Bài giảng Chúa Nhật: Chúa Nhật III Thường Niên A

Bài giảng Chúa Nhật: Chúa Nhật III Thường Niên A

Bài giảng Chúa Nhật: Chúa Nhật III Thường Niên A

Mt 4,12-23

“Các anh hãy theo tôi,
tôi sẽ làm cho các anh
thành những kẻ lưới người như lưới cá”. (Mt 4,20)

Khi bắt đầu sứ vụ công khai, Chúa Giêsu đã có hai chọn lựa rất quan trọng. Đây là những chọn lựa có tính toán cẩn thận vì nó quyết định cho sự thành bại trong công việc của Chúa.

A. Trước hết địa điểm Chúa Giêsu chọn để bắt đầu cuộc đời công khai của Ngài. Địa điểm đó là miền Galilê.

1. Tên Galilê trong tiếng Do-thái là Galil, có nghĩa là vòng tròn. Người Do-thái gọi là Galilê là miền của dân ngoại. Sở dĩ có tên đó là vì Galilê bị lọt vào giữa những miền mà dân ngoại cư ngụ.

2. Những con đường lớn của thế giới đều đi ngang qua Galilê. Người ta thường nói: “Giuđê không có đường đi đâu hết, còn Galilê đi khắp nơi”. Giuđê có thể dựng nên một hàng rào để chặn đứng những ảnh hưởng và tư tưởng ngoại bang, còn Galilê không bao giờ làm được như vậy. Galilê là miền dành cho những điều mới mẻ xâm nhập.

3. Địa lý của Galilê cũng ảnh hưởng đến lịch sử của nó.

Xứ Galilê không rộng lắm, từ bắc chí nam chỉ dài khoảng 60km, nhưng dân cư thì đông đúc vì đây là miền đất phì nhiêu nhất xứ Thánh. Đất hẹp, người đông, thời Josephus làm tổng trấn, ông đếm được 294 làng, mỗi làng không dưới 15 ngàn dân.

Người dân Galilê có một cá tính rất đặc biệt. Họ sẵn sàng mở cửa đón nhận những ý niệm mới. Josephus nói về người Galilê: “Bao giờ họ cũng thích cải cách, bản tính họ thích thay đổi và thích bạo động. Họ luôn luôn sẵn sàng theo một thủ lãnh và phát khởi một cuộc nổi dậy. Họ nổi tiếng là người nóng tính và thích cãi vã. Tuy nhiên họ cũng là những người hào hùng nhất”. Đặc tính bẩm sinh của người Galilê khiến cho việc truyền giảng nơi họ rất thuận lợi. Thái độ cởi mở đón nhận những tư tưởng mới cũng là một yếu tố rất quan trọng đối với Chúa.

Vâng Chúa Giêsu đã đi vào một xứ Galilê như thế để bắt đầu sứ vụ của Ngài. Chúa Giêsu biết Ngài đang làm gì.

B. Thứ đến là Chúa chọn những môn đệ đầu tiên.

Trong số những đến nghe Ngài rao giảng, Chúa Giêsu đã chú ý tới hai cặp anh em. Họ đều là những ngư phủ đang hành nghề trên biển Galilê. Họ không phải là những học giả uyên bác, hoặc những người có ảnh hưởng lớn. Họ không giàu sang, không có địa vị trong xã hội. Họ không phải là những người nghèo mạt mà chỉ là những công nhân bình thường. Chúa Giêsu đã chọn lựa những người bình thường này. Và với những người như thế Ngài đã dùng họ để làm bất cứ công tác nào.

Nhiều học giả cho rằng sở dĩ Chúa chọn những ngư phủ lành nghề như vậy là vì họ có một số đức tính thiết yếu để có thể trở thành những tay đánh lưới người cho Chúa:

a/ Kiên nhẫn: người ngư phủ thường là những người rất kiên nhẫn. Họ kiên nhẫn chờ đợi cho đến khi cá cắn mồi, nếu cứ sốt ruột và dời chỗ luôn thì không bao giờ thành người thợ câu được.

b/ Bền chí: người ngư phủ giỏi thường là những người rất bền chí, không bao giờ ngã lòng. Thua keo này họ bày keo khác.

c/Can đảm: người ngư phủ giỏi thường bao cũng là những người rất can đảm. Người Hy lạp thuở xưa, khi cầu khẩn với các thần phù hộ, họ thường nói: “thuyền tôi quá nhỏ mà biển cả thì quá lớn”. Người ngư phủ giỏi phải liều mình đương đầu với sóng to gió lớn.

d/Thấy thời cơ: người ngư phủ giỏi thường là những người biết rõ thời điểm để hành động. Người ấy phải biết khi nào nên và khi nào không nên thả lưới.

e/ Biết dùng mồi thích hợp: người ngư phủ giỏi thường là những người biết chọn lựa mồi thích hợp. Cá này ưa mồi này, cá khác thích mồi khác.

Phaolô nói: “Tôi trở nên mọi sự đối với mọi người để may ra được một vài người”.

f/ Biết ẩn mình: người ngư phủ giỏi thường là những người biết ẩn mình. Nếu ngư phủ lộ diện, dầu chỉ là cái bóng, cá cũng không cắn câu.

Vâng Chúa Giêsu đã chọn lựa Galilê là miền đất được chuẩn bị kỹ lưỡng để tiếp nhận hạt giống Tin Mừng và cũng đã chọn những con người có phẩm chất đạo đức tốt để bắt đầu sứ vụ công khai của mình. Nói theo kiểu Đông phương của chúng ta: rõ ràng là đã đủ mọi yếu tố: thiên thời, địa lợi, nhân hòa...

Phần chúng ta, chúng ta cũng hãy làm môn đệ cho Chúa. Chẳng thiếu gì việc, cũng chẳng thiếu gì cách chúng ta có thể tiếp tục công việc của Chúa ngay trong xã hội hôm nay. Tôi xin đan cử một thí dụ:

Một ngày kia khi đến Melbourne bên Australia, Mẹ Têrêsa Calcutta đã đến thăm một người nghèo không ai biết đến. Người này sống trong một căn phòng rất tồi tệ, đồ đạc dơ bẩn ngổn ngang. Phòng không có cửa sổ mà cũng chẳng có lấy một bóng đèn.

Mẹ Têrêsa bắt tay vào việc thu dọn đồ đạc.

Ông gắt lên: 

- Cứ để yên mọi thứ cho tôi.

Nhưng mẹ cứ tiếp tục. Sau khi mọi thứ đã ngăn nắp, mẹ tìm thấy một chiếc đèn trong góc phòng. Đèn bám đầy bụi bặm, chứng tỏ lâu lắm rồi không ai đụng đến. Mẹ lau chùi sạch sẽ rồi hỏi:

- Sao lâu nay ông không thắp đèn lên ? 

- Thắp làm chi. Có ai đến thăm tôi đâu. Tôi đâu thấy mặt ai.

- Thế ông có hứa sẽ thắp đèn lên khi một nữ tu của tôi đến thăm ông không ?

- Vâng. Nếu tôi nghe có tiếng ai đến thì tôi sẽ thắp đèn lên.

Từ đó mỗi ngày hai nữ tu của mẹ Têrêsa đều đến thăm ông và giúp đỡ ông. Một hôm ông nói với một trong hai nữ tu ấy.

- Bây giờ tự tôi, tôi đã biết thu dọn phòng tôi rồi. Nhưng xin làm ơn về nói với nữ tu đầu tiên rằng: ngọn đèn mà bà đã thắp lên nay vẫn sáng.

Ngọn đèn Mẹ Têrêsa thắp lên cho ông cụ này nay vẫn sáng.

Vâng chúng ta hãy làm sáng lên trên thế giới hôm nay ánh sáng của tình thương, của tình người, của chân lý để ánh sáng ấy làm cho cuộc sống của con người trên thế giới hôm nay có thêm được những ý nghĩa cao đẹp và hạnh phúc hơn. Amen.

Top