Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 7 Phục sinh năm C - Chúa Thăng Thiên
Lc 24, 46-53
Hôm nay cộng đoàn chúng ta họp nhau trong ngôi thánh đường này để mừng trọng thể lễ Chúa Thăng Thiên. Đây cũng là ngày Giáo Hội dành làm “Ngày truyền thông thế giới”. Khi chọn ngày lễ này làm ngày truyền thông, Giáo Hội muốn nhắc nhở từng người chúng ta ý thức hơn đến việc loan truyền cho mọi người Tin Mừng Phục Sinh, một Tin Mừng vĩ đại nhất qua mọi thời đại và có khả năng biến đổi cuộc sống của những ai tin nhận.
Không chỉ hôm nay, nếu để ý, chúng ta sẽ thấy trong suốt những tuần lễ vừa qua, dưới nhiều hình thức khác nhau, phụng vụ lời Chúa cũng đã luôn mời gọi chúng ta phải lên đường loan báo Tin Mừng Phục Sinh của Đức Kitô.
Ngay trong Chúa Nhật Phục Sinh, Maria Mađalêna đã là người đầu tiên loan báo cho hai môn đệ Phêrô và Gioan về sự kiện ngôi mộ trống, dấu chỉ của Đấng Phục Sinh. Rồi tám ngày sau, vào Chúa Nhật II Phục Sinh, trong lần hiện ra với các tông đồ có cả Tôma, chính Đấng Phục Sinh đã truyền cho các tông đồ “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con” (Ga 20, 21). Kế đến, trong Chúa Nhật III, Tin Mừng Luca còn thuật lại cho chúng ta việc Đấng Phục Sinh hiện đến với các tông đồ khi đó đang tụ họp cùng với hai môn đệ vừa từ làng Emmaus trở về. Và cả lần này, Đấng Phục Sinh cũng giao cho các ông sứ mạng “nhân danh Người rao giảng sự thống hối… bắt đầu từ Giêrusalem” (Lc 24, 47). Ngài còn nhấn mạnh: “Còn các con, các con sẽ là chứng nhân về những điều ấy” (Lc 24, 48). Còn trong Chúa Nhật IV, chúng ta đọc được tâm sự của Đức Kitô, Vị Mục Tử nhân lành: “Ta còn những chiên khác không thuộc đàn này; cả những chiên đó Ta cũng phải mang về đàn” (Ga 10, 16a). Được gia nhập vào đoàn chiên duy nhất của Đấng Phục Sinh như cành nho liên kết với thân nho, từng người chúng ta cũng được mời gọi sinh hoa trái bằng đời sống bác ái yêu thương. Nhờ đó, ngày càng có nhiều người tin nhận Đấng Phục Sinh. Đó chính là giáo huấn của lời Chúa trong Chúa Nhật V Phục Sinh. Còn trong Chúa Nhật vừa qua, Đức Kitô xác định rõ với từng người chúng ta: “Chính Thầy đã chọn các con, và đã cắt đặt, để các con đi, và mang lại hoa trái” (Ga 15, 16). Và hôm nay, trước khi chấm dứt giai đoạn hiện diện hữu hình của mình với các môn đệ, một lần nữa, Đấng Phục Sinh đã giao cho các tông đồ sứ mạng: “Các con hãy đi khắp thế gian, rao giảng Tin Mừng cho mọi tạo vật”.
Như thế, loan báo Tin Mừng Phục Sinh không còn là một điều mà chúng ta muốn làm hay không tuỳ thích, nhưng là một sứ mạng, một bổn phận bắt buộc cho tất cả những ai muốn xưng mình là kitô hữu. Ý thức điều đó, Công đồng Vatican II, trong Sắc lệnh về truyền giáo, số 2 đã nói: “Bản chất của Giáo Hội là truyền giáo”. Giáo Hội phải loan truyền cho mọi người về Tin Mừng Phục Sinh, vì từ đây, Đấng Phục Sinh không còn hiện diện hữu hình với chúng ta nữa. Chúa lên trời, không phải là Ngài không còn hiện diện với con người nữa, nhưng là hiện diện với một cách thức mới, hiệu quả hơn, như lời Ngài đã hứa: “Các con sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần ngự xuống trên các con, và các con sẽ nên chứng nhân cho Thầy tại Giêrusalem, trong tất cả xứ Giuđêa và Samaria, và cho đến tận cùng trái đất”. Lịch sử Giáo Hội đang bước sang một giai đoạn mới, giai đoạn mở ra cho muôn dân. Đó cũng là một trong những lý do khiến Giáo Hội chọn ngày lễ hôm nay làm ngày “Truyền thông thế giới”. Từ đây, Giáo Hội có nhiệm vụ truyền thông cho thế giới về Tin Mừng Phục Sinh, Tin Mừng của Tình yêu và Sự sống, Tin Mừng của niềm Hy vọng.
Chúng ta không được phép chỉ nhìn trời, nhưng phải nhìn đến những người đang sống quanh ta, đó là người chồng, người vợ, là cha mẹ, con cái, là anh chị em và cả những người hàng xóm, láng giềng, những người hợp ý với chúng ta lẫn những người làm chúng ta khó chịu. Nếu trong một gia đình Công Giáo luôn trên thuận dưới hoà, anh chị em luôn biết tha thứ, đùm bọc yêu thương nhau. Nhất là nếu chúng ta luôn biết quan tâm chia sẻ, nâng đỡ những người hàng xóm, không phân biệt lương giáo những lúc “tối lửa, tắt đèn”, thì tôi thiết nghĩ, đó là cách tốt nhất để chúng ta thông truyền cho mọi người về một Tình yêu phổ quát của Đấng Phục Sinh, Đấng đã chết và sống lại cho tất cả chúng ta.
Vợ chồng họ bán phở trên hè phố đã được một thời gian khá dài. Giá cả phải chăng cùng với nụ cười chân thành làm cho quán ăn của họ luôn tấp nập khách. Đến quán phở của họ nhiều lần, tôi phát hiện sáng nào cũng có một cụ già ăn mặc rách rưới lặng lẽ đứng chờ ở một góc.
Nhìn thấy bà cụ đến, hai vợ chồng họ vừa bận rộn làm nốt công việc dở, vừa mỉm cười nói với bà cụ:
- Bà chờ cháu một chút nhé, cháu sẽ làm ngay cho bà.
Lát sau, vợ hoặc chồng họ nhanh nhẹn bỏ phở vào trong chiếc hộp giấy, múc nước phở bỏ vào trong túi bóng, buộc lại rồi đưa cho bà cụ. Họ còn không quên nhắc bà cụ cẩn thận kẻo bỏng tay. Bà cụ run rẩy đưa đôi tay gầy guộc ra nhận, sau đó lặng lẽ quay người đi. Nhưng điều kỳ lạ là, dường như bà cụ chưa lần nào trả tiền.
Một hôm, tôi không kìm nén nổi sự tò mò, đã hỏi vợ chồng họ. Người vợ thở dài nói:
- Bà cụ ấy thật tội nghiệp, khó khăn lăm mới nuôi con cái khôn lớn. Vậy mà đến lúc già lại không có chỗ nương tựa. Gia đình chúng tôi cũng không được dư giả cho lắm, giúp đỡ bà cụ nhiều hơn thì chúng tôi không có khả năng, nhưng chỉ cần bà cụ đến chúng tôi luôn đãi cụ một bát phở.
Trên nét mặt người phụ nữ trung niên ấy dường như lộ vẻ áy náy, dường như chị cảm thấy có lỗi khi chỉ giúp đỡ được bà cụ một bát phở.
Tôi để ý và luôn nhận thấy vợ chồng họ đối xử lễ phép và tôn trọng bà cụ giống như những người khách hàng khác, không hề tỏ ra một chút coi thường hay ban ơn.
Sau này, trên phố xuất hiện khá nhiều quán phở, nhưng tôi chỉ thích đến quán phở của họ. Không vì cái gì cả, tôi chỉ muốn ngồi trên chiếc ghế cũ kỹ, trong âm thanh náo nhiệt của đường phố, lặng lẽ nhìn hai vợ chồng họ - những người thuộc tầng lớp nghèo túng của xã hội - chìa đôi bàn tay thô ráp, tặng cho một bà cụ còn nghèo túng hơn mình cả một tấm lòng yêu thương và nhân ái.
Bố thí cho người khác, có lẽ rất nhiều người dễ dàng làm được. Nhưng bố thí cho người khác với một thái độ chân thành và nhân ái, thì không phải ai cũng có thể làm được.
Tóm lại, chúng ta có thể chu toàn sứ mạng thông truyền Tin Mừng bằng chính đời sống công chính, yêu thương, nhường nhịn, tha thứ cho dù chỉ là một câu nói và một tấm lòng mở rộng sẵn sàng cảm thông của chúng ta. Chính đời sống đó sẽ là một dấu lạ cho mọi người nhận ra rằng có một Thiên Chúa đang ở với chúng ta. Chớ gì nhờ sức mạnh của Thánh Thể nâng đỡ, từng người, từng gia đình và cả cộng đoàn giáo xứ chúng ta sẽ trở thành một lời chứng hùng hồn cho Tin Mừng yêu thương và hy vọng của Đấng Phục Sinh. Amen.
bài liên quan mới nhất
- Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật Lễ Hiển Linh
-
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật Lễ Thánh Gia năm C -
Lễ Chúa Giáng Sinh (Lễ Đêm) -
Bài giảng: Lễ Giáng Sinh (+video) -
Lễ Chúa Giáng Sinh: Lễ Rạng Đông (+video) -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 4 mùa Vọng năm C -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 3 mùa Vọng năm C -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 2 mùa Vọng năm C -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 1 mùa Vọng năm C -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 34 Thường niên năm B - Chúa Kitô Vua
bài liên quan đọc nhiều
- Bài giảng: Lễ Giáng Sinh (+video)
-
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 14 Thường niên năm A -
Bài giảng Chúa Nhật: Đức Mẹ dâng Chúa Giêsu vào Đền Thánh -
Bài giảng Chúa Nhật: Chúa Nhật 2 Mùa Chay - Năm A -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 29 Thường niên năm A - Khánh nhật truyền giáo -
Bài giảng Chúa Nhật: Chúa Nhật 5 Thường Niên - Năm A -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 20 Thường niên năm A -
Bài giảng Chúa Nhật: Chúa Nhật 5 Mùa Chay - Năm A -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 34 Thường niên năm C - Lễ Chúa Giêsu Kitô Vua Vũ Trụ -
Bài giảng Chúa nhật: Lễ Đức Mẹ Mân Côi