Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật Phục sinh năm C
Ga 20, 1-19
Câu chuyện trong bài Tin Mừng hôm nay là câu chuyện xảy ra vào ngày thứ hai sau biến cố Chúa Phục sinh.
1. Sự kiện ngôi mộ trống:
Đức Giêsu đã đi vào cõi chết của con người. Người ta đã chôn Ngài trong mộ đá, nhưng rồi sáng ngày thứ nhất trong tuần, người ta không thấy xác Ngài nữa. Ngài đã để lại ngôi mộ trống.
Chúng ta thử hỏi có phải Ngài đã sống lại thật rồi không? Ngôi mộ trống phải chăng là một bằng chứng?
Không ai dám quả quyết một cách chính xác một trăm phần trăm rằng đây đúng là một bằng chứng chứng minh Chúa đã sống lại thật.
Thế nhưng sự thật về ngôi mộ trống là một sự thật không thể chối cãi.
Ngày 27.2.1973 một tin phát ra làm xôn xao cả nước Pháp: đó là tin thi hài Thống Chế Pétain bị đánh cắp nhưng chỉ sau đó mấy ngày người ta lại tìm lại được và cho dù trong cuộc trưng cầu dân ý, 72% nhân dân Pháp muốn phục hồi danh dự cho cố Thống Chế, nhưng ông Pompidou Tổng Thống Pháp vẫn ra lệnh đem chôn lại trong ngôi mộ cũ và cho lính canh gác ngày đêm.
Như vậy ngôi mộ chỉ trống rỗng có mấy ngày, xác mất đi đã tìm lại được.
Bên Ai Cập hiện nay nhiều ngôi mộ cũng trống rỗng, như các ngôi mộ của các Pharaông trong các Kim tự tháp. Tại sao lại có sự trống rỗng như thế? Thưa vì xác của các vị đó đã được đem về bảo tàng viện Le Caire, để những ai đến đây còn có dịp nhìn thấy rõ ràng thi hài các vị Pharaông đã trị vì Ai Cập xưa.
Rồi cách đây không lâu, người ta loan báo là đã tìm ra được những mảnh xương (cũng gọi là xá lợi) của Đức Phật Thích Ca. Những mảnh xương ấy đã được đưa về một trong các thành phố gọi là thánh địa của Ấn. Người ta tổ chức những cuộc lễ vô cùng long trọng để cung nghinh và chiêm bái. Trước quang cảnh ấy một giáo sĩ công giáo đã phát biểu với một người bạn cùng đi tham quan: "Nếu người ta tìm được một mảnh xương của Chúa Giêsu thì Kitô giáo sẽ phải sụp đổ mất."
Như vậy trong thế giới cho tới ngày nay chỉ duy có một ngôi mộ trống mà người ta đã tìm kiếm suốt 2.000 năm di hài chôn trong đó nhưng không thấy và sẽ không bao giờ thấy vì một lẽ rất dễ hiểu là người đó đã sống lại thực sự.
Đầu tháng 3/2007, kênh truyền hình Discovery đã cho trình chiếu một phim tài liệu mang tựa đề “Ngôi Mộ Thất Lạc của Chúa Giêsu”. Nội dung xoay quanh việc khám phá khảo cổ năm 1980 ở khu Talpiot, phía đông Giêrusalem. Mười hộp đựng cốt đã đưọc khai quật, trong đó có một hộp khắc tên Giêsu con ông Giuse. Phải chăng đoàn làm phim đã kiếm được bằng chứng khảo cổ về con người Giêsu thành Nagiaréth? Phải chăng đây là chứng cớ làm lung lay niềm tin vào Đấng Phục Sinh?
Các chuyên gia khảo cổ Do thái đã không cho là như thế. Vì chín phần trăm đàn ông Do thái ở thế kỷ thứ nhất mang tên Giêsu; mười bốn phần trăm mang tên Giuse. Đây không phải là lần đầu tiên, và cũng không phải là lần cuối cùng những hộp đựng cốt như thế này xuất hiện. Ít ra là đã có hai hộp mang tên Giêsu con ông Giuse được khai quật từ năm 1930. Câu chuyện tìm được hài cốt của Chúa Giêsu chỉ là giả tưởng.
Như vậy chúng ta có thể đi đến một kết luận rằng tuy chúng ta không thể căn cứ vào sự kiện ngôi mộ trống để quả quyết một cách chính xác rằng Chúa đã sống lại thật, nhưng chúng ta phải nhận rằng sự kiện ngôi mộ trống là một sự kiện có thực. Sự thật này có thể được coi là một đóng góp quan trọng vào những sự kiện khác để chứng minh cho việc phục sinh của Chúa.
Mừng Chúa Phục Sinh, chúng ta tuyên xưng rằng: đằng sau câu chuyện “Ngôi Mộ Trống” là sự hiện diện đích thực của một “Đấng Phục Sinh”, của một quyền năng có sức mạnh biến cải những trái tim đang đau buồn thất vọng thành bừng sáng tin yêu, biến những con người yếu đuối nhát sợ nên mạnh mẽ tuyên xưng đức tin dù phải lấy cái chết mà “làm chứng” Thầy mình đã sống lại và đang sống.
Vâng, câu chuyện “Ngôi Mộ trống”, ”Đức Kitô phục sinh” mãi mãi, muôn đời, khắp nơi, là câu chuyện của niềm tin căn bản của Kitô giáo. Bởi vì câu chuyện này, biến cố này lại không là một sự kiện đột xuất, tình cờ của lịch sử, nhưng là một công trình vĩ đại trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Và sự cứu độ là gì nếu không phải là đem lại cho chúng ta niềm hy vọng nơi một Thiên Chúa luôn trung tín với tình yêu của Người?
2. Việc Chúa Phục sinh với những nhân chứng đầu tiên.
Sau ngày Chúa Phục sinh, người đầu tiên khám phá ra ngôi mộ trống là Maria Mađalêna. Cảm giác đầu tiên của bà khi không thấy xác Chúa trong ngôi mộ đã an táng Ngài nữa là "người ta đã lấy mất xác Thầy rồi" và việc phải làm ngay là đi báo cho môn đệ của Chúa. Vừa được báo, Phêrô và Gioan đã chạy ngay ra mộ, và khi thấy ngôi mộ đã mở toang, Phêrô và Gioan lúc dầu hơi thấy choáng váng. Rồi bình tĩnh lại nhìn vào trong, thấy khăm liệm còn đó, Phêrô chẳng hiểu gì, còn Gioan đã thấy và tin.
Tại sao cả ba, đứng trước cùng một sự kiện, mà kẻ tin, người lại không tin?
Đó chính là tâm trạng của mỗi người đối với Chúa Giêsu.
* Maria Mađalêna.
Khi ra viếng mộ, Maria Mađalêna chỉ muốn cho vơi đi nỗi nhớ, chứ đâu có ngờ được rằng một người đã chết có thể sống lại. Quả thật, đối với Maria Mađalêna, chết là nằm sâu trong lòng đất, chết là khép lại tất cả, chết là chấm dứt tất cả và đàng sau cái chết là một bóng đêm dày đặc.
* Tâm trạng của Phêrô và Gioan.
Còn đối với Phêrô, chúng ta có thể thấy ông là con người đang sợ hãi. Ông sợ bị liên lụy. Ông sợ bị bắt bớ. Ông chạy ra ngôi mộ với tâm trạng đối phó. Với tâm trạng đó như thế, làm sao ông có thể nghĩ đến việc Chúa sống lại được.
Chính vì vậy, Phêrô và Gioan, cả hai đều vào trong mộ, cả hai đều thấy khăn liệm, nhưng Phêrô chẳng hiểu gì, còn Gioan "ông đã thấy và tin".
Phêrô đã thấy nhưng chẳng hiểu gì, còn Gioan thì" đã thấy và tin".
Ngôi mộ trống đối với Phêrô chẳng khác gì các ngôi mộ khác. Nhưng đối với Gioan thì ngôi mộ trống là một dấu chỉ thật lớn. Ngôi mộ trống làm cho Gioan nhớ lại bao lần Thấy đã nói về sự sống lại của Ngài. Bởi thế ông thấy và ông tin.
Tại nhà ga Verona, bên Italia năm 1945, dân chúng đang chờ đợi các binh sĩ trở về từ các trại tập trung của Đức Quốc xã. Sự xuất hiện của chuyến xe lửa đã khơi dậy những tiếng reo vui tưởng chừng như không bao giờ dứt.
Từ trên xe lửa những tấm thân tiều tụy bắt đầu bước xuống sân ga giữa tiếng cười pha lẫn tiếng khóc của người thân. Cuối cùng, một người lính trẻ mò mẫm bước đi từng bước. Anh từ từ tiến về phía một người đàn bà già yếu và chỉ đủ sức để thốt lên tiếng “Mẹ”. Hai mẹ con ôm chầm lấy nhau… Người mẹ già xót xa: “Làm sao một người mù như con lại có thể tìm đến với mẹ?”. Người lính mù ấy đáp: “Thưa mẹ, con không nhìn thấy mẹ bằng đôi mắt, nhưng trái tim con đã hướng dẫn con”.
Gioan trong câu chuyện hôm nay cũng như thế. Đôi mắt của Gioan và Phêrô chẳng có gì khác nhau nhưng trái tim của Phêrô và của Gioan thì khác. Chính trái tim của Gioan đã mách bảo cho Gioan những gì ngôi mộ trống đã muốn nói với ông.
bài liên quan mới nhất
- Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật Lễ Hiển Linh
-
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật Lễ Thánh Gia năm C -
Bài giảng: Lễ Giáng Sinh (+video) -
Lễ Chúa Giáng Sinh (Lễ Đêm) -
Lễ Chúa Giáng Sinh: Lễ Rạng Đông (+video) -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 4 mùa Vọng năm C -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 3 mùa Vọng năm C -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 2 mùa Vọng năm C -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 1 mùa Vọng năm C -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 34 Thường niên năm B - Chúa Kitô Vua
bài liên quan đọc nhiều
- Bài giảng: Lễ Giáng Sinh (+video)
-
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 14 Thường niên năm A -
Bài giảng Chúa Nhật: Đức Mẹ dâng Chúa Giêsu vào Đền Thánh -
Bài giảng Chúa Nhật: Chúa Nhật 2 Mùa Chay - Năm A -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 29 Thường niên năm A - Khánh nhật truyền giáo -
Bài giảng Chúa Nhật: Chúa Nhật 5 Thường Niên - Năm A -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 20 Thường niên năm A -
Bài giảng Chúa Nhật: Chúa Nhật 5 Mùa Chay - Năm A -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 34 Thường niên năm C - Lễ Chúa Giêsu Kitô Vua Vũ Trụ -
Bài giảng Chúa nhật: Lễ Đức Mẹ Mân Côi