Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 6 Phục sinh năm A
Ga 14,15-21
“Ai có và giữ các điều răn của Thầy,
người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy.”(Ga 14,21)
Tâm tình của Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay là tâm tình của một người sắp ra đi.
A. Chỉ còn một ít nữa thế gian sẽ không còn thấy thầy.(Ga 14,19)
Thời gian sống ở trên trần thế của Chúa sắp chấm dứt.
Lời tuyên bố của Chúa quả thực làm cho các môn đệ của Ngài phải hoang mang.
Thế nhưng đây mới chỉ là một vế trong sự bộc lộ về tương lai của Chúa chứ chưa phải là tất cả.
Vế thứ hai quan trọng hơn, an ủi hơn “Thầy sẽ không bỏ các con mồ côi. Thầy sẽ đến với các con. Các con sẽ thấy Thầy vì Thầy vẫn sống và các con cũng sẽ sống”(Ga 14,18)
Đây là những lời rất thật của Chúa và những lời này sẽ được cụ thể hóa sau khi Chúa từ cõi chết sống lại.
Chắc hẳn anh chị em hãy còn nhớ cách thức sinh hoạt của Chúa sau biến cố Phục Sinh như thế nào. Thánh Phaolô bảo là cuộc sống đó đã được biến đổi. Biến đổi để có thể, nói theo kiểu của cha Teihard de Chardin “tràn ngập, tràn lan, phủ đầy” khắp nơi một cách cụ thể còn hơn cả khi Chúa chưa về trời như chính lời Chúa đã xác nhận: “Thầy sẽ ở cùng chúng con mọi ngày cho đến tận thế”.
Bằng cách nào?
a/ Trước hết bằng Bí tích Thánh Thể.
Với Bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu hiện diện tràn lan khắp địa cầu, qua đó con người có thể nhận ra Chúa đang thật gần gũi với mình.
Đây là câu chuyện của nhạc sĩ Hermann Cohn,
Là người Do thái và thần đồng đàn dương cầm, Hermann Cohn trở nên một học trò cưng của nhạc sĩ Franz Liszt. Ông đã lập một nhóm văn nghệ sĩ, đi biểu diễn khắp nơi, sống bê tha trụy lạc, duy hưởng thụ.
Ngày kia, có người ca trưởng nhờ Cohn chơi đàn phong cầm vào tháng hoa Đức Mẹ. Khi chầu phép lành, Cohn cảm thấy mình bị một lực nào đó cúi đầu thờ lạy, sự bắt buộc không thể giải thích được, mặc dầu ông không hiểu gì và không tin điều mình làm. Ông đến nhà thờ nhiều lần, luôn cảm nghiệm một sự hiện diện mà ông không thể giải thích được, mặc dầu ông không hiểu gì và không tin điều mình làm. Ông hỏi thăm người bạn công giáo về phép Thánh Thể; người bạn biếu ông quyển sách kinh. Ông đọc đi đọc lại nhiều lần, nhất là những kinh nguyện Thánh Thể. Có lần ông đã suy nghĩ về phép Thánh Thể suốt đêm không ngủ. Ông dự Thánh lễ nhiều ngày và đã nói về kinh nghiệm của ông như sau: “Thời thơ ấu, tôi đã khóc nhiều lần, nhưng chưa bao giờ nước mắt tôi chảy nhiều như vầy. Bỗng chốc, tôi nhìn rõ mọi tội lỗi của tôi, cuộc đời xấu xa, ghê tởm, hèn hạ của tôi. Cuộc đời ấy đáng sa hỏa ngục. Nhưng tôi đã tìm thấy sự bình an lạ lùng. Chúa nhân từ đã tha tha thứ tội lỗi của tôi, đã chấp nhận lòng quyết tâm của tôi là yêu mến Ngài trên hết mọi sự”.
Sau đó, ông đã trở lại đạo và đi tu dòng Carmêlô, làm linh mục. Nhờ ông khuyên nhủ, Franz Liszt, nhà đại nhạc sĩ và 10 người bà con đã trở về với Giáo Hội.
b/ Qua hoạt động của Đấng phù trợ: Câu truyện Phêrô và Gioan chữa một anh què cho chúng ta thấy điều đó. Chúa Thánh Thần vẫn tiếp tục công việc mà Chúa Giêsu đã khởi sự.
c/ Và mỗi khi một cộng đoàn yêu thương được hình thành “Ở đâu có hai ba người họp nhau lại để cầu nguyện thì có Thầy ở giữa”
Một bà nọ thuật lại trong cuốn sách nhan đề “Où Dieu pleure” rằng: bà cùng với một số người Đức khác bị đưa đi lưu đày xa quê hương từ giữa lòng Thế chiến Thứ hai. Tất cả đều là người Công giáo và cùng lao động tại một nông trường. Nơi ấy không có nhà thờ cũng chẳng có Linh mục. Nhưng họ được phép tụ họp mỗi chiều Chúa nhật tại một nghĩa địa cũ để cầu nguyện với nhau. Khi biết cách đó một nghìn cây số có Linh mục, anh chị em Kitô hữu bèn quyết định hằng tháng góp tay nhau một ít tiền để mua vé xe cho một bà già đi về nơi ấy mang Mình Thánh Chúa đến cho họ. Thế rồi từ đó, mỗi chiều Chúa nhật, họ đều gặp nhau trong nghĩa địa với tâm hồn hân hoan vui sướng vì biết rằng có Chúa Thánh Thể, mà bà kia mang trong mình, đang ở cùng họ. Họ sốt sắng cầu nguyện, suy niệm Lời Chúa... Những ai yếu liệt đều được trao tặng của ăn đi đàng quý giá ấy trước khi qua đời.
Nhờ đó trong suốt mấy mươi năm trời, cộng đoàn Kitô hữu ấy vẫn sống với niềm tin kiên vững, đùm bọc yêu thương nhau trong tình bác ái huynh đệ.
Năm 1972, được trả tự do, bà già ấy đã thuật lại câu chuyện cảm động cho tác giả cuốn sách. Bà cũng cho biết mình chính là người đã điều khiển cộng đoàn cầu nguyện vào những chiều Chúa nhật tại nghĩa địa. Bà nói: “Tôi ra đi với tất cả niềm lưu luyến, nhớ thương, với biết bao kỷ niệm về cộng đoàn cầu nguyện và cộng đoàn huynh đệ Thánh Thể ấy”
B. Vấn đề còn lại là làm sao chúng ta có thể nhận ra được sự có mặt của Chúa trong cuộc đời của chúng ta?
Đây là cách thức chính Chúa đã chỉ cho chúng ta: “Ai đón nhận luật Thầy truyền và giữ các luật đó thì người ấy sẽ là kẻ mến Thầy và ai mến Thầy sẽ được Cha Thầy yêu mến và Thầy sẻ tỏ mình ra cho người ấy”.
Như vậy là bằng cách sống Lời của Chúa, chúng ta sẽ gặp được Chúa. Chúa sẽ tỏ mình ra cho chúng ta.
Như vậy là bằng cách sống Lời của Chúa, chúng ta sẽ gặp được Chúa. Chúa sẽ tỏ mình ra cho chúng ta.
Cách đây không lâu, một bác sĩ giải phẫu người Mỹ đã vâng theo tiếng gọi của Chúa Giêsu, yêu thương tha nhân bằng cách ban tặng chính bản thân mình cho họ. Ông đã trở nên một nhà truyền giáo phục vụ trong ngành y khoa. Từ bỏ quê hương, ông đi tới một hòn đảo xa xôi trên biển Thái Bình dương, nơi dân chúng sống nghèo khổ, bệnh tật vì thiếu thuốc. Sau một thời gian, để tạo sự bất ngờ cho bác sĩ, vị mục sư ở Mỹ đã đến thăm ông mà không báo trước. Khi mục sư đến, ông bác sĩ đang sửa soạn giải phẫu cặp mắt cho một em bé gái 8 tuổi. Vị mục sư đã quan sát cuộc giải phẫu xảy ra qua cái cửa sổ của một căn chòi nhỏ. Sau ba giờ đồng hồ, bác sĩ đi ra khỏi phòng mổ và nói:
- Đôi mắt của cô bé rất tốt. Em sẽ mau khỏi bệnh.
Rồi ông đi ra gặp mục sư của mình. Khi bàn về cuộc giải phẫu vừa mới xảy ra, mục sư hỏi:
- Ông sẽ được trả bao nhiêu tiền cho cuộc giải phẫu đó nếu ông giải phẫu ở Mỹ?
- Chừng 3000 dollars, tôi đoán như vậy, bác sĩ trả lời.
- Vậy ở đây người ta trả ông bao nhiêu?. Mục sư hỏi.
- Tôi không biết nữa, chỉ vài xu với nụ cười của Thiên Chúa. Ông bác sĩ nói. Rồi đặt tay lên vai mục sư, ông lay nhẹ và nói:
- Nhưng lạy Chúa, cuộc sống ở đây thật tuyệt vời!
Món quà tình yêu của Thiên Chúa ban nhưng không cho ta qua Đức Giêsu Kitô, mặc dù là vô giá, nhưng không phải là không có điều kiện. Giống như tất cả các loại tình yêu, Tình Yêu Thiên Chúa cũng có những đòi hỏi. Và một trong những đòi hỏi nặng nề nhất của Người, đó là chia sẻ tình yêu thương đó cho tha nhân. Khi chúng ta đáp lại lời mời gọi: “Hãy yêu mến nhau như Thầy đã yêu thương các con”, chúng ta sẽ có được cái cảm giác hoan lạc giống như vị bác sĩ: “Nhưng lạy Chúa, cuộc sống ở đây thật tuyệt vời!”.
Lạy Chúa Giêsu phục sinh,
Xin ban cho con sự sống của Chúa, sự sống làm đời con mãi mãi xanh tươi.
Xin ban cho con bình an của Chúa, bình an làm con vững tâm giữa sóng gió cuộc đời.
Xin ban cho con niềm vui của Chúa, niềm vui làm khuôn mặt con luôn tươi tắn.
Xin ban cho con hy vọng của Chúa, hy vọng làm con lại hăng hái lên đường.
Xin ban cho con Thánh Thần của Chúa, Thánh Thần mỗi ngày làm mới lại đời con.
bài liên quan mới nhất
- Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật Lễ Hiển Linh
-
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật Lễ Thánh Gia năm C -
Bài giảng: Lễ Giáng Sinh (+video) -
Lễ Chúa Giáng Sinh (Lễ Đêm) -
Lễ Chúa Giáng Sinh: Lễ Rạng Đông (+video) -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 4 mùa Vọng năm C -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 3 mùa Vọng năm C -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 2 mùa Vọng năm C -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 1 mùa Vọng năm C -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 34 Thường niên năm B - Chúa Kitô Vua
bài liên quan đọc nhiều
- Bài giảng: Lễ Giáng Sinh (+video)
-
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 14 Thường niên năm A -
Bài giảng Chúa Nhật: Đức Mẹ dâng Chúa Giêsu vào Đền Thánh -
Bài giảng Chúa Nhật: Chúa Nhật 2 Mùa Chay - Năm A -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 29 Thường niên năm A - Khánh nhật truyền giáo -
Bài giảng Chúa Nhật: Chúa Nhật 5 Thường Niên - Năm A -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 20 Thường niên năm A -
Bài giảng Chúa Nhật: Chúa Nhật 5 Mùa Chay - Năm A -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 34 Thường niên năm C - Lễ Chúa Giêsu Kitô Vua Vũ Trụ -
Bài giảng Chúa nhật: Lễ Đức Mẹ Mân Côi