Bài giảng Chúa nhật: Lễ Mình Máu Thánh Chúa năm B
LỄ MÌNH MÁU THÁNH CHÚA
Mc 14,12-16,22-26
Tôi có 3 tư tưởng xin được chia sẻ với anh chị em trong Thánh lễ mừng kính Chúa Giêsu Thánh Thể hôm nay.
A. NÀY LÀ MÌNH THẦY.
Trong bữa Tiệc Ly Chúa Giêsu đã trao ban chính Thân mình Ngài cho loài người, dưới hình bánh và hình rượu.
Cái gì là “cuối cùng” thì cũng mang một ý nghĩa trang trọng và quyết định: cuộc gặp gỡ cuối cùng, bức thư cuối cùng, lời nói cuối cùng. Tiệc ly là bữa ăn cuối cùng của Chúa Giêsu với các môn đệ trước khi Ngài bước vào cuộc khổ nạn. Và chính trong giờ phút linh thiêng này Ngài đã trao ban chính Ngài làm lễ vật và lương thiêng: Này là Mình Thầy....Này là chén Máu Thầy.
Chúa Giêsu trao ban Mình Máu Ngài có nghĩa Ngài trao cho chúng ta chính sự sống, chính bản thân Ngài một cách cụ thể nhất. Ngài hoàn toàn thuộc về chúng ta, Ngài phục vụ chúng ta. Ngài như đặt sự sống của chúng ta lên trên bản thân Ngài.
Đã trao ban đến sự sống của mình thì có nghĩa là không còn giữ lại gì cho mình nữa. Đó là một sự hiến dâng trọn vẹn và dứt khoát của Thiên Chúa. Khi nhắc đến việc lập Thánh thể Thánh Gioan nhận định: “Ngài yêu thương những kẻ thuộc về mình và đã yêu thương họ đến cùng”. Chúng ta hãy ghi nhận điều tối quan trọng đó. Chúng ta thuộc về Chúa và được Chúa yêu thương đến cùng. Cái “cùng” này của Thiên Chúa thì thật “vô cùng'.
Vậy thì câu hỏi đầu tiên được đặt ra cho chúng ta là: Nếu Chúa đã không tiếc gì với chúng ta, kể cả sự sống, chính bản thân Ngài. . . thì phần chúng ta, chúng ta có tiếc gì với Ngài không? Chắc tiếc đủ thứ: Tiếc những cái thật nhỏ bé, những cái thực ra chẳng có gì đáng kể. Nói chi đến những cái lớn, những hy sinh nặng nề, đến việc hiến dâng mạng sống của chính mình. Chúa rộng lượng với chúng ta chứ chúng ta đâu có quảng đại với Chúa bao nhiêu. Thế mà nhiều khi chúng ta lại cứ nghĩ mình quảng đại ghê gớm.
Bởi thế Mình Máu Chúa Giêsu phải làm chúng ta luôn áy náy. Mỗi lần lên rước lễ chúng ta phải áy náy tự hỏi: Mình còn tiếc gì với Chúa không?
Có một người đàn ông nọ sa cơ thất thế phải đi ăn xin, kiếp sống cơ cực khiến ông hồi tâm muốn quay trở về với Chúa. Trong lời cầu nguyện tha thiết dâng lên Chúa; ông chỉ xin được đủ ăn, đủ mặc, và Thiên Chúa đã nhận lời ông.
Ngài ban cho ông 10 quả táo thần diệu và truyền cho ông sử dụng chúng như sau: Ngươi hãy ăn ba quả cho đỡ đói, ba quả khác ngươi đem bán lấy tiền làm nơi trú ngụ qua đêm, ba quả nữa ngươi hãy đem đổi chác để lấy tiền mua quần áo mà mặc che thân, còn một quả cuối cùng hãy dâng lên Thiên Chúa để biểu trưng lòng biết ơn của người.
Người đàn ông đã sử dụng chín quả táo đầu tiên như ý Chúa, đến quả cuối cùng, ông lại không làm như vậy, quả táo này xem ra lớn và ngon hơn chín quả khác. Thế nhưng tại sao lại phải dâng lại cho Thiên Chúa. Thiên Chúa có thiếu thốn gì đâu. Suy đi tính lại mãi cuối cùng ông ăn luôn quả táo thứ mười chỉ chừa lại cái cùi.
Câu truyện ngụ ngôn trên đây hẳn xem ra có vẻ là truyện của người ta. Nhưng nếu xét cho cùng thì có lẽ mỗi người chúng ta cũng thường hay tính toán với Thiên Chúa như vậy.
B. VÌ SAO CHÚA LẠI TRAO BAN SỰ SỐNG CHO CHÚNG TA?
Ngài trao ban cho ta sự sống để ta được sống bằng chính sự sống của Ngài, và sống thật dồi dào.
Nhờ Thánh tẩy Thiên Chúa đã ban cho ta sự sống thần linh của chính Ngài. Nhưng như vậy sự sống của Thiên Chúa trong ta còn non nớt, còn ở trong tình trạng phôi thai, luôn bị đe dọa bởi cám dỗ, tội lỗi, có nguy cơ suy thoái, lụi tàn. Chính vì thế mà mỗi ngày Chúa Giêsu dùng Mình Máu Ngài để tiếp sức và hồi sinh chúng ta. Ngài gìn giữ, củng cố, nuôi dưỡng đời sống thần linh trong chúng ta. Chẳng những vậy mà còn làm tăng trưởng, làm sự sống đó thêm tràn đầy, sinh hoa kết quả dồi dào trong tâm hồn.
Bởi vậy Thánh Thể không phải chỉ là một thứ trang trí bên ngoài, một thứ gia vị không thiết yếu, một thứ quà ăn dặm thêm ngoài bữa. Nhưng là một nhu cầu, một lương thực chủ yếu. Nhiều khi Mình Máu Chúa Giêsu còn cần thiết như một phương thế cấp cứu, giống như dưỡng khí, nước biển để cấp cứu bệnh nhân. Không có Chúa Giêsu Thánh Thể bổ dưỡng, chúng ta khó có thể sống một cuộc sống xứng đáng là con cái Thiên Chúa. Không có Chúa Giêsu Thánh thể trợ lực chúng ta khó mà sống được một cuộc sống đáng nể phục.
Xin được trích ra đây những lời tâm huyết của Mẹ Têrêsa “Trong Bí tích Thánh Thể, tôi nhận được lương thực tâm linh nâng đỡ tôi trong mọi công việc. Không có Thánh Thể, tôi không thể sống nổi dù chỉ một ngày hoặc một giờ trong đời tôi”
C. CHÚA GIÊSU THÁNH THỂ NHƯ CỦA ĂN ĐƯỜNG (Viaticum)
Thánh Thể lúc ban đầu được gọi là Viaticum. Via ticum dịch sang tiếng Việt nam là “của ăn đường”.
Xưa kia khi người ta phải vượt qua một quãng đường xa, nhất là qua những miền hoang vu, khô cằn, không có người ở thì chỉ có thể cậy trông vào lượng nước và lương khô mà mình mang theo làm 'của ăn đường', ngoài ra không thế tìm được của ăn nào khác. Sống chết tùy thuộc vào lương thực mang theo.
Cũng vậy trên đường về quê hương vĩnh cửu, một con đường không thiếu gian lao và khó đi nhất, Chúa Giêsu cũng trao cho chúng ta một thứ “của ăn đường” là Mình Máu Ngài. Ăn thì sống. Ăn thì đủ sức vượt mọi trở ngại, cầm cự được với cái chết, cảm thấy sung sức để đi cho hết đường, cho tới nơi phải đến.
Mỗi lần cử hành Thánh Thể, Chúa Giêsu lại mời gọi chúng ta đến ngồi cùng bàn dự tiệc thánh của Ngài. Chính Ngài là nguồn sống của chúng ta. Chính Ngài làm cho chúng ta được sống thật.
Trong tác phẩm có nhan đề: “où Dieu pleure”, tác giả có kể lại rằng: bà cùng một số người Đức khác bị đưa lưu đày xa quê hương từ giữa lòng thế chiến thứ hai. Tất cả là người công giáo và cùng lao động tại nông trường. Nơi họ bị lưu đày đến không có nhà thờ và cũng chẳng có linh mục. Rất may họ còn được phép tụ họp mỗi chiều chủ nhật tại một nghĩa địa cũ để cầu nguyện với nhau. Khi biết cách đó một nghìn cây số có linh mục, anh chị em kitô hữu bèn quyết định hàng tháng góp với nhau một ít tiền để cử bà mua vé xe đi đến nơi ấy mang Mình Thánh Chúa về cho họ. Thế rồi từ đó mỗi chiều chủ nhật họ đều gặp nhau ngoài địa với tâm hồn vui sướng, vì biết rằng có Chúa Thánh Thể, đang ở cùng họ. Họ sốt sắng cầu nguyện, suy niệm lời Chúa … Những ai yếu liệt đều được trao tặng của ăn đi đàng quý giá ấy trước khi qua đời.
Chính nhờ có Chúa Thánh Thể mà trong suốt mười năm trời cộng đoàn Kitô hữu ấy đã sống với nhau thật hạnh phúc với niềm tin kiên vững. Họ đùm bọc yêu thương nhau trong tình bác ái huynh đệ như anh chị em một nhà.
Xin ở lại với con, lạy Chúa,
vì con cần có Chúa hiện diện
để con khỏi quên Chúa.
Chúa thấy con dễ bỏ Chúa biết chừng nào.
Xin ở lại với con, lạy Chúa,
vì con yếu đuối,
con cần Chúa đỡ nâng để con khỏi ngã quỵ.
Không có Chúa,
con đâu còn nồng nhiệt hăng say.
Xin ở lại với con, lạy Chúa,
vì trời đã xế chiều và ngày sắp tàn.
Cuộc đời qua đi, vĩnh cửu gần đến.
Con cần được thêm sức mạnh
để khỏi ngừng lại dọc đường.
Xin ở lại với con, lạy Chúa,
vì con cần Chúa trong đêm tối cuộc đời.
Con không dám xin những ơn siêu phàm,
chỉ xin ơn được Ngài hiện diện.
Xin ở lại với con
vì con chỉ tìm Chúa, yêu Chúa,
và không đòi phần thưởng nào khác
ngoài việc được yêu Chúa hơn.
bài liên quan mới nhất
- Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật Lễ Hiển Linh
-
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật Lễ Thánh Gia năm C -
Bài giảng: Lễ Giáng Sinh (+video) -
Lễ Chúa Giáng Sinh (Lễ Đêm) -
Lễ Chúa Giáng Sinh: Lễ Rạng Đông (+video) -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 4 mùa Vọng năm C -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 3 mùa Vọng năm C -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 2 mùa Vọng năm C -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 1 mùa Vọng năm C -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 34 Thường niên năm B - Chúa Kitô Vua
bài liên quan đọc nhiều
- Bài giảng: Lễ Giáng Sinh (+video)
-
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 14 Thường niên năm A -
Bài giảng Chúa Nhật: Đức Mẹ dâng Chúa Giêsu vào Đền Thánh -
Bài giảng Chúa Nhật: Chúa Nhật 2 Mùa Chay - Năm A -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 29 Thường niên năm A - Khánh nhật truyền giáo -
Bài giảng Chúa Nhật: Chúa Nhật 5 Thường Niên - Năm A -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 20 Thường niên năm A -
Bài giảng Chúa Nhật: Chúa Nhật 5 Mùa Chay - Năm A -
Bài giảng Chúa nhật: Chúa nhật 34 Thường niên năm C - Lễ Chúa Giêsu Kitô Vua Vũ Trụ -
Bài giảng Chúa nhật: Lễ Đức Mẹ Mân Côi