời mình.
Tin Mừng hôm nay cho chúng ta biết ông Giakêu có đồng tiền vàng đó. Khi nghe tin Chúa Giêsu đến thành phố ông, "ông tìm cách để xem cho biết Chúa Giêsu là ai, nhưng không được vì dân chúng thì đông mà ông ta lại lùn. Ông liền lên phía trước leo lên một cây sung để xem Đức Giêsu (Lc l9,3-4). Và khi Chúa Giêsu gọi ông, "Ông vội vàng tụt xuống và mừng rỡ đón rước Người" (Lc.19,6). Đồng tiền vàng của ông Giakêu chính là: “tìm cách..xem cho biết Chúa Giêsu, là chạy đến phía trước, là leo lên một cây sung, là vui mừng đón tiếp...." (Theo “"Phút Cầu Nguyện Cuối Ngày", tập I).
- Yếu tố thứ hai là lòng nhân từ của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu “nhìn lên” ông, Ngài gọi ông “xuống mau đi”, Ngài đưa ra đề nghị đến nhà ông “Hôm nay tôi phải ở lại nhà ông”. Chúa Giêsu tự giới thiệu là “Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất”.
Để cảm hóa một con người thường bao giờ Chúa cũng đi một bước trước. Hai anh em Andre và Simon đang giặt lưới thì Chúa đến và gọi. Hai ông bỏ mọi sự mà đi theo Chúa ngay. Levi người thu thuế đang làm việc tại bàn thu thuế, Chúa cũng đến và lên tiếng gọi, Lêvi đứng dây ngay lập tức và hân hoan theo Ngài.
Trong kho tàng những câu chuyện về Thiền, tôi đọc được câu chuyện cảm động này. Thiền sư Sengai có mở một lớp để huấn luyện các đệ tử của mình. Có rất nhiều đệ tử đến theo học Thiền dưới sự hướng dẫn của thiền sư. Một người trong bọn họ thường hay thức dậy ban đêm, vượt tường ra phố để dạo mát cho thoả thích.
Một đêm kia, Sengai đi giám sát phòng ngủ, thấy một đệ tử vắng mặt và cũng khám phá ra được chiếc ghế đẩu cao mà anh ta thường dùng để leo qua tường. Sengai liền dời chiếc ghế đi chỗ khác và đứng thay vào chỗ đó. Khi anh chàng rong chơi trở về, không biết thầy Sengai đang đứng đúng ở vị trí chiếc ghế, anh ta đặt chân lên đầu thầy và nhảy xuống đất. Lúc khám phá ra việc mình đã làm, anh ta hoảng sợ, nhưng Sengai nhẹ nhàng bảo:
- Sáng sớm hôm nay trời lạnh lắm. Con hãy cẩn thận kẻo bị cảm đấy!
Từ đó trở đi, người đệ tử ấy không bao giờ bỏ ra ngoài ban đêm nữa. Anh chuyên tâm học tập và trở thành người đệ tử gương mẫu của thầy Sengai.
Thiên Chúa không những tế nhị, dịu dàng, và nhân từ như thầy Sengai mà Người còn khoan dung, tha thứ và yêu thương những con người tội lỗi hơn nhiều.
Chúng ta hãy nghe lại những lời Chúa nói với ông Giakêu: "Này Giakêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông!" (Lc 19,5). Hạnh phúc quá bất ngờ: Người không chỉ biết ông đang ở trên cây mà còn biết cả tên ông. Người không chỉ muốn đến thăm mà còn xin ở lại nhà ông. Ông chỉ có một ao ước nhỏ nhoi là được nhìn thấy Người, nhưng Người lại cho ông cả một ân huệ lớn lao vượt quá lòng ông mong ước.
Vâng, chính đôi mắt tâm hồn ông đã được bừng sáng, để ông không chỉ thấy một con người bình thường trước mặt, nhưng còn thấy Người chính là Đấng ban ơn cứu độ, đầy lòng nhân từ và xót thương; để ông không chỉ thấy tiền bạc là tất cả nhưng còn thấy được giá trị cao cả của chia sẻ và trao ban. Ông đã quá vui mừng hứa với Chúa: "Thưa Ngài, này đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo, và nếu tôi đã cưỡng đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn" (Lc 19,8). Và Chúa chỉ chờ có thế, để nói với mọi người: "Ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Ápraham" (Lc 19,9).
Và chắc chắn, không ai có thể ngăn cản ông ngồi đồng bàn với Chúa, trong bữa tiệc hân hoan ngay sau đó. Chắc chắn, ông Giakêu không còn giầu có như trước nữa, nhưng ông sẽ hạnh phúc hơn nhiều. Chắc chắn thân xác ông vẫn lùn như xưa, nhưng tâm hồn ông đã cao thượng hơn gấp bội.
Lạy Chúa, xin cho chúng con cũng có được một tấm lòng khoan dung như Chúa, và một tâm hồn quảng đại như Giakêuđể cả thế giới này trở nên con cái Ápraham, và được hưởng nhờ ơn cứu độ của Chúa. Amen.
bài liên quan mới nhất
- Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật Lễ Hiển Linh
-
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật Lễ Thánh Gia năm C -
Lễ Chúa Giáng Sinh (Lễ Đêm) -
Bài giảng: Lễ Giáng Sinh (+video) -
Lễ Chúa Giáng Sinh: Lễ Rạng Đông (+video) -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 4 mùa Vọng năm C -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 3 mùa Vọng năm C -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 2 mùa Vọng năm C -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 1 mùa Vọng năm C -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 34 Thường niên năm B - Chúa Kitô Vua
bài liên quan đọc nhiều
- Bài giảng: Lễ Giáng Sinh (+video)
-
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 14 Thường niên năm A -
Bài giảng Chúa Nhật: Đức Mẹ dâng Chúa Giêsu vào Đền Thánh -
Bài giảng Chúa Nhật: Chúa Nhật 2 Mùa Chay - Năm A -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 29 Thường niên năm A - Khánh nhật truyền giáo -
Bài giảng Chúa Nhật: Chúa Nhật 5 Thường Niên - Năm A -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 20 Thường niên năm A -
Bài giảng Chúa Nhật: Chúa Nhật 5 Mùa Chay - Năm A -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 34 Thường niên năm C - Lễ Chúa Giêsu Kitô Vua Vũ Trụ -
Bài giảng Chúa nhật: Lễ Đức Mẹ Mân Côi