Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 4 Phục sinh năm B
Ga 10, 11-18
Kính thưa anh chị em,
Như anh chị em đã được loan báo từ tuần trước: Hôm nay là ngày toàn thể Giáo Hội cầu nguyện cho ơn thiên triệu. Nói cụ thể hơn đó là ngày Giáo Hội cầu nguyện cho ơn gọi Linh Mục và tu sĩ.
Trong một ít phút suy niệm này tôi xin có một vài tâm tình chia sẻ với anh chị em
A- Trước hết chúng ta hãy cầu nguyện
Xin Chúa ban cho Giáo Hội có nhiều thanh niên nam nữ tận hiến cuộc đời của mình để phục vụ Chúa và anh em đồng loại trong Giáo Hội của Chúa.
Như anh chị em đã thấy: Ngay khi Chúa Giêsu vừa mới bắt đầu khởi sự việc rao giảng Tin Mừng thì Ngài đã để ý ngay đến việc chọn lựa một số người rồi Ngài để tâm giáo dục họ một cách đặc biệt để sau này khi Chúa về trời thì những người này sẽ nhiệt tình tiếp tục công việc của Chúa cho đến ngày tận thế. Chẳng cần phải nói nhiều, anh chị em cũng biết được đó chính là các Tông Đồ, những con người đã cống hiến trọn vẹn cuộc đời của mình cho việc phục vụ Chúa và anh em đồng loại của mình.
Như vậy thì vấn đề ơn gọi Linh mục và tu sĩ trong Giáo Hội hôm nay cũng có chung một mục đích như thế.
Bộ Giáo luật mới đã khẳng định thật rõ ràng: “Đời sống Linh mục và Tu sĩ là sự sống còn của Giáo Hội”. Lý do cũng rất dễ hiểu: Vì Giáo Hội là một thực tại vừa có tính cách siêu nhiên vừa có tính cách trần thế.
Về phương diện siêu nhiên: Giáo Hội là của Chúa, do Chúa thiết lập. Điều đó đã quá rõ ràng không cần phải nói nhiều.
Nhưng còn về phương diện trần thế thì có hơi khác. Giáo Hội tại thế là một tổ chức. Chính vì thế mà Giáo Hội cần phải có những người dám hy sinh cuộc đời của mình để phục vụ Chúa và anh em đồng loại trong tổ chức này một cách đặc biệt hơn.
Từ nhiều thế kỷ qua những người hiến thân phục vụ Chúa và anh em đồng loại trong đời sống Linh mục và Tu sĩ đã đem lại rất nhiều kết quả tốt đẹp cho Giáo Hội. Đó là một thực tế mà ai cũng phải nhìn nhận.
Thế nhưng như Chúa nói: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít”. Nhu cầu thì thật nhiều nhưng sự đáp ứng lại thì quả thực chưa bao giờ đủ, đặc biệt là vào khoảng ba bốn chục năm nay. Phải thành thực mà nhận rằng Giáo Hội đã và đang gặp một cuộc khủng hoảng rất trầm trọng về ơn gọi linh mục và tu sĩ, nhất từ lúc trước và sau Công đồng Vaticanô II. Hậu quả của cuộc khủng hoảng này vẫn còn kéo dài cho mãi đến hôm nay - đặc biệt là tại các nước đang phát triển và văn minh. Đã có lúc người ta tưởng như thất vọng. Nhưng rất may là ngày nay trong Giáo Hội Chúa lại đang làm bừng lên một cao trào mới. Có thể nói đây là một nét đặc trưng trong sinh hoạt của Giáo Hội hôm nay. Đó là những anh chị em dâng hiến cuộc sống mình để phục vụ cho Chúa và anh em đồng loại trong đời sống của một người tu sĩ nhưng lại sống ở giữa đời. Giáo luật mới gọi những anh chị em này là những “tu sĩ đời”. Thực ra thì dưới danh nghĩa hay hình thức nào cũng được “Miễn là Chúa được vinh danh”. Thánh Phaolô xưa đã chủ trương như thế.
Vậy thì hôm nay Giáo Hội muốn cho chúng ta ý thức nhiều hơn đến vấn đề này để rồi không phải chỉ là ngày hôm nay mà là mỗi ngày chúng ta phải cầu nguyện cho mục đích rất cao quí này.
B- Tâm tình thứ hai:
Xin anh chị em cầu nguyện cho tôi cũng như những người anh em của tôi trong chức vụ linh mục để chúng tôi được sống xứng đáng với ơn gọi của mình. Tôi tưởng đây cũng là mục đích của ngày cầu nguyện cho ơn thiên triệu hôm nay nhắm tới. Hôm nay không phải chỉ là ngày cầu nguyện để cho Giáo Hội có thêm những anh chị em dám hiến thân cho Chúa trong đời sống linh mục và tu sĩ mà còn phải cầu nguyện cho những người đã làm linh mục và tu sĩ được sống xứng đáng với ơn Chúa gọi mình. Các linh mục và tu sĩ rất cần đến sự trợ lực bằng những lời cầu nguyện và sự nâng đỡ của anh chị em. Trong cuốn Giáo lý mới, Giáo Hội coi đó là bổn phận của mọi tín hữu. Dù Chúa đã gọi và chọn chúng tôi lên chức vụ cao quí nhưng chúng tôi cũng vẫn là một con người - một con người với tất cả những yếu đuối cũng như những tầm thường của nó.
Để sống một cuộc sống của một người mục tử cho đúng nghĩa không phải dễ dàng. Rất khó khăn kính thưa anh chị em. Nó đòi hỏi rất nhiều đức tính đặc biệt và đôi khi đòi hỏi cả sự liều lĩnh nữa.
Ngày 6 tháng 9 năm 1943, năm người lính thuộc đội quân của Đức quốc Xã bị phục kích và bị sát hại trên đường hành quân gần một thành phố Italia. Để trả thù, viên đại tá chỉ huy quân đội Đức cho bắt năm mươi người có thế giá nhất trong thành phố rồi đợi ngày đem đi xử bắn.
Được tin, Đức Tổng Giám Mục sở tại và Đức Cha phó nhất định tìm cách cứu sống những thường dân vô tội này. Khi đến ngày bị xử bắn, năm mươi người dân vô tội đó bị bịt mắt, bị trói chặt hai tay về phía sau lưng rồi đứng thành hàng dài trước công trường của thành phố. Dân làng và thân nhân của họ chỉ được chứng kiến tấn thảm kịch khủng khiếp này từ xa. Phía sau lưng những người bị xử bắn là một hàng lính thuộc quân đội Đức quốc xã đang sẵn sàng chờ lệnh để bóp cò nhả đạn để kết thúc cuộc đời của những người vô tội.
Một lần nữa Đức Tổng Giám Mục lại tìm cách thuyết phục viên đại tá để xin ông xét lại và tha chết cho những người dân vô tội này. Thế nhưng ông ta vẫn cứng lòng. Ý chí cương quyết trả thù còn hiện rõ hơn lên trên nét mặt đã vốn lạnh lùng của ông.
Giờ đã điểm, một hồi còi hú lên báo hiệu giờ phải đến đã đến.
Đức Tổng Giám Mục lại một lần nữa nài nỉ xin cho được một đặc ân cuối cùng: Ngài xin cho ngài và Đức Giám Mục phó được ôm hôn từng người sắp bị xử bắn, xức dầu tha tội và ban cho họ những lời khích lệ cuối cùng.
Thật là may mắn! Lời thỉnh cầu của Ngài được chấp thuận. Sau khi ban phép lành tha tội cho người thứ 50, Đức tổng Giám Mục và Đức Cha Phó tự nguyện đứng tiếp nối vào hàng ngũ của những người bị xử bắn. Với tất cả tấm lòng chân thành, vị mục tử của đoàn chiên đang phải sống những giờ phút hãi hùng đến cực độ, bình thản nói với viên đại tá: “Bây giờ không phải chỉ có 50 người mà là 52 người. Chúng tôi xin ngài cứ hạ lệnh bắn. Xin Thiên Chúa nhân từ tha thứ các tội ác của Ngài”
Đức Tổng Giám Mục vừa dứt lời, thì bỗng dưng từ trong bầu khí chìm ngập sự chết chóc vang lên những tiếng vỗ tay reo hò.
Tất cả 50 khẩu súng đang nhắm vào 50 người vô tội cùng một lúc dần dần hạ xuống và thế là cả chủ chăn và đàn chiên đều được thoát chết.
Lạy Chúa Giêsu
Xin cho con thấy Chúa thật lớn lao,
để đối với con, mọi sự khác trở thành bé nhỏ
Xin cho con thấy Chúa thật bao la
để cả mặt đất cũng chưa vừa cho con sống
Xin cho con thấy Chúa thật thẳm sâu
để con đón nhận nỗi khổ đau sâu thẳm nhất
Lạy Chúa Giêsu
xin làm cho con thật mạnh mẽ
để không một nỗi thất vọng nào
còn chạm được tới con
Xin làm cho con thật đầy ắp,
để ngay cả một chút ước muốn nhỏ
cũng không còn có chỗ trong con.
Xin làm cho con thật lặng lẽ,
để con chỉ còn loan báo Chúa mà thôi.
Xin Chúa ngự trong con thật sống động,
để không phải là con
mà là chính Ngài đang sống.
bài liên quan mới nhất
- Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật Lễ Hiển Linh
-
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật Lễ Thánh Gia năm C -
Lễ Chúa Giáng Sinh (Lễ Đêm) -
Bài giảng: Lễ Giáng Sinh (+video) -
Lễ Chúa Giáng Sinh: Lễ Rạng Đông (+video) -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 4 mùa Vọng năm C -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 3 mùa Vọng năm C -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 2 mùa Vọng năm C -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 1 mùa Vọng năm C -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 34 Thường niên năm B - Chúa Kitô Vua
bài liên quan đọc nhiều
- Bài giảng: Lễ Giáng Sinh (+video)
-
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 14 Thường niên năm A -
Bài giảng Chúa Nhật: Đức Mẹ dâng Chúa Giêsu vào Đền Thánh -
Bài giảng Chúa Nhật: Chúa Nhật 2 Mùa Chay - Năm A -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 29 Thường niên năm A - Khánh nhật truyền giáo -
Bài giảng Chúa Nhật: Chúa Nhật 5 Thường Niên - Năm A -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 20 Thường niên năm A -
Bài giảng Chúa Nhật: Chúa Nhật 5 Mùa Chay - Năm A -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 34 Thường niên năm C - Lễ Chúa Giêsu Kitô Vua Vũ Trụ -
Bài giảng Chúa nhật: Lễ Đức Mẹ Mân Côi